BNEWS Thương mại điện tử một mặt giúp người tiêu dùng mua bán nhanh chóng, dễ dàng, thuận lợi hơn, song cũng phải đối mặt với nhiều rủi ro hơn khiến người tiêu dùng hoang mang, lo lắng.
Việt Nam đang hướng tới trở thành quốc gia số hàng đầu khu vực với mục tiêu đưa kinh tế số chiếm 20% tổng ngân sách quốc nội (GDP) vào năm 2025. Tuy nhiên, để hiện thực hóa mục tiêu này, ngành thương mại điện tử giữ vai trò vô cùng quan trọng.
Thông tin này được bà Phạm Thị Thanh Huyền – Tổng biên tập báo Đại biểu nhân dân nhấn mạnh tại Toạ đàm trực tuyến “Hoàn thiện khuôn khổ pháp luật để tăng cường bảo vệ người tiêu dùng trên không gian mạng” do báo Đại biểu nhân dân phối hợp với Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng (Bộ Công Thương) tổ chức chiều 19/10, tại Hà Nội.
Trong Ấn phẩm Sách Trắng Thương mại điện tử Việt Nam công bố mới đây, Bộ Công Thương cho biết, bất chấp dịch COVID- 19 ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoạt động thương mại và dịch vụ, ngành thương mại điện tử vẫn tăng trưởng 16%, doanh thu bán lẻ đạt 13,7 tỷ USD trong năm 2021 và dự báo sẽ chạm mốc 39 tỷ USD vào năm 2025, đứng thứ 2 trong ASEAN, sau Indonesia.
Ước tính số lượng người tiêu dùng mua sắm trực tuyến ở Việt Nam trong năm nay có thể chạm ngưỡng 60 triệu người. Thương mại điện tử một mặt giúp người tiêu dùng mua bán nhanh chóng, dễ dàng, thuận lợi hơn, song cũng phải đối mặt với nhiều rủi ro hơn khiến người tiêu dùng hoang mang, lo lắng. Có thể kể đến những rủi ro như: bị lợi dụng thông tin cá nhân để chiếm đoạt tài sản; bị lừa đảo hoặc mua phải hàng giả, hàng nhái; bị từ chối, kéo dài thời gian giải quyết khi có khiếu nại…
Theo số liệu của Bộ Công Thương, các vụ việc vi phạm quyền lợi người tiêu dùng tăng nhanh cả về số lượng và mức độ nghiêm trọng, với khoảng 1.500 vụ/năm trong giai đoạn 2016 – 2020. Đây cũng là khoảng thời gian phát triển bùng nổ thương mại điện tử.
Trong khi đó, chính sách pháp luật hiện hành, cụ thể là Luật Bảo vệ người tiêu dùng ban hành 12 năm trước đang thiếu những quy định phù hợp với những mô hình kinh doanh có yếu tố mới trong điều kiện chuyển đổi số. Nhiều hành vi xâm phạm quyền lợi người tiêu dùng mới xuất hiện cũng chưa được điều chỉnh.
Nhằm hoàn thiện khung pháp lý để bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, đặc biệt trong môi trường thương mại điện tử và trên không gian mạng, Chính phủ đã đề xuất và được Quốc hội nhất trí đưa dự án Luật Bảo vệ người tiêu dùng (sửa đổi) vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2022.
Dự kiến, dự án Luật Bảo vệ người tiêu dùng (sửa đổi) sẽ được Quốc hội cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 4, khai mạc ngày 20/10 và xem xét thông qua tại Kỳ họp thứ 5 vào tháng 5/2023.
Trong bối cảnh đó, báo Đại biểu Nhân dân tổ chức Tọa đàm “Hoàn thiện khuôn khổ pháp luật để tăng cường bảo vệ người tiêu dùng trên không gian mạng” với mong muốn được ghi nhận những đề xuất, góp ý về mặt chính sách để bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng tốt hơn và hiệu quả hơn.
“Đây chắc chắn sẽ là nguồn thông tin tham khảo tin cậy và hữu ích đối với Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội và các đại biểu Quốc hội trong quá trình xây dựng ban hành Luật Bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng (sửa đổi)”, bà Phạm Thị Thanh Huyền cho biết.
Ông Trịnh Anh Tuấn – Phó Cục trưởng Cục Cạnh tranh và bảo vệ người tiêu dùng (Bộ Công Thương) cho hay, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trên không gian mạng hiện vẫn là một vấn đề mới đối với Việt Nam.
Về mặt chính sách đã được quy định ở một số văn bản pháp luật và tập trung chủ yếu vào lĩnh vực thương mại điện tử như: Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, các luật chuyên ngành, đặc biệt là Nghị định số 52/2013/NĐ-CP về thương mại điện tử; Nghị định số 85/2021/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 52/2013/NĐ-CP; Nghị định số 98/2020/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động thương mại, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng; Nghị định số 17/2022/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 98/2020/NĐ-CP và sửa đổi một số Nghị định liên quan.
Ông Trịnh Anh Tuấn nhấn mạnh, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng được thực hiện thường xuyên, liên tục. Đặc biệt, vào mùa cao điểm mua sắm cuối năm hay trong bối cảnh dịch bệnh, vấn đề bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng luôn được chú trọng nhằm ngăn chặn, hạn chế các hành vi lợi dụng thời điểm cuối năm hay đại dịch COVID-19 để xâm phạm quyền lợi người tiêu dùng.
Trong thời gian qua, Cục Cạnh tranh và bảo vệ người tiêu dùng đã chủ động thực hiện nhiều biện pháp để nâng cao hiệu quả bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng nói chung và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trên không gian mạng nói riêng.
Vì vậy, Cục đã phối hợp với Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số tổ chức ký cam kết với các sàn thương mại điện tử để trong trường hợp người tiêu dùng có khiếu nại thì các sàn giao dịch điện tử phải tiếp nhận và công bố minh bạch các quy trình tiếp nhận và xử lý khiếu nại của người tiêu dùng.
Bên cạnh đó, đẩy mạnh hoạt động phối hợp với các lực lượng chuyên ngành trong lĩnh vực thương mại, quản lý chất lượng, an toàn sản phẩm… để tăng cường hoạt động chia sẻ thông tin, giám sát, kịp thời phát hiện, xử lý các hành vi vi phạm pháp luật về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.
Tuy nhiên, theo bà Lại Việt Anh, Phó Cục trưởng Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (Bộ Công Thương), cùng với sự mở rộng của thị trường thương mại điện tử (dự kiến đến năm 2025, thị trường này đạt 57 tỷ USD, đưa Việt Nam vào nhóm hàng đầu khu vực, vượt xa quy mô thị trường năm 2021 là 13,7 tỷ USD), những hành vi vi phạm ngày càng tinh vi và đa dạng. Do vậy, việc hoàn thiện khuôn khổ pháp lý để tăng cường bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trên không gian mạng là rất cần thiết.
Hiện tại, dự thảo Luật đã bổ sung một chương mới quy định về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trong các giao dịch đặc thù với người tiêu dùng. Theo đó, giao dịch từ xa, bao gồm giao dịch được thực hiện trên không gian mạng là một trong 3 loại hình quan trọng thuộc giao dịch đặc thù.
Điểm đáng lưu ý là Dự thảo đã bổ sung các quy định cụ thể về trách nhiệm của tổ chức, cá nhân kinh doanh với người tiêu dùng trong các giao dịch trên không gian mạng.
Tại tọa đàm, các đại biểu cũng thảo luận làm rõ các nội dung như bảo vệ thông tin cá nhân của khách hàng trên không gian mạng theo kinh nghiệm quốc tế cũng như thực tế áp dụng tại doanh nghiệp; đề xuất các giải pháp để hoàn thiện dự án Luật nhằm bảo vệ người tiêu dùng tốt hơn trên không gian mạng.
Ở góc độ doanh nghiệp, Giám đốc Pháp chế và Đối ngoại, Ví điện tử MoMo Đoàn Tử Tích Phước cho biết, ý thức được trách nhiệm là một trong những đơn vị cung cấp các dịch vụ tài chính, kể từ năm 2016, việc bảo vệ dữ liệu người tiêu dùng của MoMo được áp dụng theo chuẩn cao nhất đối với các dịch vụ tài chính.
MoMo không chỉ bảo vệ người dùng trong một số giao dịch mua bán cụ thể mà bảo vệ cả nguồn tiền, tài khoản, tức là nguồn tiền dự trữ, dữ liệu cá nhân của họ. Theo đó, người tiêu dùng được bảo vệ bằng xác thực hai bước bởi mật khẩu và OTP cho mỗi giao dịch. Đối với OTP, áp dụng không phải bằng tin nhắn mà thông qua cuộc gọi, tính an toàn sẽ cao hơn.
Đối với mật khẩu, bên cạnh nhập thông qua thiết bị, chúng tôi cũng ứng dụng công nghệ mới như nhận dạng sinh trắc học, mống mắt, khuôn mặt, vân tay để bảo mật tốt hơn. Ngoài ra, MoMo sử dụng những công nghệ mới để phân tích hành vi, phát hiện những yếu tố đáng ngờ để đưa ra những cảnh báo và bảo vệ người tiêu dùng tốt hơn. Thời gian tới, MoMo tiếp tục hoàn thiện để tăng cường công tác bảo vệ người dùng, ông Phước chia sẻ.
Góp ý trực tiếp vào dự thảo Luật, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Tạ Đình Thi cho rằng, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trên không gian mạng là một vấn đề hết sức mới mẻ ở Việt Nam cũng như trên thế giới.
Vì vậy, việc thiết kế, xây dựng dự thảo Luật lần này muốn bảo đảm tính khả thi đòi hỏi phải tiếp tục tổng kết, đánh giá từ thực tiễn của Việt Nam, chắt lọc bài học kinh nghiệm của quốc tế để đưa ra những quy định phù hợp, vừa giải quyết các vấn đề cấp bách vừa bảo đảm tính bền vững, lâu dài.
“Hiện nay, chúng ta chưa có quy định cụ thể, rõ ràng về bảo vệ người tiêu dùng trên không gian mạng. Do vậy, việc dự thảo có hẳn một chương riêng quy định bảo vệ người tiêu dùng trong các giao dịch đặc thù, bao gồm không gian mạng là rất cần thiết. Đây là vấn đề phức tạp và cần nghiên cứu kỹ với những quy định chi tiết”, ông Tạ Đình Thi lưu ý./.
Theo BNews/