BNEWS Những năm gần đây, xu hướng tổ chức thi hoặc sử dụng kết quả thi đánh giá năng lực để tuyển sinh đầu vào ngày càng được nhiều cơ sở đào tạo đại học, cao đẳng lựa chọn.
Bên cạnh tăng thêm lựa chọn cho thí sinh khi đăng ký phương thức xét tuyển, giúp các cơ sở đào tạo đại học, cao đẳng tuyển chọn được thí sinh phù hợp, cũng có ý kiến lo ngại xu hướng này làm tăng áp lực thi cử cho thí sinh.
Tăng tỷ lệ chỉ tiêu
Mùa tuyển sinh năm 2023, tại Thành phố Hồ Chí Minh có 3 đơn vị dự kiến sẽ tổ chức kỳ thi Đánh giá năng lực, cùng với đó là hàng chục cơ sở đào tạo khác đăng ký sử dụng kết quả thi đánh giá năng lực để tuyển sinh đầu vào.
Năm nay, lần đầu tiên Trường Đại học Ngân hàng Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức kỳ thi Đánh giá năng lực riêng để tuyển sinh đầu vào cho 7 ngành thuộc chương trình quy chuẩn.
Đó là các ngành: Tài chính – Ngân hàng, Kế toán, Quản trị kinh doanh, Kinh doanh quốc tế, Hệ thống thông tin quản lý, Luật Kinh tế, Ngôn ngữ Anh. Với phương thức sử dụng kết quả kỳ thi này, trường dự kiến tuyển 10-15% chỉ tiêu cho mỗi ngành trên.
Nói về sự cần thiết tổ chức kỳ thi, lãnh đạo nhà trường cho rằng, kỳ thi Tốt nghiệp Trung học Phổ thông hiện nay có mục đích chủ yếu là để xét tốt nghiệp Trung học Phổ thông, không phải có mục tiêu chính là giúp các trường đại học lựa chọn người học có năng lực phù hợp.
Trong điều kiện đó, các trường đại học nói chung và Trường Đại học Ngân hàng Thành phố Hồ Chí Minh nói riêng cần chủ động có các phương thức tuyển sinh phù hợp để lựa chọn người học phù hợp với lĩnh vực, mục tiêu, phương pháp đào tạo của trường.
Để đánh giá năng lực người học, đảm bảo chuẩn đầu vào đại học, Trường cần tổ chức một kỳ thi bám sát chương trình giáo dục phổ thông hiện hành có tính phân loại cao để sử dụng kết quả phục vụ cho công tác tuyển sinh của trường.
Theo đó, kỳ thi Đánh giá năng lực Trường Đại học Ngân hàng Thành phố Hồ Chí Minh dự kiến tổ chức 6 đợt thi trong tháng 4 và tháng 5 năm 2023 tại Thành phố Hồ Chí Minh và một số tỉnh khu vực phía Nam và Nam Trung bộ.
Kỳ thi gồm 7 môn thi độc lập: Toán, Tiếng Anh, Vật lý, Hóa học, Sinh học, Lịch sử, Địa lý. Nội dung đề thi sẽ bám sát chương trình giáo dục phổ thông hiện hành, (chủ yếu là chương trình lớp 12, chỉ 10% kiến thức thuộc chương trình lớp 10 và lớp 11), có tính phân loại cao.
Thí sinh sẽ thi trắc nghiệm khách quan theo từng môn thi độc lập, trên máy tính. Thí sinh được quyền tham gia thi nhiều lần, thi nhiều môn và được sử dụng tổ hợp môn, kết quả của lần thi có điểm cao nhất để đăng ký xét tuyển.
Trung tâm Khảo thí Quốc Gia sẽ là đơn vị hỗ trợ trường xây dựng ngân hàng câu hỏi thi, cung cấp phần mềm tổ chức thi trên máy tính và truyền dữ liệu thi vào hệ thống máy chủ và máy tính dự thí của tất cả thí sinh dự thi.
Sau thành công của lần tổ chức đầu tiên năm 2022, năm nay, Trường Đại học Sư phạm Thành phố Hồ Chí Minh sẽ tiếp tục kỳ thi đánh giá năng lực chuyên biệt để lấy kết quả xét tuyển kết hợp xét học bạ vào các ngành đào tạo sư phạm. Kỳ thi sẽ được tổ chức 2 đợt vào tháng 4 và tháng 6, với hình thức thi vẫn được giữ ổn định như năm trước. Các bài thi sẽ đánh giá được năng lực chuyên biệt phù hợp với các ngành học mang tính đặc thù của Trường. Trường dự kiến dành 40% chỉ tiêu để xét tuyển từ điểm thi đánh giá năng lực kết hợp điểm học bạ trung học phổ thông, tăng gấp đôi so với năm trước.
Thạc sĩ Nguyễn Ngọc Trung, Phó hiệu trưởng nhà trường cho biết, từ kết quả của lần tổ chức đầu tiên, năm nay trường dự kiến sẽ tăng chỉ tiêu xét tuyển theo phương thức xét tuyển học bạ kết hợp xét điểm thi đánh giá năng lực chuyên biệt, hướng đến phát triển kỳ thi này trở thành phương thức xét tuyển chính của trường trong tương lai.
Triển khai từ năm 2018, kỳ thi Đánh giá năng lực Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh là một trong những kỳ thi riêng có quy mô lớn, thu hút nhiều thí sinh đăng ký dự thi, cũng như nhiều trường sử dụng kết quả kỳ thi này để xét tuyển. Năm trước, có gần 122.700 lượt thí sinh đã đăng ký dự kỳ thi này, tăng gấp 20 lần so với năm đầu tiên tổ chức; ngoài các đơn vị thành viên của Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh, có 76 trường đại học, cao đẳng sử dụng kết quả từ kỳ thi này để tuyển sinh.
Năm nay, Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh tiếp tục tổ chức kỳ thi Đánh giá năng lực với hai đợt vào tháng 3 và tháng 5, tại 21 tỉnh, thành. Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh dự kiến dành ít nhất 45% tổng chỉ tiêu tuyển sinh của các đơn vị thành viên để xét tuyển theo phương thức sử dụng kết quả kỳ thi này. Năm 2022, tỷ lệ nhập học ở phương thức này đạt 35,39% so với chỉ tiêu đề ra là 40%. Đến thời điểm này đã có gần 80 trường đại học, cao đẳng ngoài hệ thống đăng ký sử dụng kết quả kỳ thi Đánh giá năng lực của Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh để tuyển sinh năm 2023.
Theo Tiến sĩ Nguyễn Quốc Chính, Giám đốc Trung tâm Khảo thí và Đánh giá chất lượng đào tạo Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh, bài thi chú trọng đánh giá các năng lực cơ bản để học đại học của thí sinh như sử dụng ngôn ngữ, tư duy logic, xử lý số liệu, giải quyết vấn đề. Kỳ thi giới thiệu cách tiếp cận mới về đánh giá năng lực, góp phần định hướng tốt hơn cho học sinh trong học tập và rèn luyện hiệu quả hơn những năng lực quan trọng để học tập lên các bậc cao hơn. Việc tham dự kỳ thi sẽ giúp thí sinh có thêm cơ hội trúng tuyển vào ngành, trường phù hợp.
Lo ngại tăng áp lực thi cử
Việc có nhiều phương thức xét tuyển cùng nhiều kỳ thi đánh giá năng lực được tổ chức để xét tuyển đầu vào sẽ giúp thí sinh tăng thêm lựa chọn xét tuyển, giúp các cơ sở đào tạo tuyển được sinh viên phù hợp với từng ngành, đáp ứng với yêu cầu học bậc đại học. Trước xu hướng này, cũng không ít ý kiến lo ngại sẽ làm tăng áp lực thi cử cho học sinh.
Tuy nhiên, Thạc sĩ Nguyễn Anh Vũ, Trưởng phòng Tư vấn tuyển sinh và Phát triển thương hiệu Trường Đại học Ngân hàng Thành phố Hồ Chí Minh cho rằng, bài thi của trường có định dạng thi quen thuộc, thời gian tổ chức, phương thức sử dụng kết qua thi linh hoạt, qua đó sẽ giảm áp lực thi cử cho thí sinh.
Với nội dung thi bám sát chương trình giáo dục phổ thông hiện hành, thí sinh không cần ôn tập hay luyện thi thêm bất cứ nội dung gì mà chỉ cần sử dụng đúng các nội dung mình đã học tại trường phổ thông để tham gia thi. Mặt khác, việc thí sinh được thi nhiều môn, tham gia nhiều đợt thi và được sử dụng tổ hợp môn, kết quả của lần thi có điểm cao nhất để đăng ký xét tuyển, giúp thí sinh có thể lựa chọn thời gian thi thoải mái nhất, thoát khỏi áp lực của một kỳ thi quan trọng duy nhất trong năm, thoát khỏi nỗi sợ hãi và rủi ro “học tài thi phận”.
Tiến sĩ Phạm Tấn Hạ, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh cũng cho rằng, việc tổ chức, sử dụng kết quả thi đánh giá năng lực giúp các cơ sở giáo dục tuyển chọn được những thí sinh có năng lực phù hợp với bậc đại học, phù hợp với yêu cầu của từng lĩnh vực, ngành học. Mỗi trường có tôn chỉ mục đích, chuẩn đầu ra về kiến thức, kỹ năng, cơ hội việc làm cho người học sau khi ra trường khác nhau. Vì thế, để tuyển được người học có năng lực phù hợp, có thể đạt được những chuẩn mà trường đặt ra, trường phải có “bộ lọc” và việc thi đánh giá năng lực giúp nhà trường thực hiện được điều này.
“Thực tế, không phải cứ tuyển đủ chỉ tiêu vào rồi quá trình đào tạo sẽ giúp những sinh viên đó giỏi được. Để quá trình đào tạo của nhà trường, học tập của sinh viên được thuận lợi, ít nhất người học phải có một nền tảng kiến thức, một năng lực phù hợp với ngành học, bậc học đại học. Đặc biệt người học phải có khả năng thích nghi với môi trường học tập, nghiên cứu của bậc học này”, Tiến sĩ Phạm Tấn Hạ nhận định.
Tại Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh, năm 2023 trường vẫn giữ ổn định phương thức tuyển sinh như những năm trước để tạo thuận lợi cho thí sinh trong việc lựa chọn phương thức phù hợp nhất với bản thân.
Tỷ lệ chỉ tiêu giữa các phương thức không có thay đổi nhiều. Từ thực tế xu hướng chọn phương thức xét tuyển của thí sinh trong nhiều năm qua, năm nay trường tiếp tục ưu tiên chỉ tiêu cho hai phương thức sử dụng kết quả Kỳ thi đánh giá năng lực của Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh và xét điểm thi Tốt nghiệp Trung học Phổ thông. Trong đó trường dự kiến dành 35-50% tổng chỉ tiêu cho phương thức sử dụng kết quả thi Đánh giá năng lực của Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh./.
Theo BNews/