BNEWS Những đợt nắng nóng gần đây có thể làm giảm gần 0,6 điểm phần trăm trong tăng trưởng GDP toàn cầu năm 2023.
Tạp chí La Tribune (Pháp) dẫn báo cáo của công ty bảo hiểm Allianz Trade cho rằng, những đợt nắng nóng gần đây có thể làm giảm gần 0,6 điểm phần trăm trong tăng trưởng GDP toàn cầu năm 2023, trong đó Trung Quốc thậm chí có thể mất 1,3 điểm phần trăm tăng trưởng. Cụ thể như sau:
Tháng Bảy vừa qua, Tổng thư ký LHQ António Guterres đã phát biểu rằng thế giới đang bước vào kỷ nguyên ‘nóng toàn cầu’ khi phải đối mặt với kỷ lục nắng nóng mới mà thế giới vừa trải qua vào tháng trước. Ngày 9/10, Copernicus, cơ quan quan trắc Trái Đất của châu Âu, đã xác nhận rằng tháng 7/2023 – được đánh dấu bằng các đợt nắng nóng và hỏa hoạn trên khắp thế giới – là tháng nóng nhất từng được ghi nhận trên Trái Đất, với nhiệt độ trung bình là 16,63 độ C. Nhiệt độ trung bình của tháng trước cao hơn 1,5 độ so với mức tương ứng của thời kỳ tiền công nghiệp, vốn là giới hạn mà Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu đặt ra.
Đối với Allianz Trade, công ty bảo hiểm tín dụng thương mại toàn cầu, sự nóng lên toàn cầu đã gây ra những hậu quả kinh tế rõ ràng. Xem xét các dữ liệu và nghiên cứu có sẵn, công ty này đánh giá những đợt nắng nóng mới có thể gây thiệt hại 0,6 điểm phần trăm tăng trưởng GDP trong năm 2023 và điều này rất đáng quan tâm, bởi nó phản ánh chính xác mức độ rủi ro của biến đổi khí hậu. Theo nghiên cứu của Allianz Trade, thậm chí tăng trưởng GDP của Trung Quốc có thể sụt giảm 1,3 điểm phần trăm, trong khi Tây Ban Nha giảm 1 điểm phần trăm, Hy Lạp hạ 0,9 điểm phần trăm, Italia giảm 0,5 điểm phần trăm, Mỹ lùi 0,3 điểm phần trăm và Pháp mất 0,1 điểm phần trăm. Nghiên cứu cũng cho biết “mỗi ngày nắng nóng vượt quá 32 độ C sẽ tương đương với nửa ngày đình công”.
Trong những tháng gần đây, Mỹ, châu Âu, Trung Quốc và nhiều quốc gia khác ở châu Á đã phải đối mặt với sự gia tăng nhiệt độ kỷ lục. Biến đổi khí hậu sẽ làm tăng tần suất và cường độ của nhiệt độ cực cao, tạo ra một “tình trạng bình thường mới” của các đợt nắng nóng, hạn hán và hỏa hoạn. Allianz Trade chỉ ra rằng những sự kiện như vậy không chỉ tác động đến con người và động vật hoang dã mà còn ảnh hưởng đáng kể và trực tiếp đến các nền kinh tế.
Ví dụ, người lao động bị ảnh hưởng bởi nắng nóng sẽ phải giảm số giờ làm việc, dẫn đến “công việc bị chậm lại và dễ mắc sai lầm”. Việc giảm năng suất tại nơi làm việc do nhiệt độ khắc nghiệt là một hiện tượng không có gì mới lạ. Và các lo ngại thậm chí còn “vượt xa” tình trạng suy giảm năng suất lao động toàn cầu. Những hiện tượng như vậy chắc chắn là mối quan ngại của các công ty bảo hiểm.
Năm 2015, Henri de Castries, khi đó là CEO của tập đoàn bảo hiểm công nghiệp AXA (Pháp), từng khẳng định rằng “nếu nhiệt độ trung bình trên thế giới tăng 2 độ C vẫn có thể bảo hiểm được bảo, nhưng nếu tăng 4 độ C thì chắc chắn là không thể”.
Đầu tháng Bảy vừa qua, tại một cuộc họp với giới doanh nghiệp ở Aix-en-Provence, một địa phương ở miền nam nước Pháp, Pascal Demurger, CEO của tập đoàn bảo hiểm MAIF, cũng đã gióng lên hồi chuông cảnh báo tình trạng dễ bị tổn thương bởi biến đổi khí hậu của nhiều khu vực đặc biệt tại châu Âu, trong đó “môi trường bảo hiểm đứng trước nguy cơ nghiêm trọng”, nhất là khi các vùng ven biển có thể bị nước nhấn chìm do biến đổi khí hậu và băng tan.
Ông Demurger bày tỏ quan ngại rằng: “Nếu để thị trường bảo hiểm tự do cạnh tranh, sẽ có một số hãng phải rút lui khỏi những khu vực này. Dần dần gánh nặng sẽ đè lên vai những công ty bảo hiểm còn lại và số này rồi cũng sẽ phải bỏ cuộc. Kết quả là sẽ có khoảng 10-15% người dân Pháp không còn được bảo hiểm nữa”.
Samantha Burgess, Phó Giám đốc bộ phận biến đổi khí hậu (C3S) của Copernicus, đã đưa ra một nhận định thực tế rằng hiện có “quá nhiều mối nguy hiểm” do tình trạng nhiệt độ nóng kỷ lục gây nên, khiến giới doanh nghiệp và các chính trị gia trên khắp thế giới đi đến cùng một kết luận: “Điều này cho thấy sự cấp bách của việc thực hiện những nỗ lực đầy tham vọng nhằm giảm phát thải khí nhà kính toàn cầu, nguyên nhân chính của nhiệt độ cao kỷ lục này”./.
Theo BNews/