BNEWS Việt Nam là một nước xuất khẩu gạo, giá gạo tăng đương nhiên sẽ là cơ hội tốt để tận dụng về giá, bên cạnh đó còn là cơ hội mở rộng thị trường.
Động thái của Ấn Độ cùng một số nước như Nga, Các Tiểu vương quốc Arap thống nhất (UAE) tạm thời cấm xuất khẩu gạo đang khiến thị trường gạo nói chung và an ninh lương thực của thế giới trở nên xáo trộn.
Câu chuyện càng trở nên nóng hơn khi nhiều nước cho rằng có thể biến khủng hoảng thành cơ hội gia tăng sản lượng cũng như tạo đòn bẩy về giá. Việt Nam quốc gia đứng thứ ba thế giới về xuất khẩu gạo liệu có được hưởng lợi hay sẽ đối mặt thách thức gì?
Ngay khi giá gạo tăng sốc, đã không ít ý kiến lo ngại về việc nhiều doanh nghiệp có tư duy kinh doanh “chộp giật” có thể sẽ có những hành động tranh mua, tranh bán, tranh thị trường, ép cấp, ép giá… Điều này có thể thu lợi trước mắt, nhưng lại bất lợi về lâu dài. Tất cả những điều này đang đặt ra nhiều thách thức cho xuất khẩu gạo của Việt Nam trong bối cảnh mới.
Thách thức được nhiều người quan tâm đầu tiên là những bất ổn lương thực trên thế giới sẽ tác động như thế nào đối với Việt Nam?
Việt Nam là một nước xuất khẩu gạo, giá gạo tăng đương nhiên sẽ là cơ hội tốt để tận dụng về giá, bên cạnh đó còn là cơ hội mở rộng thị trường, biến những khách hàng “lạ thành quen” khi ngày càng nhiều thương nhân tìm đến. Giá lúa gạo lên vừa giúp đẩy mạnh xuất khẩu, tạo niềm tin và động lực cho người dân sản xuất.
Việt Nam có thể xuất khẩu được từ 7,2-7,5 triệu tấn gạo. Đây là con số cao. Năm nay, cả nước dự kiến sản xuất được trên 43 triệu tấn lúa, xuất khẩu gạo có thể vượt kỷ lục năm 2022. Chính vì vậy, diễn biến giá gạo thế giới tăng là thời cơ để Việt Nam đẩy mạnh xuất khẩu gạo mà cũng không lo ngại nhiều đến vấn đề an ninh lương thực trong nước.
Tuy nhiên, cơ hội này có thể sẽ chỉ chớp nhoáng trong thời gian nhất định nếu không có những chiến lược bài bản, lâu dài. Nhiều chuyên gia cũng dự báo rằng, thị trường gạo có thể bình ổn trở lại vào nửa cuối năm 2024 hoặc đầu năm 2025. Hơn nữa, do đặc thù lúa gạo có mùa vụ ngắn, chu kỳ tăng giá của gạo trên thế giới thường không kéo dài lâu.
Vậy khi giá gạo bị đẩy tăng cao sẽ có những rủi ro gì?
Thực tế hiện nay, các nước nhập khẩu khi nghe thông tin Ấn Độ cấm xuất khẩu gạo đã trực tiếp liên hệ với doanh nghiệp Việt Nam và đưa ra mức giá cao để thu mua. Điều này đã tác động đến thị trường gạo trong nước và đẩy giá lúa, giá gạo tại Việt Nam lên cao trong những ngày qua.
Giá gạo xuất khẩu của Việt Nam đã tăng lên mức 558-560 USD/tấn, mức tăng cao nhất trong vòng hơn một thập kỷ qua. Mức giá này ngoài do yếu tố tác động bởi nguồn cung trên thị trường gạo thế giới bị thu hẹp, còn có lý do khác đó là giá thành gạo của Việt Nam cũng được tạo nên bởi giá thành đầu tư đầu vào. Không phải là chuyện tranh thủ “lúc khó khăn” để tăng giá!
Lẽ ra vào thời điểm này việc “cầu tăng – giá tăng” là tín hiệu vui với doanh nghiệp lúa gạo nhưng không phải doanh nghiệp nào cũng phấn khởi bởi nghịch lý giá gạo tăng nhưng vẫn có doanh nghiệp xuất khẩu lại “lỗ ngược”. Nghĩa là, các doanh nghiệp này ký đơn hàng với đối tác nước ngoài từ khi giá gạo còn thấp, chưa biến động.
Trong khi, phía doanh nghiệp lại chưa nắm chắc lượng gạo sẽ có trong kho để đáp ứng đơn hàng. Điều nay dẫn đến việc khi giá gạo lên, doanh nghiệp buộc phải đi mua gom trong dân với giá cao để đủ sản lượng đơn hàng xuất khẩu đã ký.
Nếu doanh nghiệp mua thấp theo giá cũ thì người dân sẽ không bán. Do vậy, một số doanh nghiệp đang phải chịu lỗ, mua vào giá cao và xuất đi với giá thấp hơn (do đã ký hợp đồng trước đó). Do đó, thay vì đón nhận, không ít doanh nghiệp đóng cửa kho và từ chối ký kết hợp đồng xuất khẩu gạo. Rõ ràng, nhu cầu thị trường hiện nay vừa là cơ hội nhưng cũng là thách thức với doanh nghiệp. Cơ hội là với doanh nghiệp nào ký hợp đồng mới và có vùng nguyên liệu thì sẽ thắng. Doanh nghiệp nào ký sớm và không có vùng nguyên liệu thì sẽ thua.
Thách thức tiếp theo, đó là việc giá gạo tăng cao sẽ khiến có trường hợp “con sâu bỏ rầu nồi canh”. Sẽ có doanh nghiệp rất dễ bội tín với hợp đồng đã ký để trục lợi. Điều này sẽ tạo tiền đề xấu khiến Việt Nam có nguy cơ đánh mất thị trường xuất khẩu. Thiết nghĩ, với doanh nghiệp không nghiêm chỉnh trong kinh doanh, muốn tranh thủ “trục lợi” ảnh hưởng đến uy tín gạo Việt Nam không chỉ phạt hành chính mà cần phải thu hồi ngay giấy phép kinh doanh, tránh nguy cơ mất thị trường.
Trong bối cảnh mới, điều quan trọng nhất là không vì cái lợi trước mắt mà lãng quên sự phát triển bền vững của thị trường. Việt Nam cần kiên trì nâng cao chất lượng gạo, xây dựng thương hiệu, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của người tiêu dùng trên thế giới.
Có thể thấy, việc sản xuất lúa tại Việt Nam thời gian qua còn thiếu tính bền vững, phần lớn chưa có hợp đồng tiêu thụ ổn định, liên kết theo chuỗi còn thấp lại chịu tác động lớn của biến đổi khí hậu. Biến động thị trường gạo lần này không tác động nhiều đến an ninh lương thực của Việt Nam nhưng cũng là bài học để có thể hạn chế nguy cơ này trước những biến động của thị trường về sau. Nên chăng Nhà nước cần xem xét việc thiết lập một hệ thống quản lý dự trữ lương thực quốc gia, cung cấp một nguồn cung ổn định cho nhu cầu nội địa trong trường hợp biến động thị trường quốc tế.
Mới đây, Thủ tướng đã có Quyết định 583/QĐ-TTg về việc Phê duyệt Chiến lược phát triển thị trường xuất khẩu gạo của Việt Nam đến năm 2030 nhằm hướng tới xuất khẩu bền vững, giảm về lượng nhưng tăng về chất, đa dạng hoá thị trường, khẳng định uy tín và thương hiệu gạo Việt Nam là hoàn toàn phù hợp trong bối cảnh hiện nay. Đây là chính sách hết sức đúng đắn hướng tới sự phát triển bền vững của thị trường lúa gạo.
Trong bối cảnh mới, ngày 15/8/2023, Bộ Công Thương cũng đã ban hành Chỉ thị số 07/CT-BCT về tăng cường công tác thông tin thị trường, xúc tiến thương mại, phát triển thị trường xuất khẩu gạo và bình ổn thị trường trong nước. Bộ Công Thương yêu cầu các đơn vị trong ngành tập trung triển khai thực hiện hàng loạt các giải pháp… Để đảm bảo lợi ích của người trồng lúa, cân đối xuất khẩu và tiêu dùng nội địa, Bộ Công Thương chỉ đạo các cơ quan chức năng kiểm tra các cơ sở kinh doanh, đầu mối bán buôn, bán lẻ, các chợ, siêu thị, trung tâm thương mại, các kho nhằm kiểm soát nguồn cung, giá bán, ngăn chặn các hành vi vi phạm về niêm yết giá, đầu cơ, găm hàng, định giá bất hợp lý đối với mặt hàng gạo. Bộ Công Thương cũng chỉ đạo tăng cường các chương trình xúc tiến thương mại gạo để thương nhân khai thác hiệu quả lợi thế từ các Hiệp định thương mại tự do (FTA) mà nước ta đã ký…
Về phía các doanh nghiệp, ngoài để cạnh tranh đối với một số quốc gia láng giềng như Thái Lan, Campuchia, Myanmar… không còn cách nào khác doanh nghiệp phải tổ chức sản xuất tốt hơn qua việc mở rộng thị trường và nâng cao thương hiệu gạo Việt Nam. Thực tế cho thấy, chất lượng gạo của Việt Nam không đồng đều và chủ yếu gạo xuất khẩu thô, hầu hết đều chưa có thương hiệu riêng. Doanh nghiệp các nước thường nhập gạo Việt Nam theo container gạo thô, về đóng gói và dán nhãn mác thương hiệu công ty của họ. Vì vậy, dù là quốc gia xuất khẩu gạo hàng đầu thế giới nhưng người tiêu dùng thế giới lại rất ít biết đến gạo Việt Nam. Đó là chưa kể, các doanh nghiệp chưa thực sự tận dụng hết các cơ hội từ gạo, ví dụ như còn thiếu sản phẩm chế biến sâu như thực phẩm làm từ gạo, nước uống từ gạo, sữa gạo, thậm chí là mỹ phẩm từ gạo…Trong khi nhu cầu tiêu dùng trên thế giới với loại sản phẩm này ngày một tăng và giá bán cao hơn nhiều lần so với gạo thô.
Bắt nguồn từ những lý do này, chuyển hướng từ “lượng” sang “chất” của ngành lúa gạo là bước đi hoàn toàn chính xác, hướng tới thị trường có phân khúc chất lượng cao./.
Tác giả bài viết:
>>> Định vị giá trị giữa vòng xoáy biến động: Bài cuối – Khẳng định vị thế trên “bản đồ ” an ninh lương thực toàn cầu
>>> Định vị giá trị giữa vòng xoáy biến động: Bài 1 – Từ lệnh cấm tạo “cú sốc” lớn trên toàn cầu!
Theo BNews/