BNEWS Đến nay, tỉnh Hà Giang đã bố trí khoảng 600 tỷ đồng để giải phóng mặt bằng; xây dựng các tuyến đường phân lô, nhà chức năng, hệ thống điện, bến bãi trong Khu kinh tế Cửa khẩu quốc tế Thanh Thủy.
Khu kinh tế Cửa khẩu quốc tế Thanh Thủy (huyện Vị Xuyên, tỉnh Hà Giang) được thành lập từ năm 2009. Sau khi thành lập, tỉnh Hà Giang đã quan tâm bố trí nguồn lực để đầu tư cơ sở hạ tầng, bến bãi. Hiện nay, Khu kinh tế Cửa khẩu quốc tế Thanh Thủy đã và đang đi vào quỹ đạo hoạt động tốt. Tuy nhiên, với sự phát triển và nhu cầu mở rộng khu kinh tế thì vấn đề phát triển quỹ đất, tạo mặt bằng và phát triển giao thông hiện đang là một bài toán khó giải quyết. Khu kinh tế Cửa khẩu quốc tế Thanh Thủy được phê duyệt gồm địa phận 7 xã: Thanh Thủy, Phương Tiến, Thanh Ðức, Xín Chải, Lao Chải, Phong Quang (huyện Vị Xuyên) và Phương Ðộ (thành phố Hà Giang) với diện tích tự nhiên là 28.781 ha. Tuy nhiên, hiện mới chỉ giải phóng mặt bằng được hơn 100 ha tại khu trung tâm xã Thanh Thủy, diện tích này đã lấp đầy. Diện tích nằm trong quy hoạch khu kinh tế cửa khẩu ở các xã khác chưa thực hiện. Nguyên nhân là nhiều khu vực chưa có quy hoạch chi tiết, nơi có quy hoạch chi tiết thì tỉnh cũng chưa có điều kiện để đầu tư giải phóng mặt bằng, xây dựng hạ tầng. Do đó, quỹ đất sạch để bố trí, thu hút đầu tư hiện đã hết, đặc biệt là quỹ đất để thu hút các dự án lớn, trọng điểm. Đến nay, tỉnh Hà Giang đã bố trí khoảng 600 tỷ đồng để giải phóng mặt bằng; xây dựng các tuyến đường phân lô, nhà chức năng, hệ thống điện, bến bãi trong Khu kinh tế. Tỉnh cũng đang triển khai 2 dự án quan trọng với số vốn đầu tư hàng trăm tỷ đồng, đó là xây dựng Trạm Kiểm soát Liên ngành Cửa khẩu quốc tế Thanh Thủy và đường nối từ quốc lộ 2 vào khu thương mại biên mậu Nà La. Tại khu kinh tế đã thu hút được 41 dự án đầu tư với tổng số vốn đăng ký hơn 1.220 tỷ đồng, các dự án chủ yếu làm dịch vụ xuất nhập khẩu, dịch vụ kho bãi. Mặc dù vậy, hoạt động của Khu kinh tế Cửa khẩu quốc tế vẫn chưa đạt được như kỳ vọng. Ông Hoàng A Chinh, Trưởng Ban Quản lý Khu kinh tế tỉnh Hà Giang cho rằng, nguyên nhân dẫn đến hoạt động tại khu kinh tế cửa khâu Thanh Thủy không như kỳ vọng đó là do vị trí Cửa khẩu quốc tế Thanh Thủy không có lợi thế so sánh với các cửa khẩu tại một số tỉnh phía Bắc như Quảng Ninh, Lạng Sơn, Lào Cai. Giao thông từ Hà Nội lên cửa khẩu chỉ có tuyến Quốc lộ 2, tuyến đường này vừa nhỏ, vừa xa nên rất khó khăn trong việc thu hút các doanh nghiệp tham gia xuất nhập khẩu hàng hóa qua Cửa khẩu quốc tế Thanh Thủy. Theo ông Hoàng A Chinh, tỉnh Hà Giang cũng chưa có những chính sách đặc thù, nhất là trong lĩnh vực đất đai để thu hút các dự án đầu tư vào khu kinh tế cũng như chính sách thu hút các doanh nghiệp xuất nhập khẩu qua cửa khẩu. Hiện nay, kết cấu cơ sở hạ tầng tại khu kinh tế cơ bản đáp ứng nhu cầu phục vụ hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa, xuất nhập cảnh và thu hút các nhà đầu tư. Năng lực của khu kinh tế đáp ứng việc xuất, nhập khẩu hàng hóa qua Cửa khẩu quốc tế Thanh Thuỷ từ 100 đến 200 xe container hàng hóa. Nhằm thu hút các doanh nghiệp tham gia xuất nhập khẩu, các lực lượng chức năng tại Cửa khẩu quốc tế Thanh Thủy cũng đẩy mạnh cải cách hành chính. Tất cả các thủ tục xuất nhập khẩu hiện được triển khai trên môi trường mạng, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp làm thủ tục. Các công đoạn từ tiếp nhận hồ sơ, kiểm tra hàng hóa, thực hiện các thủ tục hành chính, kế toán đều được thực hiện trên môi trường điện tử. Qua đó, giúp cho thời gian giải quyết thủ tục hành chính ngắn hơn so với quy định. Thời gian qua, Ban Quản lý Khu kinh tế tỉnh Hà Giang cũng đang đầu tư dự án “Nền tảng cửa khẩu số” tại Cửa khẩu quốc tế Thanh Thủy. Dự kiến đến cuối năm 2024 sẽ hoàn thành. Nền tảng cửa khẩu số đi vào hoạt động sẽ giảm bớt thời gian, công sức, khối lượng công việc của các lực lượng chức năng và đặc biệt là tạo điều kiện thuận lợi hơn cho các doanh nghiệp tham gia xuất nhập khẩu hàng hóa qua cửa khẩu quốc tế Thanh Thủy. Trong 9 tháng qua, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu đạt hơn 170 triệu USD, tăng hơn 12% so với cùng kỳ; thuế thu nộp ngân sách đạt hơn 110 tỷ đồng, tăng 8% so với cùng kỳ; hơn 125.000 lượt người và hơn 13.000 lượt phương tiện tham gia xuất nhập cảnh. Trong những năm gần đây, thu ngân sách qua Cửa khẩu quốc tế Thanh Thủy chiếm khoảng 10% tổng thu ngân sách toàn tỉnh. Hàng năm, khu kinh tế cũng tạo việc làm thường xuyên cho hàng trăm lao động địa phương… Theo BNews/