BNEWS Theo tạp chí Le Nouvel Economiste của Pháp , sự đổi mới và tính năng động trong công nghệ đang tiếp tục mang lại cho Mỹ lợi thế cạnh tranh cao hơn hẳn so với phần còn lại của thế giới.
Mặc bộ trang phục bảo hộ trắng từ đầu đến chân, chỉ để lộ đôi mắt, ông S.V. Sreenivasan cẩn thận nâng niu vật thể mỏng manh vốn đang là trung tâm của nền kinh tế toàn cầu, một tấm bán dẫn silicon nhỏ. Nhưng tấm bán dẫn này hơi khác một chút so với hầu hết những tấm bán dẫn đang sử dụng: nó được hợp nhất với một tấm kính.
Nhóm của ông Sreenivasan tại Viện Điện tử Texas, một tập đoàn bán công, đang thực hiện một dự án nghiên cứu trị giá 1,4 tỷ USD để sản xuất một loại chip sử dụng vật liệu không phải silicon. Nếu thành công, dự án này có thể sửa đổi cấu trúc cơ bản của chất bán dẫn. Theo ông, sự đổi mới trong ngành bán dẫn đang tăng tốc.
Một trong những động cơ thúc đẩy sự tăng tốc này, không chỉ có tham vọng của nhà nghiên cứu, mà còn nhờ nguồn tài trợ của các nhà đầu tư. Dự án trên của Viện Điện tử Texas đã được nhận một nguồn vốn lớn nhất – 840 triệu USD –từ Cơ quan Dự án Nghiên cứu Quốc phòng Tiên tiến (DARPA), một cơ quan chính phủ đóng vai trò chính trong việc phát minh ra Internet, phổ biến hệ thống GPS, cũng như thúc đẩy đổi mới và năng suất của Mỹ.
Theo Giám đốc DARPA Stefanie Tompkins, cơ quan này luôn sẵn sàng đặt cược vào mọi cuộc chơi. Điều này được coi là một trong những lý do khiến Mỹ không chỉ luôn luôn đổi mới mà còn có năng suất cao hơn nhiều nước khác. Vào tháng Chín, cựu Chủ tịch Ngân hàng Trung ương châu Âu Mario Draghi đã chia sẻ điều này trong một báo cáo gửi Ủy ban châu Âu khi ông “phàn nàn” về sự tăng trưởng yếu kém của “Lục địa Già”.
Ông Draghi nhấn mạnh năng suất cao hơn của Mỹ và lưu ý rằng trọng tâm của thành công này bắt nguồn từ việc DARPA sẵn sàng hỗ trợ những ý tưởng mạo hiểm bằng nguồn vốn nhà nước cho các dự án từ thông thường đến những đột phá công nghệ của Mỹ. Và không chỉ có vốn đầu tư công mà nhiều nguồn vốn khác cũng được huy động để tăng năng suất, từ đó tạo nên thành quả kinh tế của nước Mỹ.Sự vượt trội về năng suấtNăm nay, một công nhân Mỹ trung bình sẽ sản xuất khối lượng hàng hóa tương đương khoảng 171.000 USD, so với 120.000 USD ở Khu vực sử dụng đồng euro (Eurozone), 118.000 USD ở Anh và 96.000 USD ở Nhật Bản (tính theo sức mua tương đương). Điều này thể hiện mức tăng năng suất lao động ở Mỹ là 70% kể từ năm 1990, lớn hơn nhiều so với mức tăng được quan sát ở những nơi khác: 29% ở châu Âu, 46% ở Anh và 25% ở Nhật Bản.Nhiều người cho rằng năng suất của người Mỹ bị phóng đại vì người lao động Mỹ có thời gian nghỉ phép ít hơn nhiều so với những người đồng nghiệp nước ngoài. Nhưng nếu chúng ta xem xét theo số giờ làm việc, khoảng cách cũng vẫn rất đáng kể: từ năm 1990, năng suất của công nhân Mỹ đã tăng 73%, so với 39% ở Eurozone, 55% ở Anh và 55% ở Nhật Bản. Trên thực tế tăng trưởng năng suất ở các quốc gia đã giảm dần trong hai thập kỷ qua do phải đối mặt với tình trạng dân số già đi và bối cảnh công nghệ đang phát triển. Tăng trưởng năng suất ở Mỹ cũng giảm, nhưng vẫn mạnh hơn hầu hết các nền kinh tế khác.Đầu tư vào R&DĐể giải thích sự vượt trội về năng suất này của Mỹ, cần xem xét trên phạm vi rộng và đa chiều. Đầu tiên là vốn đầu tư. Đơn giản là công nhân Mỹ có nhiều công cụ hơn, dù là cơ sở hạ tầng như đường cao tốc và nhà kho hay các công cụ vô hình như phần mềm. Theo chuyên gia John Fernald của INSEAD, một trường thương mại của Pháp, đầu tư vào cơ sở hạ tầng tại Mỹ chiếm khoảng 17% Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) kể từ giữa những năm 1990, cao hơn tỷ trọng của các nền kinh tế lớn ở châu Âu.Ngoài ra, Mỹ dành một phần lớn đầu tư vào nghiên cứu và phát triển, gieo mầm cho sự tăng trưởng trong tương lai. Ngoại trừ Israel và Hàn Quốc, Mỹ đầu tư vào hoạt động nghiên cứu và phát triển (R&D) nhiều hơn bất kỳ quốc gia nào khác, khoảng 3,5% GDP. Ngay cả Trung Quốc là cường quốc duy nhất đã thu hẹp rất nhanh khoảng cách về chi tiêu cho hoạt động R&D, nhưng vẫn kém xa Mỹ về mặt này.Theo nhà kinh tế học Antonin Bergeaud tại HEC, năm 2005, các công ty phát hành bằng sáng chế lớn nhất ở Mỹ là Procter & Gamble, 3M, General Electric, DuPont và Qualcomm, trong khi ở Eurozone là Siemens, Bosch, Ericsson, Philips và BASF. Năm 2023 tại Mỹ, có 4 công ty mới gia nhập trong số 5 công ty hàng đầu: Microsoft, Apple, Google và IBM cùng với Qualcomm. Trong khi đó, tại Eurozone, chỉ có Bayer đứng đầu, thay thế Siemens.Năng động về công nghệ
Theo tạp chí Le Nouvel Economiste của Pháp, một lý do thúc đẩy năng suất của Mỹ đó là sự năng động của các doanh nghiệp. Tỷ lệ của những công ty được thành lập hoặc giải thể trong một năm so với tổng số công ty ở Mỹ ở mức gần 20% mỗi năm.
Ở châu Âu, con số này là gần 15%, theo Trung tâm Kinh tế Chính trị Quốc tế châu Âu, một tổ chức tư vấn. Việc các doanh nghiệp cũ đóng cửa đã tạo điều kiện để những công ty mới khởi nghiệp tiếp cận nguồn tài chính dễ dàng hơn, cho phép môi trường doanh nghiệp Mỹ tiếp tục phát triển theo hướng mang lại lợi nhuận cao hơn.Sự năng động này cũng được thể hiện trong thị trường lao động Mỹ. Trong vòng ba tháng, khoảng 5% công nhân thay đổi công việc. Ở Italy, phải mất một năm để đạt được mức luân chuyển lao động tương tự. Một nghiên cứu năm 2020 của Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) cho thấy, trong số công dân ở các nước phương Tây, người Mỹ dễ dàng chấp nhận di chuyển để tìm việc làm mới hơn các nước khác.Quyết định thay đổi công việc ở Mỹ dễ dàng một phần có thể là do luật công đoàn của Mỹ ít nghiêm ngặt hơn và người lao động ít nhận được hỗ trợ thất nghiệp hơn các nước khác. Sự thay đổi này thường mang lại hiệu quả. Những người thay đổi công việc có xu hướng kiếm được mức lương cao hơn những người ở lại, cho thấy họ đã gia nhập những công ty có khả năng tận dụng tài năng tốt hơn. Sự vượt trội về công nghệ giúp tăng năng suấtTheo thời gian, tất cả những thay đổi này có xu hướng thúc đẩy người lao động, doanh nghiệp và khoản đầu tư hướng tới các lĩnh vực hiệu quả hơn. Khoảng cách về năng suất giữa Mỹ và châu Âu rất lớn do sự vượt trội của Mỹ trong một số phân khúc sử dụng kỹ thuật số nhiều hơn. Đây cũng là yếu tố thứ ba dẫn đến thành công của Mỹ về mặt năng suất.Mỹ đã rất thành công trong việc thúc đẩy sự phát triển của các lĩnh vực công nghệ, tài chính và dịch vụ chuyên nghiệp như luật và tư vấn. Trong các lĩnh vực khác như bán lẻ, các nước châu Âu thường thu được nhiều lợi nhuận hơn. Do đó, không thể nói rằng tất cả các lĩnh vực của nền kinh tế Mỹ đều có năng suất cao hơn, mà là Mỹ mạnh ở những lĩnh vực đóng góp nhiều nhất vào việc tạo ra tăng trưởng và của cải trong những thập kỷ gần đây.Nguyên nhân cơ bản dẫn đến ưu thế công nghệ của Mỹ là sự ưu tiên trong đổi mới sáng tạo. Điều này bắt đầu với các trường đại học, được hỗ trợ bởi khả năng thu hút những bộ óc thông minh nhất từ khắp nơi trên thế giới. Nhà nước hỗ trợ rất mạnh cho công tác nghiên cứu. Nguồn tài chính dành cho doanh nghiệp trẻ khởi nghiệp rất dồi dào.Và các công ty ít phải đối mặt với những trở ngại pháp lý khi mở rộng quy mô. Không phải là các cơ quan quản lý của Mỹ không giám sát chặt chẽ mà là so với nhiều cơ quan quản lý ở nơi khác trên thế giới, họ tạo nhiều điều kiện thuận lợi hơn cho doanh nghiệp phát triển. Châu Âu vẫn bị bó hẹp trong khuôn khổ từng quốc gia. Nhật Bản vẫn còn một chặng đường dài để thay đổi cách quản trị doanh nghiệp tương đối cứng nhắc của mình.Tập trung và độc quyền, không cản trở năng suấtSự thành công của những “gã khổng lồ” công nghệ Mỹ đang làm dấy lên lo ngại rằng các tập đoàn này đã trở nên siêu quyền lực và sự thống trị của họ đang gây tổn hại cho nền kinh tế bằng cách bóp nghẹt sự năng động của nó. Chuyên gia Thomas Philippon của Đại học New York đã ghi nhận sự gia tăng tập trung doanh nghiệp ở Mỹ kể từ những năm 1980: các công ty lớn chiếm tỷ trọng ngày càng cao trong tổng doanh thu doanh nghiệp; lợi nhuận doanh nghiệp nói chung đã tăng lên theo tỷ lệ của sản lượng kinh tế; và các công ty, đặc biệt là trong những lĩnh vực tập trung nhất, ít chuyển lợi nhuận sang đầu tư mới mà chuyển nhiều hơn sang mua lại cổ phiếu.Tất cả những điều này có nguy cơ làm chậm năng suất, làm suy yếu tăng trưởng và gia tăng bất bình đẳng. Quan điểm này có sức ảnh hưởng lớn đến mức nó đang thúc đẩy việc thực thi chống độc quyền quyết liệt của chính quyền Tổng thống Joe Biden, nhằm mục đích giảm bớt ảnh hưởng của các doanh nghiệp công nghệ lớn.Tuy nhiên, không dễ để chứng minh xu hướng tập trung đã đạt đến mức gây hại. Lý thuyết kinh tế cho rằng các công ty độc quyền (hoặc nhóm độc quyền) có thể lạm dụng ảnh hưởng của mình để giảm sản lượng và tăng giá. Nhưng nghiên cứu của chuyên gia Sharat Ganapati thuộc Đại học Georgetown lại cho thấy mối quan hệ gần như nghịch đảo trong dữ liệu điều tra dân số Mỹ trong bốn thập kỷ: các ngành có mức độ tập trung ngày càng tăng cũng có năng suất cao nhất và những công ty hoạt động tốt nhất đã không tăng giá. Một cách giải thích có thể là các doanh nghiệp hàng đầu của Mỹ đã đạt được kết quả kinh doanh xuất sắc nhờ hoạt động hiệu quả hơn, mang lại lợi ích cho người tiêu dùng và nền kinh tế nói chung.AI – công cụ tăng tốc năng suất tiếp theoHơn nữa, nhiều nhà quan sát tin rằng làn sóng đổi mới mới nhất từ những “gã khổng lồ” công nghệ – sự trỗi dậy của trí tuệ nhân tạo (AI) – sẽ báo trước sự trở lại của tốc độ tăng năng suất nhanh hơn, cả ở Mỹ và ở nước ngoài. Trong một nghiên cứu năm ngoái, các nhà kinh tế tại ngân hàng Goldman Sachs đã kết luận rằng AI có thể giúp GDP toàn cầu tăng 7% trong vòng 10 năm. Họ ước tính Mỹ sẽ được hưởng lợi từ sự thúc đẩy tăng trưởng lớn hơn bất kỳ quốc gia nào khác vì nước này đang ở trình độ nghiên cứu công nghệ tiên tiến nhất, cả về phát triển công nghệ và AI cũng như việc áp dụng nó trên quy mô lớn.Sự trỗi dậy của AI đang góp phần giúp Mỹ duy trì vai trò đầu tàu trong đổi mới sáng tạo. Nước này thu hút hơn một nửa số tiền đầu tư toàn cầu vào các doanh nghiệp chưa niêm yết hoạt động trong lĩnh vực AI. Ngoài vốn cổ phần tư nhân, Cơ quan Dự án Nghiên cứu Quốc phòng Tiên tiến (DARPA) cũng đang hoạt động mạnh mẽ, tài trợ cho hàng chục dự án sử dụng AI, từ tăng cường an ninh mạng đến biến máy móc trở thành đối tác đáng tin cậy hơn cho người vận hành. Một lần nữa, sự trỗi dậy của AI lại góp phần viết nên chương tiếp theo trong câu chuyện về năng suất và sức cạnh tranh của Mỹ. Theo BNews/