![](https://i0.wp.com/vietnamjournal.net/wp-content/uploads/2025/02/panasonic-co-the-ban-mang-kinh-doanh-tivi.jpg?w=1170&ssl=1)
BNEWS Chủ tịch Yuki Kusumi của Panasonic Holdings cho biết, tập đoàn điện tử Nhật Bản sẽ cân nhắc bán hoặc thu hẹp quy mô hoạt động kinh doanh tivi đang gặp khó khăn.
Việc cân nhắc này được đưa ra trong bối cảnh tập đoàn hướng tới quá trình tái cấu trúc để đẩy nhanh quá trình ra quyết định và tập trung vào tăng trưởng.
Chủ tịch Kusumi nói về mảng kinh doanh tivi trong một cuộc họp báo trực tuyến: “Chúng tôi đã chuẩn bị bán mảng kinh doanh này nếu cần thiết, nhưng chúng tôi vẫn chưa quyết định kế hoạch cụ thể”. Ông cho biết thêm: “Hiện tại, chúng tôi không nghĩ có công ty nào sẵn sàng mua lại mảng kinh doanh này. Chúng tôi sẽ cân nhắc nhiều lựa chọn khác nhau”.
Tập đoàn đã công bố kế hoạch tái cấu trúc vào ngày 3/2, trong đó tập trung vào việc giải thể đơn vị Panasonic – đơn vị chính của tập đoàn tập trung vào đồ gia dụng – vào cuối năm tài chính 2025.
Thay vào đó, 3 công ty vận hành sẽ được thành lập để phụ trách các thiết bị gia dụng như tủ lạnh và máy giặt, điều hòa không khí và phân phối thực phẩm, cũng như hệ thống chiếu sáng và các lĩnh vực điện khác.
Hiện tại, tập đoàn Panasonic có 6 công ty đang hoạt động, không bao gồm mảng kinh doanh ô tô đã được bán vào tháng 12/2024. Kế hoạch tái cấu trúc cũng bao gồm việc sáp nhập bộ phận điện tử tiêu dùng (black goods) như TV và dàn âm thanh với mảng thiết bị gia dụng (white goods).
Việc giải thể Panasonic và sáp nhập các bộ phận thiết bị gia dụng sẽ làm tăng số lượng công ty hoạt động dưới sự quản lý của tập đoàn lên 7.
Theo Omdia, thị phần TV màn hình phẳng Nhật Bản của Panasonic dựa trên số lượng xuất xưởng trong nửa đầu năm 2024, là 12,8%, giảm từ mức khoảng 20% trong những năm 2010 do sự gia tăng của các nhà sản xuất Trung Quốc có giá cả phải chăng hơn. Công ty đã vắng bóng trên thị trường Mỹ trong khoảng 10 năm trước khi quay trở lại vào năm ngoái.
Doanh số từ mảng kinh doanh điện tử tiêu dùng, bao gồm cả máy ảnh, được dự báo đạt 284 tỷ yen (1,8 tỷ USD) trong năm tài chính 2024, chỉ chiếm khoảng 3% tổng doanh số dự kiến của tập đoàn. Vị thế của bộ phận này trong tập đoàn đã thay đổi đáng kể so với những năm 1990, khi TV là trụ cột của Panasonic.
Năm 2016, Panasonic đã ngừng sản xuất màn hình tinh thể lỏng cho TV và chuyển sang mua từ Hàn Quốc và các nhà cung cấp khác. Tương lai của ngành kinh doanh tivi có thể phụ thuộc vào cách các nhà đầu tư và đối tác kinh doanh tiềm năng đánh giá sức mạnh thương hiệu và mạng lưới bán hàng của công ty.
Tập đoàn cũng đặt ra mục tiêu mới là tăng lợi nhuận hoạt động đã điều chỉnh hơn 300 tỷ yen từ kế hoạch tài chính 2024 lên 750 tỷ yen hoặc hơn vào năm tài chính 2028. Mục tiêu về lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu (ROE), dự kiến đạt khoảng 7% vào năm tài chính 2024, sẽ tăng lên hơn 10% vào năm tài chính 2028.
Chủ tịch Kusumi tuyên bố: “Chúng tôi sẽ hoàn thành các cải cách cần thiết trong năm tài chính 2025”. Ông cũng cho biết, Panasonic có kế hoạch kêu gọi nghỉ hưu sớm vào năm tài chính 2025 và sẽ tập trung cải thiện lợi nhuận trong mảng kinh doanh pin xe điện quan trọng.
Tập đoàn dự báo doanh số hợp nhất của năm tài chính 2024 đạt tổng cộng 8.300 tỷ yen, giảm 2% so với năm trước. Con số này thấp hơn 300 tỷ yen so với dự báo trước đó do việc bán một công ty thiết bị trên xe.
Dự báo lợi nhuận hoạt động và lợi nhuận ròng của tập đoàn cho năm tài chính 2024 vẫn giữ nguyên.
Kể từ khi nhậm chức chủ tịch vào năm 2021, ông Kusumi đã xem xét danh mục kinh doanh của Panasonic. Mặc dù tập đoàn đã quyết định bán bộ phận thiết bị trên xe và máy chiếu thương mại, nhưng phản ứng của thị trường vẫn khá thờ ơ.
Tại cuộc họp cổ đông thường kỳ năm 2023, Kusumi bày tỏ mong muốn tăng tỷ lệ giá trên giá trị sổ sách của Panasonic lên 2-3, nhưng hiện tại vẫn ở mức dưới 1.
Theo BNews/