
BNEWS Sau khi Tổng thống Donald Trump công bố thuế quan đối ứng ngày 2/4, lãnh đạo các tập đoàn tài chính lớn ở Phố Wall đã lên tiếng bày tỏ lo ngại và kêu gọi Nhà Trắng tạm dừng áp thuế.
Theo bài viết trên tờ Wall Street Journal (WSJ), trong nhiều tuần, khi các kế hoạch áp thuế quy mô lớn của ông Trump dần hiện rõ, giới lãnh đạo Phố Wall vẫn giữ im lặng dù có những lo ngại riêng. Nhưng giờ đây, sau ba ngày thị trường chứng khoán Mỹ lao dốc, làm bốc hơi hàng nghìn tỷ USD vốn hóa thị trường, một số nhân vật đã lên tiếng, trong đó có cả những người từng công khai ủng hộ ông Trump.
Tỷ phú Bill Ackman, nhà sáng lập kiêm Giám đốc điều hành (CEO) quỹ đầu cơ Pershing Square, kêu gọi Washington cần tạm dừng áp thuế trong 90 ngày để đàm phán với các nước. Ông cảnh báo Mỹ sẽ phải đối mặt với “một mùa Đông hạt nhân kinh tế do chính mình tạo ra” nếu không làm vậy. Trên mạng xã hội X, tỷ phú Ackman viết: “Chúng ta đang dần phá hủy niềm tin của thế giới vào nước Mỹ, trên tư cách là đối tác thương mại, là nơi để kinh doanh và là thị trường để đầu tư”.Trên khắp Phố Wall và tại Washington, ngày càng có nhiều người, kể cả những người về lý thuyết từng ủng hộ thuế quan, cho rằng kế hoạch hiện tại của ông Trump là sai lầm và sẽ gây ra tổn thất không thể khắc phục. Một số lãnh đạo ngân hàng lớn cho biết họ cảm thấy bị “gạt ra ngoài” trước các quyết sách của chính phủ. Sáng ngày 7/4, nhóm các nhà lãnh đạo giới tài chính đã công khai yêu cầu chính phủ cân nhắc dừng áp thuế. Phản ứng với thông tin này, mở đầu phiên, thị trường lập tức bật tăng trở lại. Nhưng rồi cổ phiếu lại lao dốc sau khi Nhà Trắng phủ nhận thông tin Mỹ đang xem xét tạm dừng áp thuế. Giá cổ phiếu Mỹ biến động mạnh trong ngày này và kết thúc phần lớn trong sắc đỏ. Chỉ số S&P 500 mất 0,2% và đã giảm tổng cộng 10,7% sau ba phiên giao dịch gần nhất. Điểm sáng duy nhất là chỉ số công nghệ Nasdaq Composite phục hồi.Cuối tuần trước, Tổng thống Trump và các quan chức của ông đã bảo vệ kế hoạch áp thuế, nói rằng biện pháp này sẽ mang lại lợi ích lâu dài cho kinh tế Mỹ. Ông Trump đồng thời gạt bỏ lo ngại về suy thoái kinh tế. Phát biểu ngày 6/7, ông Trump nói: “Tôi không thể nói chuyện gì sẽ xảy ra với thị trường. Tôi không muốn bất cứ thứ gì giảm xuống. Nhưng đôi khi bạn phải uống thuốc để chữa bệnh”. Đến sáng ngày 7/4, trả lời phỏng vấn trên truyền hình, cố vấn thương mại Nhà Trắng Peter Navarro bác bỏ lo ngại về suy thoái và cho rằng thị trường chứng khoán sẽ phục hồi.Bên ngoài Phố Wall, ngay cả tỷ phú Elon Musk cũng kên tiếng. Ông Musk kêu gọi một hiệp định thương mại tự do giữa Mỹ và châu Âu. Ngày càng có nhiều thành viên đảng Cộng hòa ủng hộ một dự luật cho phép Quốc hội bãi bỏ thuế quan chỉ bằng một cuộc bỏ phiếu có đa số tán thành. Thượng nghị sĩ Ted Cruz, đại diện bang Texas của đảng Cộng hòa, cho biết ông hy vọng Tổng thống Trump sẽ lắng nghe những tiếng nói kêu gọi thận trọng trong thuế quan.Trong thư ngỏ gửi tới cổ đông ngày 7/4, CEO ngân hàng JPMorrgan Chase, Jamie Dimon – người được xem là tiếng nói đại diện hàng đầu trong ngành ngân hàng – đã bày tỏ lo ngại rằng các biện pháp áp thuế của chính quyền Tổng thống Trump có thể làm tổn hại đến các liên minh kinh tế lâu dài của Mỹ, điều mà ông cho rằng sẽ khiến nước Mỹ yếu đi. “Kinh tế là chất keo gắn kết lâu dài, và chính sách ‘Nước Mỹ trên hết’ là ổn — miễn là nó không trở thành ‘nước Mỹ đơn độc’”, ông Dimon viết.Cùng ngày, CEO của quỹ đầu tư BlackRock, Larry Fink, cũng cho biết nhiều lãnh đạo doanh nghiệp mà ông có dịp trao đổi cảm thấy kinh tế Mỹ đang rơi vào suy thoái. Về các mức thuế, ông nhận định: “Tổng thống đang tập trung vào những lĩnh vực mà theo tôi, trong ngắn hạn, rất dễ gây lạm phát và làm bất ổn nền kinh tế”.Nhà đầu tư nổi tiếng Phố Wall, Stan Druckenmiller, thành viên đảng Cộng hòa, cũng đăng bài trên mạng X ngày 6/4, thể hiện rõ sự phản đối với kế hoạch thuế quan của Nhà Trắng. Ông Druckenmiller bình luận: “Tôi không ủng hộ mức thuế trên 10%”. Nhiều nhà đầu tư nổi tiếng khác cũng hòa giọng cùng ông bằng cách công khai chỉ trích kế hoạch của Tổng thống Trump, bao gồm ông Howard Marks (đồng Chủ tịch công ty đầu tư Oaktree Capital), ông Dan Sundheim (Giám đốc D1 Capital vốn hiếm khi lên tiếng) và ông Dan Loeb của Third Point.Phía sau hậu trường, các cuộc đối thoại cũng sôi nổi không kém. Các Giám đốc điều hành ngân hàng như ông Jamie Dimon (JPMorgan), ông David Solomon (Goldman Sachs), ông Brian Moynihan (Bank of America) và ông Charlie Scharf (Wells Fargo) tình cờ có mặt tại Washington tuần trước trong một cuộc họp ngành, đúng lúc Tổng thống Trump công bố kế hoạch áo thuế. Họ đã gặp Bộ trưởng Thương mại Howard Lutnick, người truyền đạt thông điệp rằng họ nên ủng hộ chương trình thuế quan, biện pháp được chính quyền cho là sẽ giúp giải quyết nạn thâm hụt ngân sách triền miên và đưa sản xuất trở lại Mỹ. Một số lãnh đạo ngân hàng rời cuộc họp với cảm giác thất vọng.Dù vậy, theo một nguồn thạo tin ẩn danh có tham gia cuộc đối thoại này, một số nhà lãnh đạo tài chính cũng đã chia sẻ quan ngại về biện pháp thuế quan với những quan chức cấp cao khác của Nhà Trắng, bao gồm Chánh Văn phòng Susie Wiles, Phó Tổng thống JD Vance, Bộ trưởng Scott Bessent và Giám đốc Hội đồng Kinh tế Quốc gia Kevin Hassett. Người này cho biết các quan chức đã “ở trạng thái lắng nghe” trong những cuộc trò chuyện đó.Trong hai ngày cuối tuần trước (ngày 5 và 6/4), giới giao dịch vẫn còn chưa hết choáng váng trước đòn áp thuế khốc liệt mà ông Trump công bố, cũng như phản ứng dữ dội của thị trường sau đó. “Ngày Giải phóng thực sự là một trận chiến khốc liệt. Nó gay gắt đến mức ngay cả những người theo đường lối cứng rắn nhất mà tôi biết cũng phải bất ngờ”, người đứng đầu nhóm chuyên trách quỹ đầu cơ Tony Pasquariello của Goldman Sachs nêu quan điểm trong một ghi chú gửi tới các khách hàng nội bộ. Một số nhà lãnh đạo tài chính vẫn nuôi hy vọng các nghị sĩ đảng Cộng hòa trong Quốc hội sẽ gây áp lực lên chính quyền Tổng thống Trump để hoãn áp thuế cho những nước đang đàm phán với Mỹ. Số khác lại nhận định không nên đổ lỗi hoàn toàn cho Tổng thống Trump về khoản thua lỗ nặng nề mà nhà đầu tư chứng khoán phải gánh chịu. “Chính quyền của ông Trump là tác nhân khiến thị trường bong bóng nổ, nhưng họ không phải là người đã tạo ra bong bóng đó. Đường hướng chính sách của chính quyền đã được công khai rõ từ trước bầu cử”, chiến lược gia trưởng thị trường tại JonesTrading, Michael O’Rourke, lập luận. Tuy vậy, nhiều người trong giới tài chính vẫn cảm thấy khó hiểu khi thấy một số thành viên trong Chính phủ Mỹ cuối tuần qua dường như chẳng hề lo lắng về việc thị trường chứng khoán “bầm dập”. Ông Ed Yardeni, nhà sáng lập Yardeni Research, viết trong một ghi chú gửi khách hàng tối ngày 6/4: “Chúng tôi tin rằng cả Phố Wall và Main Street [cách nói ẩn dụ chỉ doanh nghiệp, nhà đầu tư nhỏ lẻ] cùng thịnh vượng hoặc cùng chịu thiệt hại. Nhưng chính quyền Tổng thống Trump lại không nghĩ như vậy”. Theo BNews/