
BNEWS Trước những biến động lớn của kinh tế toàn cầu, các quốc gia đang tìm cách nâng cao khả năng thích ứng nhằm đảm bảo ổn định và phát triển trong giai đoạn tái cấu trúc toàn cầu sắp tới.
Trong thời gian qua, sự chú ý của dư luận quốc tế chủ yếu tập trung vào việc Tổng thống Mỹ Donald Trump triển khai các chính sách thương mại, đặc biệt là chính sách thuế quan. Ông Manu Bhaskaran, Giám đốc điều hành của Centennial Asia Advisors – công ty nghiên cứu chính trị và kinh tế có trụ sở tại Malaysia – nhận định rằng, để đánh giá đúng hướng phát triển của nền kinh tế toàn cầu, các chính phủ cần hiểu rõ sự thay đổi trong chiến lược thương mại, quốc phòng và tài chính của Mỹ.
Bối cảnh dòng vốn và hoạt động thương mại quốc tế đang có nhiều biến động và các quốc gia có xu hướng từng bước giảm mức độ phụ thuộc vào Mỹ, hình thành những liên minh chiến lược mới. Do đó, các nước Đông Nam Á cần sẵn sàng thích ứng với những thay đổi quan trọng này.* Chính sách của Mỹ sẽ thay đổi như thế nàoTrong nhiệm kỳ thứ hai, Tổng thống Trump đã tuyên bố sẽ thúc đẩy các thay đổi chiến lược nhằm đem lại lợi ích tối đa cho nước Mỹ. Trước hết, mức thuế quan trung bình nhiều khả năng sẽ tăng lên ngưỡng cao nhất kể từ những năm 1940. Nhiều khả năng sẽ có một số quốc gia hoặc khu vực được miễn trừ thông qua đàm phán, tuy nhiên cần hiểu rằng các mục tiêu chính của ông Trump như tái công nghiệp hóa, giảm thâm hụt thương mại và tăng nguồn thu ngân sách sẽ chủ yếu dựa vào các biện pháp thuế quan.Không loại trừ khả năng quan hệ giữa Mỹ và châu Âu sẽ bước vào giai đoạn suy giảm trong thời gian tới và cạnh tranh Mỹ – Trung sẽ càng trở nên gay gắt hơn. Mặc dù vậy, không chính quyền Mỹ nào sẵn sàng từ bỏ chiến lược đối ngoại đã định hình suốt hơn một thế kỷ vừa qua – đặc biệt là lợi ích từ việc duy trì ảnh hưởng toàn cầu và ngăn chặn bất kỳ cường quốc nào thống trị châu Âu hay Tây Thái Bình Dương. Do vậy, dù hợp tác quốc phòng giữa Mỹ và châu Âu có thể suy giảm, mối liên kết này sẽ không hoàn toàn biến mất. Tương tự, Mỹ vẫn sẽ duy trì hiện diện tại khu vực Bắc Á và Đông Nam Á thông qua các liên minh quân sự với Nhật Bản, Hàn Quốc, Philippines. Chính quyền Tổng thống Trump có thể cần thêm thời gian để cụ thể hóa chính sách, song Mỹ sẽ đặt ra nhiều điều kiện hơn cho việc tiếp tục duy trì các cam kết an ninh. Điều này khiến nhiều nước châu Á lo ngại về mức độ hỗ trợ của Mỹ, từ đó buộc họ phải tăng chi tiêu quốc phòng và chuẩn bị cho kịch bản Mỹ điều chỉnh hoặc thu hẹp một số thỏa thuận với các cường quốc khác như Trung Quốc.Một thay đổi lớn khác là vị thế tài chính của Mỹ. Theo ông Manu Bhaskaran, nỗ lực cắt giảm chi tiêu liên bang do ông Elon Musk, lãnh đạo Bộ Hiệu quả Chính phủ (DOGE), chủ trương có thể sẽ làm giảm tổng chi ngân sách Mỹ. Nhưng trọng tâm cắt giảm của ông Musk là các khoản chi tùy ý, vốn chỉ chiếm khoảng 27% tổng ngân sách và trong đó một nửa là chi tiêu dành cho quốc phòng – một lĩnh vực rất khó cắt giảm.Phần lớn ngân sách còn lại là chi tiêu bắt buộc theo luật, đặc biệt liên quan đến an sinh xã hội và chăm sóc y tế, nên hầu như không thể điều chỉnh. Dự luật ngân sách vừa được Hạ viện Mỹ thông qua cho thấy nhiều nghị sĩ vẫn mong muốn chính phủ gia hạn các biện pháp giảm thuế đã được áp dụng từ năm 2017 và dự kiến sẽ hết hạn trong năm nay. Ngoài ra, Chính phủ Mỹ có thể buộc phải thực hiện thêm các biện pháp giảm thuế nhằm thực hiện những cam kết trong chiến dịch tranh cử của ông Trump.Điều này cho thấy khả năng cắt giảm thâm hụt ngân sách là rất hạn chế. Kịch bản nhiều khả năng xảy ra là mức thâm hụt sẽ vượt ngưỡng 8% Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) trong những năm tới và tỷ lệ nợ công/GDP của Mỹ có thể vượt xa mức dự báo của Văn phòng Ngân sách Quốc hội là 156% GDP vào năm 2055.* Xu hướng thương mại toàn cầu trong thời gian tớiMột thay đổi lớn đầu tiên là khả năng các đối tác thương mại quan trọng của Mỹ sẽ tiến hành các biện pháp trả đũa về thuế quan, như tuyên bố của Canada, Trung Quốc và Liên minh châu Âu (EU). Dù Mexico cũng có động thái tương tự, nhưng nước này có thể sẽ hành xử thận trọng hơn do mức độ phụ thuộc lớn vào kinh tế Mỹ. Theo ông Bhaskaran, một cuộc chiến thương mại toàn diện hoàn toàn có thể xảy ra và chỉ có thể tạm lắng khi các bên đạt được thỏa thuận. Điều đó có thể mất nhiều tháng hoặc lâu hơn. Dù vậy, lòng tin giữa các đối tác thương mại đã bị tổn hại nghiêm trọng và mức thuế quan trung bình toàn cầu nhiều khả năng sẽ duy trì ở mức cao so với giai đoạn trước khi ông Trump lên nắm quyền.Một thay đổi lớn khác là sự hình thành các liên minh và quan hệ đối tác chiến lược mới trong cả lĩnh vực kinh tế và an ninh. Tại châu Âu, nhiều liên minh mới đang được thiết lập nhằm hỗ trợ Ukraine, phát triển công nghiệp quốc phòng và giảm mức độ phụ thuộc vào Mỹ. Đồng thời, Vương quốc Anh cũng đang xúc tiến đàm phán để tăng cường hợp tác với EU. Trong khi đó, tại châu Á, Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc đã nối lại hội nghị thượng đỉnh ba bên. Vào cuối tháng Ba vừa qua, các ngoại trưởng và các quan chức thương mại ba nước đã nhóm họp để thúc đẩy một thỏa thuận thương mại tự do.Bên cạnh đó, Nhật Bản và Trung Quốc đang nỗ lực cải thiện quan hệ song phương. Trung Quốc và Ấn Độ cũng đang tìm cách hạ nhiệt căng thẳng. Năm 2024, hai bên đã ký một thỏa thuận quân sự với mục tiêu cải thiện hợp tác kinh tế. Trung Quốc cam kết tăng nhập khẩu từ Ấn Độ nhằm giảm thặng dư thương mại, trong khi Ấn Độ có kế hoạch gỡ bỏ dần các rào cản thương mại và đầu tư được thiết lập sau năm 2020.* Các quốc gia cần sẵn sàng cho một cuộc tái cấu trúc thương mại toàn cầuNhững thay đổi nói trên sẽ tái định hình nền kinh tế toàn cầu, đặc biệt liên quan đến địa điểm sản xuất và dòng chảy thương mại. Các kịch bản sau đây có thể xảy ra:Trước hết, việc sản xuất trong nước tại Mỹ có thể thay thế hàng nhập khẩu, nhưng với chi phí cao hơn. Trong nhiệm kỳ đầu tiên của ông Trump, chính sách thuế quan đã khiến nhiều doanh nghiệp rời Trung Quốc để chuyển sang các nước thứ ba có ưu đãi thuế quan vào Mỹ tốt hơn. Tuy nhiên, điều này lại làm gia tăng nhập khẩu từ các quốc gia khác, dẫn đến thâm hụt thương mại.
Việc mở rộng áp thuế lên nhiều đối tác thương mại khác nhau của Nhà Trắng có thể thúc đẩy doanh nghiệp Mỹ đầu tư vào năng lực sản xuất trong nước và giảm nhu cầu nhập khẩu. Một số công ty nước ngoài cũng sẽ chuyển hướng đầu tư sang Mỹ để tránh bị áp thuế. Tuy nhiên, khi ngành sản xuất nội địa giảm cạnh tranh, chi phí sẽ gia tăng, buộc người tiêu dùng Mỹ phải trả giá cao hơn, làm suy yếu sức mua. Đồng thời, chi phí linh kiện tăng cũng khiến hàng hóa Mỹ mất lợi thế cạnh tranh trên thị trường quốc tế.
Ngay cả trong trường hợp này, theo ông Bhaskaran, thâm hụt thương mại của Mỹ có thể vẫn không giảm. Ông lý giải, thâm hụt là hệ quả của sự mất cân đối giữa tiết kiệm và đầu tư trong nền kinh tế. Với mức tiết kiệm thấp hơn đầu tư, Mỹ vẫn sẽ tiếp tục đối mặt với tình trạng thâm hụt thương mại dù có áp dụng thêm các hàng rào thuế quan.Thứ hai, thương mại và đầu tư giữa các quốc gia khác có thể tăng trưởng nhanh hơn so với quan hệ với Mỹ nhằm bù đắp phần thị trường bị mất. Mặc dù thuế quan mới có thể thu hút một phần hoạt động sản xuất quay trở lại Mỹ, nhưng chưa thể chắc chắn hiệu quả đạt được đến đâu. Nhiều tập đoàn lớn tỏ ra e ngại trước nguy cơ chính sách thương mại có thể bị đảo ngược nếu chính quyền thay đổi.Với tâm lý này, cùng sức hút từ các quốc gia có chi phí sản xuất thấp và môi trường kinh doanh thuận lợi, xu hướng dịch chuyển đầu tư ra nước ngoài nhiều khả năng vẫn tiếp tục.Trước những biến động lớn của kinh tế toàn cầu, các quốc gia – đặc biệt là trong khu vực Đông Nam Á – cần nâng cao khả năng thích ứng và tăng cường sức đề kháng, nhằm đảm bảo ổn định và phát triển trong giai đoạn tái cấu trúc toàn cầu sắp tới. Theo BNews/