
BNEWS Trong báo cáo triển vọng kinh tế khu vực châu Á-Thái Bình Dương mới được công bố, IMF dự báo tăng trưởng kinh tế của khu vực sẽ chậm lại, xuống còn khoảng 3,9% vào năm 2025 và 4% vào năm 2026.
Ngày 24/4, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) cho biết các ngân hàng trung ương ở châu Á vẫn còn dư địa để nới lỏng chính sách tiền tệ nhằm giảm bớt tác động của thuế quan Mỹ đối với nền kinh tế, trong bối cảnh quỹ này hạ thấp triển vọng tăng trưởng kinh tế khu vực. Trong báo cáo triển vọng kinh tế khu vực châu Á-Thái Bình Dương mới được công bố, IMF dự báo tăng trưởng kinh tế của khu vực sẽ chậm lại, xuống còn khoảng 3,9% vào năm 2025 và 4% vào năm 2026, giảm so với mức tăng trưởng 4,6% năm 2024 và thấp hơn nhiều so với kỳ vọng trước đó. Theo ông Krishna Srinivasan, Giám đốc bộ phận châu Á-Thái Bình Dương của IMF, sự bất ổn về chính sách thương mại gia tăng đáng kể kể từ tháng 1/2025 đã làm xấu hơn nữa triển vọng kinh tế trong ngắn hạn của khu vực. Ông Srinavasan cho biết các nhà hoạch định chính sách khu vực đang phải đối mặt với những đánh đổi mạnh mẽ để giải quyết tình hình bất ổn kinh tế, vốn được kích hoạt bởi thông báo áp thuế nhập khẩu đối với hầu hết các quốc gia trên thế giới của Tổng thống Mỹ Donald Trump vào ngày 2/4. Tuy nhiên, ông lưu ý rằng áp lực giá thấp đã tạo cho các nền kinh tế châu Á dư địa để điều chỉnh lãi suất. Ông Srinivasan nêu rõ: “Trong một khu vực mà lạm phát chủ yếu ở mức hoặc dưới mức mục tiêu, nhiều quốc gia có thể nới lỏng chính sách tiền tệ để giảm bớt những cú sốc từ bên ngoài”. Ông Srinivasan đánh giá châu Á đặc biệt dễ bị tổn thương trước những cú sốc về chính sách thương mại do nhiều nền kinh tế của khu vực này cởi mở với thương mại và là mắt xích quan trọng trong chuỗi cung ứng toàn cầu. Theo người đứng đầu bộ phận châu Á–Thái Bình Dương của IMF, sự kết hợp giữa việc tiếp cận nhiều hơn với thị trường Mỹ và sự bất ổn đáng kể về chính sách toàn cầu đã tạo ra một điểm yếu cho khu vực. Ngoài ra, sự biến động của thị trường tài chính gây ra sự gián đoạn gia tăng đối với dòng vốn và đầu tư cũng là một rủi ro. Trong khi sự linh hoạt của tỷ giá hối đoái sẽ là một biện pháp bổ sung quan trọng để chống lại các cú sốc, ông Srinivasan khuyến nghị sự can thiệp của chính sách tiền tệ có thể phát huy tác dụng trong trường hợp thị trường tài chính biến động mạnh. Theo BNews/