
BNEWS Theo EIA, khó có quốc gia nào vượt qua kỷ lục sản lượng của Mỹ trong tương lai gần, vì chưa nước nào đạt công suất 13 triệu thùng/ngày.
Sản lượng dầu của Mỹ được dự báo sẽ đạt đỉnh vào năm 2027, trong bối cảnh cạnh tranh toàn cầu khốc liệt và nhu cầu dầu suy yếu. Dự báo này làm dấy lên lo ngại về sự ổn định của thị trường và nguy cơ biến động giá trong tương lai. Theo bài phân tích đăng trên trang mạng orfonline.org, sự chuyển dịch này không chỉ phản ánh những thay đổi trong ngành năng lượng Mỹ mà còn đặt ra thách thức cho các nước sản xuất và nhập khẩu dầu trên toàn cầu.Báo cáo Triển vọng Năng lượng năm 2025 của Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ (EIA) dự báo sản lượng dầu thô của Mỹ sẽ đạt đỉnh vào năm 2027. Là quốc gia sản xuất dầu lớn nhất thế giới từ năm 2018 đến năm 2024, Mỹ đã thiết lập kỷ lục với sản lượng trung bình 12,9 triệu thùng/ngày vào năm 2023, vượt qua mốc 12,3 triệu thùng/ngày của năm 2019. Đến năm 2024, con số này tăng lên hơn 13,2 triệu thùng/ngày.Theo EIA, khó có quốc gia nào vượt qua kỷ lục sản lượng của Mỹ trong tương lai gần, vì chưa nước nào đạt công suất 13 triệu thùng/ngày. Chỉ Saudi Arabia và Nga có tiềm năng cạnh tranh, nhưng giá dầu toàn cầu hiện tại không đủ hấp dẫn để thúc đẩy sản xuất mạnh mẽ. Nhu cầu dầu tại Bắc bán cầu đã đạt đỉnh, chịu ảnh hưởng từ nỗ lực giảm phát thải trong ngành vận tải, xu hướng hạn chế tiêu thụ dầu thô và kìm hãm đà tăng giá. Khác với Mỹ, nơi sản xuất dầu chủ yếu dựa trên yếu tố thị trường và địa chất, các quyết định của Saudi Arabia và Nga thường bị chi phối bởi những yếu tố phi kinh tế, như chính sách địa chính trị.Sản lượng dầu của Mỹ từng đạt đỉnh vào năm 1970 với 9,6 triệu thùng/ngày, trước khi giảm mạnh xuống mức thấp nhất 5 triệu thùng/ngày vào năm 2008. Từ năm 2009, “cuộc cách mạng đá phiến” với kỹ thuật nứt vỡ thủy lực và khoan ngang đã hồi sinh ngành dầu mỏ Mỹ, khai thác hiệu quả dầu chặt nhẹ (LTO) và khí tự nhiên. Nhờ đó, sản lượng dầu tăng trưởng ổn định từ năm 2009 đến năm 2020, chủ yếu từ các mỏ đá phiến. Dù chịu tác động từ đại dịch COVID-19 vào năm 2020, nhưng sản lượng dầu của Mỹ nhanh chóng phục hồi vào năm 2022, đạt 10,5 triệu thùng/ngày – ngang mức đỉnh năm 2018.Năm 2024, hơn 66% sản lượng dầu của Mỹ đến từ các khu vực dầu chặt. Năm 2023, sản lượng dầu của Mỹ vượt kỳ vọng, tăng hơn 1 triệu thùng/ngày. Năm 2024, tăng trưởng sản lượng dầu giảm 0,5 triệu thùng/ngày nhưng vẫn chiếm hơn 60% mức tăng trưởng sản lượng ngoài Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC). Tổng sản lượng dầu thô năm 2024 đạt trung bình 13,2 triệu thùng/ngày, tăng 370.000 thùng/ngày so với năm trước.Lưu vực Permian, mỏ đá phiến lớn nhất thế giới, là động lực chính thúc đẩy sản lượng LTO của Mỹ kể từ năm 2020. Năm 2024, khu vực này chiếm 48% tổng sản lượng dầu thô Mỹ, vượt trội so với các vùng khác. Mặc dù số giàn khoan giảm so với năm 2023, sản lượng tại Permian vẫn tăng nhờ cải tiến công nghệ, bao gồm trí tuệ nhân tạo, nứt vỡ thủy lực điện tử và khoan tự động, giúp tối ưu hóa hiệu suất giếng dầu.Tuy nhiên, EIA dự báo tốc độ tăng sản lượng sẽ chậm lại. Sản lượng dầu của Mỹ được dự kiến đạt khoảng 14 triệu thùng/ngày vào năm 2027, trước khi giảm xuống 13,8 triệu thùng/ngày vào năm 2030 và chỉ còn hơn 11,9 triệu thùng/ngày vào năm 2040, do các mỏ đá phiến dần cạn kiệt và chi phí khai thác tăng.Năm 2023, Mỹ, Nga, và Saudi Arabia chiếm 42% tổng sản lượng dầu toàn cầu (33 triệu thùng/ngày), tăng đáng kể so với mức 29% (20 triệu thùng/ngày) vào năm 2000. Ba quốc gia này liên tục luân phiên vị trí dẫn đầu kể từ năm 1971. Trong khi đó, ba nước sản xuất lớn tiếp theo – Canada, Iraq và Trung Quốc – chỉ đạt tổng cộng 13,4 triệu thùng/ngày vào năm 2023, chỉ nhỉnh hơn một chút so với sản lượng riêng của Mỹ.Vào năm 2000, Saudi Arabia dẫn đầu với 11,8 triệu thùng/ngày. Đến năm 2006, Nga vượt lên với 12,7 triệu thùng/ngày, trong khi Mỹ đứng thứ ba với 6,7 triệu thùng/ngày. Mỹ vươn lên vị trí số một vào năm 2019 với 14,7 triệu thùng/ngày, đẩy Nga xuống vị trí thứ hai (13,4 triệu thùng/ngày) và Saudi Arabia xếp thứ ba (12,1 triệu thùng/ngày).Saudi Arabia duy trì vị trí nhà xuất khẩu dầu thô ròng lớn nhất thế giới kể từ thập niên 1980, trừ một giai đoạn ngắn khi Nga dẫn đầu. Tuy nhiên, Mỹ nổi lên là nhà xuất khẩu ròng vào năm 2020 và 2022-2023, vượt Saudi Arabia về khối lượng xuất khẩu. Sự trỗi dậy này biến Mỹ thành nhà sản xuất “dao động”, có khả năng phản ứng nhanh với tín hiệu thị trường. Nhưng năm 2022, khi giá dầu gần 100 USD/thùng, các hạn chế tài chính và địa chất đã cản trở khả năng tăng sản lượng, đặc biệt với LTO, vốn đạt đỉnh sớm nhưng giảm nhanh trong vòng ba năm.Các quyết định sản xuất của Saudi Arabia và Nga không hoàn toàn dựa trên triển vọng nhu cầu. Theo Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA), nhu cầu dầu toàn cầu sẽ đạt đỉnh vào năm 2030, do doanh số xe điện tăng mạnh, đặc biệt tại Trung Quốc, cùng với việc cải thiện hiệu suất nhiên liệu của động cơ đốt trong. Những yếu tố này làm giảm nhu cầu dầu trong ngành vận tải, kìm hãm giá dầu.Tại lưu vực Permian, giá hòa vốn dao động từ 61 đến 62 USD/thùng để đảm bảo lợi nhuận, bao gồm chi phí nợ và cổ tức. Nếu dự báo của EIA về giá dầu dưới 60 USD/thùng vào năm 2026 thành hiện thực, nhiều nhà sản xuất Mỹ sẽ gặp khó khăn, đặc biệt tại các mỏ già cỗi. Điều này có thể buộc họ cắt giảm giàn khoan và sa thải nhân viên. Việc tăng sản lượng bất chấp thị trường yếu có thể làm tình hình xấu đi, đẩy giá dầu xuống thấp hơn.Năm 2023, Saudi Arabia đã cắt giảm sản lượng khoảng 900.000 thùng/ngày thông qua các đợt cắt giảm theo quyết định của OPEC và các đồng minh, còn gọi là OPEC+, và cả quyết định tự nguyện để bù đắp cho nhu cầu yếu. Nước này cũng hủy kế hoạch nâng công suất lên 13 triệu thùng/ngày vào năm 2027. Nga cũng tham gia các đợt cắt giảm sản lượng của OPEC+ vào năm 2022 và 2023, đồng thời tự nguyện giảm thêm 500.000 thùng/ngày. Mặc dù những đợt cắt giảm này đã làm giảm sản lượng gần đây ở Nga, nhưng nguyên nhân chính là do các lệnh trừng phạt và phản ứng của các công ty dầu mỏ trước cuộc xung đột ở Ukraine.Nỗi lo rằng Saudi Arabia, một trong những nước sản xuất có chi phí thấp nhất thế giới, có thể tăng thị phần bằng cách bơm thêm dầu và hạ giá dầu để loại các đối thủ khỏi thị trường khó có khả năng xảy ra. Tuy nhiên, dầu giá rẻ có khả năng làm giảm tính cạnh tranh của xe điện, điều mà ngành công nghiệp EV không mong muốn vào lúc này. Việc Mỹ giảm sản lượng có thể khiến giá dầu biến động trong thời gian tới, ảnh hưởng tiêu cực đến các nước nhập khẩu dầu ở Nam bán cầu, nơi nhu cầu vẫn tăng. Hơn nữa, nếu Saudi Arabia và Nga đưa ra quyết định sản xuất dựa trên các yếu tố phi thị trường, giá dầu có thể tăng đột biến, gây bất ổn kinh tế cho các khu vực phụ thuộc vào nhập khẩu. Theo BNews/