
BNEWS Hoạt động sản xuất của Trung Quốc bất ngờ giảm mạnh trong tháng 4/2025, ghi nhận mức sụt giảm lớn nhất trong 16 tháng qua.
Diễn biến này gióng lên hồi chuông cảnh báo rằng Chính phủ Trung Quốc cần có thêm các biện pháp kích thích kinh tế, giữa bối cảnh gói thuế quan đối ứng mà Tổng thống Mỹ Donald Trump vừa áp đặt đã chấm dứt hai tháng phục hồi liên tiếp của lĩnh vực công nghiệp Trung Quốc.
Chỉ số nhà quản trị mua hàng (PMI) lĩnh vực sản xuất của Trung Quốc trong tháng 4/2025 giảm xuống còn 49,0 – mức thấp nhất kể từ tháng 12/2023 – so với mức 50,5 của tháng 3/2025. Con số này cũng thấp hơn mức dự báo 49,8 của giới phân tích do Reuters khảo sát. Chỉ số này dưới mức 50, phản ánh sự thu hẹp của hoạt động sản xuất.
Chỉ số PMI lĩnh vực phi sản xuất – bao gồm dịch vụ và xây dựng – cũng giảm xuống 50,4 từ mức 50,8, nhưng vẫn nằm trên ngưỡng 50. Đà suy giảm của ngành công nghiệp cho thấy nhu cầu nội địa tại Trung Quốc vẫn còn yếu, trong khi các nhà máy gặp khó khăn trong việc tìm kiếm đầu ra thay thế cho thị trường Mỹ. Các doanh nghiệp trước đó đã đẩy mạnh xuất khẩu để “né” thuế quan của Tổng thống Donald Trump, nhưng khi các mức thuế được áp đặt, chiến lược này đã không còn hiệu quả.
Nhà kinh tế Zichun Huang của Capital Economics lưu ý rằng đơn hàng xuất khẩu mới của Trung Quốc trong tháng 4/2025 giảm xuống mức thấp nhất kể từ tháng 4/2012 (nếu không tính thời kỳ đại dịch COVID-19).
Việc ông Trump quyết định áp thuế nhập khẩu lên tới 145% đối với hàng hóa Trung Quốc diễn ra đúng thời điểm khó khăn, khi Bắc Kinh đang chật vật với đà tăng trưởng kinh tế trì trệ, nguy cơ giảm phát và cuộc khủng hoảng bất động sản kéo dài. Báo cáo từ Cục Thống kê Quốc gia Trung Quốc (NBS) cho biết sự sụt giảm PMI chủ yếu đến từ “những thay đổi mạnh trong môi trường bên ngoài”.
Ngay sau khi dữ liệu trên được công bố, đồng NDT giảm nhẹ so với đồng USD – dấu hiệu cho thấy thị trường lo ngại nền kinh tế Trung Quốc đã bắt đầu chịu ảnh hưởng rõ rệt từ các mức thuế mới của Mỹ.
Dù nhiều dấu hiệu cho thấy nền kinh tế đang chịu sức ép, Trung Quốc vẫn bác bỏ việc sẽ đàm phán với Mỹ để tìm lối thoát khỏi căng thẳng thương mại. Thay vào đó, nước này đẩy nhanh các kế hoạch kích thích kinh tế đã đề ra từ đầu năm nhằm giảm thiểu tác động của việc tạm thời mất đi thị trường xuất khẩu lớn nhất.
Ông Wang Qing, chuyên gia phân tích vĩ mô tại Oriental Jincheng nhận định: “Chúng tôi dự báo PMI lĩnh vực sản xuất của Trung Quốc sẽ tiếp tục ở mức thu hẹp trong tháng 5/2025, nhưng có thể nhích lên khoảng 49,5 nhờ các chính sách ổn định tăng trưởng”. Ông cũng cho rằng Trung Quốc có thể sẽ tiếp tục cắt giảm lãi suất và dự trữ bắt buộc của ngân hàng nếu tình hình xấu đi.
Hôm 28/4, giới chức Trung Quốc cho biết nước này sẽ có thêm các chính sách thúc đẩy nền kinh tế trong quý II/2025, tùy theo tình hình thực tế. Trước đó, Bộ Chính trị Trung Quốc – cơ quan ra quyết sách hàng đầu nước này – đã cam kết hỗ trợ doanh nghiệp và người lao động chịu ảnh hưởng trực tiếp từ các mức thuế mới của Mỹ.
Theo BNews/