BNEWS Năm 2025, Agribank sẽ tiếp tục thực hiện công tác sắp xếp mạng lưới phù hợp mục tiêu Phương án cơ cấu lại, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của các chi nhánh.
Tại Hội nghị triển khai nhiệm vụ ngân hàng năm 2025 do Ngân hàng Nhà nước tổ chức ngày 14/12 tại Hà Nội, Tổng giám đốc Ngân hàng nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Agribank) Phạm Toàn Vượng cho biết, dự kiến năm 2024 Agribank sẽ đạt kết quả kinh doanh cao nhất sau 4 năm triển khai Phương án cơ cấu lại.
Theo đó, tổng tài sản tăng 7%, nguồn vốn tăng trên 6%, dư nợ tăng 11%, tỷ lệ nợ xấu nội bảng dưới 1,6%, lợi nhuận trước thuế tăng 8%. Bình quân 4 năm 2021-2024 các chỉ tiêu cơ bản đảm bảo tiến độ, một số chỉ tiêu vượt mục tiêu đề ra tại Phương án (về tổng tài sản, nguồn vốn, dư nợ, thu nợ sau xử lý và lợi nhuận). Tỷ lệ nợ xấu nội bảng, nợ tiềm ẩn trở thành nợ xấu, nợ tại VAMC chưa xử lý đến 10/12/2024 đã giảm xuống 3,74%, giảm 2,29% so với cuối năm 2021 (trong năm 2024, tổng nợ xấu xử lý, thu hồi 41.059 tỷ đồng, thu nợ XLRR 11.000 tỷ đồng). Nộp ngân sách nhà nước giai đoạn 2021-2024 đạt trên 43 nghìn tỷ đồng, dự kiến đến hết năm 2025, nộp trên 58,5 nghìn tỷ đồng.
Uy tín, thương hiệu của Agribank tiếp tục được nâng cao; xếp hạng đứng đầu hệ thống ngân hàng thương mại Việt Nam, thuộc TOP 50 doanh nghiệp lớn nhất khu vực Đông Nam Á theo Bảng xếp hạng của Fortune. Agribank tiếp tục được Moody’s xếp hạng Ba2, triển vọng Ổn định và Fitch xếp hạng BB+, triển vọng Ổn định, tương đương với mức xếp hạng tín nhiệm quốc gia và là mức xếp hạng cao nhất trong số các ngân hàng Việt Nam.Ngoài ra, Agribank đã chủ động triển khai kịp thời các giải pháp hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho khách hàng theo đúng chỉ đạo của Chính phủ, NHNN. Đến 30/11/2024, Agribank đã cơ cấu lại thời hạn trả nợ, giữ nguyên nhóm nợ trên 55.000 tỷ đồng (gốc, lãi) cho 7.300 khách hàng; dư nợ còn lại 25.000 tỷ đồng với hơn 3.000 khách hàng. Agribank cũng tích cực triển khai Chương trình cho vay nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ theo Nghị quyết 33/NQ-CP của Chính phủ (đã phê duyệt 13 Dự án nhà ở xã hội với tổng số tiền phê duyệt 3.065 tỷ đồng, đang tiếp cận 17 dự án với tổng mức cấp tín dụng dự kiến khoảng 5.200 tỷ đồng), doanh số cho vay đạt trên 1.000 tỷ đồng, trong đó dư nợ cho vay chủ đầu tư trên 800 tỷ đồng, cho vay người mua nhà (222 khách hàng) với dư nợ 150 tỷ đồng.
Đặc biệt, ngay sau khi cơn bão số 3 gây thiệt hại nặng nề về người và tài sản, Agribank đã thực hiện ngay việc giảm từ 0,5% đến 2%/năm lãi suất cho vay và miễn, giảm 100% lãi quá hạn, lãi chậm trả trong thời gian từ 06/9/2024 đến 31/12/2024 đối với dư nợ hiện hữu; giảm 0,5%/năm lãi suất đối với khoản vay mới phát sinh từ ngày 06/9/2024 đến hết năm 2024 để giúp khách hàng sớm ổn định đời sống, khôi phục sản xuất kinh doanh. Đến 30/11/2024, dư nợ được giảm lãi suất hỗ trợ hơn 39.000 tỷ đồng, số tiền lãi hỗ trợ là 30 tỷ với 25.000 khách hàng.
Tổng giám đốc Phạm Toàn Vượng cho biết, để hoàn thành toàn diện các mục tiêu và thực hiện thành công Phương án cơ cấu lại, Agribank xác định tiếp tục triển khai đồng bộ các giải pháp về quản trị điều hành, quản lý rủi ro, hiện đại hóa hệ thống công nghệ thông tin; tập trung nguồn lực xử lý quyết liệt, dứt điểm các khó khăn, vướng mắc, cản trở trong công tác xử lý, thu hồi nợ xấu, nợ có vấn đề; thực hiện sắp xếp lại căn bản mạng lưới hoạt động theo hướng tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả, đặc biệt trên 2 địa bàn TP. Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh.Với mục tiêu cơ cấu lại mạng lưới hoạt động theo hướng tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả, trong năm 2024, Agribank đã hoàn thành sắp xếp lại 16 chi nhánh hoạt động kém hiệu quả, tiềm ẩn rủi ro (nợ xấu cao, tài chính yếu kém), chủ yếu trên địa bàn TP. Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh. Năm 2025, Agribank sẽ tiếp tục thực hiện công tác sắp xếp mạng lưới phù hợp mục tiêu Phương án cơ cấu lại, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của các chi nhánh. Theo BNews/