BNEWS Các Bộ trưởng Kinh tế ASEAN đã có một cuộc họp đặc biệt để thảo luận về quan điểm, về cách ASEAN nên tập hợp lại cùng nhau để có lập trường ASEAN và đã đưa ra một tuyên bố chung.
Khi Mỹ đề xuất mức thuế mới đối với một số mặt hàng xuất khẩu chính của Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) như ô tô hoặc chất bán dẫn, ASEAN đã có một số động thái đáng chú ý. Tất cả các quốc gia thành viên ASEAN đã ngay lập tức có các cuộc làm việc riêng lẻ cũng như những cuộc làm việc tập thể.
Trao đổi với phóng viên TTXVN tại Jakarta về vấn đề này, Tổng Thư ký ASEAN Kao Kim Hourn cho biết, các Bộ trưởng Kinh tế ASEAN đã có một cuộc họp đặc biệt để thảo luận về quan điểm, về cách ASEAN nên tập hợp lại cùng nhau để có lập trường ASEAN và đã đưa ra một tuyên bố chung. Mới đây, các Bộ trưởng tài chính ASEAN và các thống đốc ngân hàng trung ương ASEAN cũng nhóm họp để thảo luận về vấn đề này.
Ngày 20/5, các Bộ trưởng Kinh tế ASEAN đã có các cuộc họp đặc biệt riêng biệt. Ngoài ra, các chính phủ ASEAN đã có cuộc họp tham vấn đặc biệt với Australia và New Zealand, tham vấn với Nhật Bản. Tổng Thư ký ASEAN Kao Kim Hourn nhấn mạnh, lập trường của ASEAN nhất quán và rõ ràng. Thứ nhất, ASEAN sẽ không đáp trả thuế quan với Mỹ. Thứ hai, ASEAN sẽ xem xét làm việc với Mỹ thông qua đối thoại, ngoại giao và đàm phán. Các tiến trình này diễn ra cùng lúc. Ngoài ra, ASEAN đã có thể hoàn tất việc nâng cấp Hiệp định Tự do thương mại ASEAN-Trung Quốc lên phiên bản 3.0. ASEAN đang làm việc theo mọi hướng để củng cố hợp tác trong ASEAN, hợp tác với các đối tác của mình, bao gồm cả các Hiệp định Tự do Thương mại khác . Hiện nay, một trong những việc ASEAN đang hướng tới là đẩy nhanh tiến trình gia nhập cho các quốc gia và nền kinh tế khác muốn trở thành thành viên của Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP). Ông Kao Kim Hourn khẳng định, tất cả các biện pháp cụ thể mà ASEAN đã triển khai đều nhằm đảm bảo rằng ASEAN sẽ bảo vệ lợi ích của chính mình, vì phúc lợi kinh tế rất quan trọng đối với người dân khu vực này. Thúc đẩy đối thoại ASEAN-Mỹ Hai cuộc họp giữa ASEAN và Mỹ vào tháng trước, gồm Đối thoại ASEAN-Mỹ tại Campuchia (21-22/4) ở cấp quan chức cấp cao và Cuộc họp các quan chức kinh tế cấp cao ASEAN với đối tác Mỹ, đã cho thấy động thái ASEAN thúc đẩy làm việc với Mỹ. ASEAN cũng đã có các cuộc họp với Trung Quốc, Australia, New Zealand, Nhật Bản. Tổng Thư ký ASEAN bày tỏ tin tưởng sau hội nghị cấp cao tại Malaysia sắp tới (26-27/5), ASEAN sẽ có nhiều cuộc họp hơn với các đối tác đối thoại khác. ASEAN sẽ làm việc với tất cả đối tác, bao gồm cả Mỹ. Vì thuế quan, thương mại, là một vấn đề quan trọng đối với tất cả các quốc gia thành viên ASEAN và với ASEAN nói chung. Đó là lý do mà nhiều hoạt động dồn dập đang diễn ra. Mỹ là đối tác hợp tác với ASEAN trong 48 năm qua. Có rất nhiều tiềm năng, rất nhiều cơ hội để ASEAN hợp tác với Mỹ cho dù thực tế là hai bên phải giải quyết xong vấn đề thuế quan mới này. Ông Kao Kim Hourn hy vọng: “ASEAN sẽ có thể giải quyết với Mỹ thông qua đối thoại, ngoại giao, đàm phán. Mỹ là nhà đầu tư nước ngoài lớn nhất tại ASEAN và cũng là đối tác thương mại lớn thứ hai của ASEAN. Chúng tôi kỳ vọng hai bên hợp tác chặt chẽ hơn nữa. Bên cạnh chính phủ, chúng tôi hy vọng khu vực tư nhân, đặc biệt là Hội đồng tư vấn kinh doanh ASEAN, cũng có thể hợp tác Hội đồng tư vấn kinh doanh ASEAN-Mỹ. Chúng ta phải làm việc ở mọi cấp độ, thông qua các kênh của mình”. Tăng cường hội nhập kinh tế nội khốiTổng Thư ký ASEAN Kao Kim Hourn nhận định: Tình hình mới cho thấy ASEAN cần phải thúc đẩy hợp tác nhiều hơn giữa các quốc gia thành viên. Và đó là lý do ASEAN thúc đẩy nhanh để tiến tới kết thúc đàm phán về các hiệp định thương mại và hàng hóa của ASEAN – ATIGA. Cuộc đàm phán nâng cấp ATIGA này đã diễn ra trong một thời gian và được mong đợi trong năm nay sẽ kết thúc đàm phán tiến trình sớm nhất có thể. Ông cho rằng, Hiệp định Thương mại Hàng hoá ASEAN ATIGA nhằm xoá bỏ các biện pháp thuế quan phi thương mại là rất quan trọng và ASEAN phải thúc đẩy hơn nữa thương mại nội khối. Hiện nay, 21,5% tổng giá trị trao đổi thương mại của ASEAN là thương mại nội khối. Nếu tỷ lệ này tăng lên sẽ giảm được các cú sốc từ bên ngoài. Ông Kao Kim Hourn phân tích, ASEAN phải tiếp tục đa dạng hóa hợp tác kinh tế đồng thời tiếp tục củng cố những Hiệp định Tự do thương mại với các đối tác hiện có như với Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Australia, New Zealand và Ấn Độ. Với Australia và New Zealand, Hiệp định Tự do thương mại thứ hai vừa được triển khai để kết nối ASEAN với các nước này. Hiệp định có hiệu lực vào ngày 21/4 vừa qua. Tổng Thư ký ASEAN Kao Kim Hourn nhấn mạnh, đó là những biện pháp cụ thể, nhưng không phải là phản ứng đối với Mỹ. Đây là điều ASEAN đã triển khai hợp tác trước khi có chính sách thuế mới của Mỹ. Tương tự, ASEAN cũng muốn triển khai Hiệp định Tự do thương mại này với Nhật Bản. ASEAN đã đề nghị Nhật Bản xem xét những gì các bên có thể làm để nâng cấp Quan hệ đối tác kinh tế toàn diện ASEAN – Nhật Bản. Bên cạnh đó, kế hoạch đàm phán nâng cấp Hiệp định Tự do thương mại với Hàn Quốc, dự định vào năm tới, nay được đẩy lên sớm hơn. Theo kế hoạch, các nhà lãnh đạo ASEAN sẽ họp với các nhà lãnh đạo từ Hội đồng Hợp tác vùng Vịnh (GCC) vào ngày 27/5 tới và các vấn đề kinh tế sẽ là ưu tiên trong chương trình nghị sự. Trong đó, các nhà lãnh đạo sẽ thảo luận về Hiệp định Tự do thương mại có thể có giữa hai khu vực này. Ông Kao Kim Hourn cho rằng ASEAN cần tiếp tục củng cố Khu vực Thương mại Tự do AFTA, thúc đẩy thương mại nội khối. Thứ hai là phải nâng cấp tất cả các FTA hiện có, bao gồm cả Hiệp định RCEP, theo hướng cho phép thêm nhiều quốc gia gia nhập khuôn khổ hợp tác này. Ngoài ra, tất nhiên việc tìm kiếm các đối tác mới như những đối tác đến từ GCC là rất quan trọng trong khi tất nhiên, ASEAN vẫn coi trọng mối quan hệ với Mỹ.
Theo BNews/