![](https://i0.wp.com/vietnamjournal.net/wp-content/uploads/2025/02/ben-tre-sap-dat-ke-hoach-phat-trien-4-000-ha-nuoi-tom-cong-nghe-cao.jpg?w=1170&ssl=1)
BNEWS Theo Chủ tịch UBND tỉnh Bến Tre Trần Ngọc Tam, đến nay tỉnh xấp xỉ đạt chỉ tiêu Kế hoạch phát triển 4.000 ha nuôi tôm ứng dụng công nghệ cao giai đoạn 2021 – 2025.
Theo Chủ tịch UBND tỉnh Bến Tre Trần Ngọc Tam, đến nay tỉnh xấp xỉ đạt chỉ tiêu Kế hoạch phát triển 4.000 ha nuôi tôm ứng dụng công nghệ cao giai đoạn 2021 – 2025, về trước một năm so với Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ 11 đề ra.
Ông Trần Ngọc Tam thông tin, một trong những công trình trọng điểm tỉnh phải hoàn thành trong năm 2025 là hạ tầng điện để phục vụ vùng nuôi tôm công nghệ cao. Đến nay, Tổng công ty Điện lực miền Nam đã đầu tư hơn 2.000 tỷ đồng hoàn chỉnh hệ thống điện 110kV trên địa bàn tỉnh. Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Bến Tre Đoàn Văn Đảnh cho biết, Bến Tre đầu tư hai dự án phát triển hạ tầng vùng nuôi tôm công nghệ cao ở địa phương ven biển (hạ tầng thủy lợi, giao thông và điện). Cụ thể, dự án đầu tư phát triển hạ tầng vùng nuôi tôm công nghệ cao 2.000 ha ở huyện Bình Đại và 500 ha ở huyện Ba Tri. Dự án đầu tư phát triển hạ tầng vùng nuôi tôm công nghệ cao ở huyện Ba Tri, có tổng vốn đầu tư 163 tỷ đồng; trong đó, 40 tỷ đồng đầu tư cho hệ thống điện. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Bến Tre cũng đang liên hệ với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn để xin nguồn vốn đầu tư cho huyện Thạnh Phú một dự án phát triển hạ tầng vùng nuôi tôm công nghệ cao, đồng bộ từ hạ tầng thủy lợi, giao thông và điện. Theo UBND tỉnh Bến Tre, hiện nay, nuôi trồng thủy sản trên địa bàn phát triển theo hướng hiệu quả, bền vững, đa dạng các đối tượng nuôi. Đặc biệt, theo nhu cầu phát triển, người nuôi chuyển từ nuôi thủy sản truyền thống sang ứng dụng công nghệ cao, quy trình thực hành tốt. Đồng thời, phát triển nuôi trồng thủy sản theo chuỗi giá trị và xây dựng vùng sản xuất vùng sản xuất tập trung tại 3 huyện Ba Tri, Bình Đại và Thạnh Phú. Năm 2024, tỉnh Bến Tre phát triển tăng thêm 523/500 ha nuôi tôm ứng dụng công nghệ cao, đạt 104,6 % so kế hoạch. Đến nay, tỉnh có 3.633/4.000 ha nuôi ứng dụng công nghệ cao, đạt 90,82% so Kế hoạch giai đoạn 2021-2025. Năng suất bình quân 60-70 tấn/ha, sản lượng đạt 221.282 tấn. Lợi nhuận trung bình từ 700-800 triệu đồng/vụ nuôi mang lại hiệu quả kinh tế cao cho người dân. Ưu điểm của mô hình này là đầu tư kín, cách ly được môi trường dịch bệnh giai đoạn đầu, nuôi mật độ cao, quản lý tốt được thức ăn và môi trường, nâng cao tỷ lệ sống, nuôi tôm lên cỡ lớn, tạo điều kiện tăng năng suất sản lượng trên một đơn vị diện tích và đặc biệt là thuận lợi cho việc xử lý chất thải trong vụ nuôi.
Ông Lê Văn Sấm, xã Thạnh Hải, huyện Thạnh Phú cho biết, sau hơn 5 năm chuyển sang mô hình nuôi tôm công nghệ cao, hiệu quả kinh tế gia đình rất tốt. Đến nay, gia đình phát triển tổng diện tích nuôi tôm công nghệ cao đạt 45 ha. Với diện tích trên, mỗi năm thu hoạch khoảng 500 – 700 tấn tôm nguyên liệu, lợi nhuận khoảng 40 tỷ đồng.
Hiện nay, tỉnh Bến Tre hình thành vùng nuôi tôm tập trung tại huyện Ba Tri quy mô 222 ha, với 5 doanh nghiệp đầu tư; huyện Thạnh Phú quy mô 165 ha/8 hộ dân và doanh nghiệp đầu tư; huyện Bình Đại tiếp tục khuyến khích phát triển 150 ha tập trung tại hai xã Thạnh Phước và Đại Hòa Lộc. Đồng thời, tiếp tục hỗ trợ người dân xây dựng các liên kết trong vùng thông qua việc hỗ trợ vận động thành lập tổ hợp tác, hợp tác xã nuôi tôm ứng dụng công nghệ cao. Đáng chú ý, hoạt động sản xuất con giống trên địa bàn tỉnh ngày càng được nâng cao về chất lượng. Đến nay, tỉnh có 79 cơ sở giống tôm nước lợ, trong đó có 3 cơ sở sản xuất giống tôm thẻ chân trắng, có công suất đạt từ 2-4 tỷ giống/năm/trại; còn lại là 76 cơ sở ương dưỡng giống tôm sú quy mô nhỏ góp phần cung ứng tôm giống cho địa phương và khu vực lân cận. Ngoài ra, ngành chức năng tỉnh hoàn chỉnh hồ sơ chứng nhận ASC cho vùng nuôi tôm ứng dụng công nghệ cao xã Thạnh Hải (huyện Thạnh Phú) quy mô 90 ha; phối hợp với doanh nghiệp chế biến (chuỗi cung ứng Minh Phú và Công ty TNHH Chế biến thủy sản Việt Hải) chứng nhận cho 96 ha tôm ứng dụng công nghệ cao đạt chứng nhận BAP; tiếp tục hỗ trợ người dân xây dựng hồ sơ chứng nhận 150 ha tôm nước lợ đạt tiêu chuẩn ASC huyện Bình Đại. Đến nay, toàn tỉnh hiện có hơn 5.459 ha thủy sản sản xuất theo tiêu chuẩn hữu cơ, GAP và tương đương. Theo BNews/