Việc các nước phương Tây và Mỹ áp đặt lệnh trừng phạt với Nga dẫn đến khả năng lạm phát tăng cao, khiến giá vàng quốc tế và trong nước tăng nhanh.
Vào 17 giờ 50 phút chiều 1/3, giá vàng SJC tại Doji Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh mua vào tăng thêm 500.000 đến 600.000 đồng/lượng, giá bán ra tăng 500.000 đồng/lượng so với phiên trước, giao dịch 65,30 – 66,40 triệu đồng/lượng.
Tại hệ thống SJC Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh và Đà Nẵng, giá vàng SJC giao dịch 65,65 – 66,42 triệu đồng/lượng, tăng 500.000 đồng/lượng mua vào và 450.000 đồng/lượng bán ra so với phiên trước. Còn ở Phú Quý, SJC giao dịch 65,50 – 66,35 triệu đồng/lượng, tăng 650.000 đồng/lượng mua vào và 600.000 đồng/lượng bán ra so với phiên trước.
Giá vàng mua vào tại hệ thống ngân hàng Maritime Bank trong phiên chiều 1/3 tăng “kỷ lục” 8,29 triệu đồng/lượng so với phiên trước, với 64,75 triệu đồng/lượng, còn giá bán ra giảm 100.000 đồng/lượng với 66,30 triệu đồng/lượng. Tại VietinBank Gold, giá vàng SJC giao dịch 65,65 – 66,42 triệu đồng/lượng, tăng 700.000 đồng/lượng mua vào và 600.000 đồng/lượng bán ra so với phiên trước.
Giá năng lượng càng cao, lạm phát càng kéo dài. Điều này duy trì động lực cho giá vàng tăng mạnh. “Với nhiều dự đoán giá vàng sẽ vượt trên 2.000 USD/ounce, trong khi thị trường vàng trong nước luôn duy trì trạng thái độc quyền và neo giá chênh lệch rất cao so với vàng thế giới. Do đó, giá vàng thế giới tăng sẽ đẩy giá vàng trong nước lên rất cao. Thời gian tới, giá vàng trong nước sẽ có thể lên tới 70 triệu đồng/lượng, nếu vàng thế giới vượt mức kỷ lục năm 2020 là 2.070 USD/ounce”, TS Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia tài chính dự báo.
Theo TS Nguyễn Trí Hiếu, nếu cuộc xung đột giữa Nga và Ukraine càng kéo dài thì càng tác động mạnh đến hàng loạt các thị trường hàng hoá, đặc biệt giá dầu có thể luôn duy trì ở mức cao. Giá vàng giao ngay trên thị trường quốc tế sáng nay biến động nhẹ quanh mức 1.904 USD/ounce khi chịu nhiều tác động từ căng thẳng quân sự giữa Nga và Ukraine. Giá SJC duy trình 66 triệu đồng/lượng.
Giá vàng thế giới đã tăng, giảm khá mạnh trong phiên giao dịch Mỹ (đêm 28/2) với biên độ từ 1.890 – 1.920 USD/ounce sau khi việc phương Tây áp thêm lệnh trừng phạt đối với Nga làm dấy lên lo ngại về gián đoạn nguồn cung và thúc đẩy giới đầu tư tìm đến tài sản an toàn như vàng.
Đề cập về thị trường vàng, các chuyên gia của Công ty Chứng khoán VNDirect (VNDirect) cho biết: Vàng vốn dĩ được coi là tài sản trú ẩn an toàn và dữ liệu lịch sử cho thấy mỗi khi các cuộc xung đột và căng thẳng địa chính trị diễn ra thì giá vàng có xu hướng tăng trong ngắn hạn. Tuy vậy, đà tăng của giá vàng thường không kéo dài và sẽ quay đầu giảm trở lại khi tình hình căng thẳng hạ nhiệt.
Thống kê lịch sử cho thấy, mỗi khi sự kiện xung đột và căng thẳng địa chính trị diễn ra, giá vàng thường lập đỉnh trong vòng 2 – 3 tuần sau đó, với mức tăng bình quân khoảng 4,3%. Sau đó, giá vàng có xu hướng quay đầu giảm khi tình hình căng thẳng hạ nhiệt. Trong thời gian 3 – 12 tháng, tác động của sự kiện đến giá vàng sẽ phai nhạt. Động lực khi đó của giá vàng sẽ phụ thuộc vào các số liệu kinh tế và chính sách tiền tệ nhiều hơn.
Trong bối cảnh Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) có thể bắt đầu tăng lãi suất điều hành trong cuộc họp giữa tháng 3 tới đây thì áp lực đè lên giá vàng sẽ lớn dần. Chuyên gia của VNDirect cho rằng: Đà tăng ngắn hạn của giá vàng có thể sớm kết thúc và bước vào một giai đoạn điều chỉnh khi FED đẩy nhanh quá trình bình thường hóa chính sách tiền tệ và tăng lãi suất điều hành trong năm 2022.
Theo Báo Tin Tức