Trang chủ Tiêu điểm Cắt giảm thông tin, tờ khai 11/19 thủ tục hành chính trong nông nghiệp

Cắt giảm thông tin, tờ khai 11/19 thủ tục hành chính trong nông nghiệp

đăng bởi vietnamjournal

BNEWS Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã rà soát, đơn giản hoá thông tin mẫu đơn, tờ khai thủ tục hành chính đang thực hiện cung cấp dịch vụ công trực tuyến trên Cổng Dịch vụ công quốc gia.

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, tháng 9/2023, Bộ đã thực hiện rà soát, đơn giản hoá thông tin mẫu đơn, tờ khai đối với 19 thủ tục hành chính đang thực hiện cung cấp dịch vụ công trực tuyến thuộc thẩm quyền của Bộ trên Cổng Dịch vụ công quốc gia.

Theo đó, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã cắt giảm thông tin, tờ khai của 11/19 thủ tục hành chính, đạt tỷ lệ 57,89%. Chi phí được tiết giảm khi thực hiện khai báo các thông tin thủ tục hành chính sau khi đơn giản hóa là trên 271 triệu đồng/năm.
Bên cạnh đó, thực hiện Quyết định số 933/QĐ-TTg ngày 06/8/2023 của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành Kế hoạch cải cách thủ tục hành chính trọng tâm 5 tháng cuối năm 2023, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng đã rà soát, đề xuất phương án cải cách, đơn giản hoá quy định, thủ tục hành chính liên quan đến khảo nghiệm, sản xuất kinh doanh phân bón. Theo đó, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã thực hiện rà soát rà soát 11 thủ tục hành chính và 6 quy định liên quan.
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã rà soát, phân tích sự cần thiết của từng thủ tục hành chính để xác định thứ tự của từng thủ tục hành chính. Trên cơ sở đó, tiến hành rà soát từng thành phần hồ sơ của các thủ tục hành chính trong nhóm. Đồng thời, thực hiện phân tích thủ tục hành chính đơn lẻ và phân tích tổng thể nhóm thủ tục hành chính; đánh giá theo các tiêu chí sự cần thiết, tính hợp lý, tính hợp pháp và tính chi phí tuân thủ thủ tục hành chính.
Qua rà soát, các thành phần hồ sơ của các thủ tục hành chính: cấp giấy phép nhập khẩu phân bón; khảo nghiệm phân bón (khảo nghiệm phân bón cho cây hằng năm, khảo nghiệm phân bón cho cây trồng lâu năm); quyết định công nhận phân bón lưu hành tại Việt Nam, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho rằng là phù hợp, cần thiết; không có sự trùng lặp giữa các thành phần hồ sơ; có sự kế thừa giải quyết giữa các bước trong quy trình; thành phần hồ sơ đơn giản, dễ chuẩn bị, không yêu cầu tổ chức, cá nhân nộp lại những thành phần hồ sơ đã nộp trước đó.
Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, trước đây, thủ tục hành chính cấp phép khảo nghiệm phân bón được quy định tại Nghị định số 108/2017/NĐ-CP ngày 20/9/2017 của Chính phủ về quản lý phân bón. Tuy nhiên, sau khi Luật Trồng trọt được ban hành, việc khảo nghiệm phân bón được xã hội hoá mạnh mẽ theo chỉ đạo của Chính phủ; theo đó, bãi bỏ thủ tục hành chính này để đảm bảo thuận lợi cho tổ chức, cá nhân.
Hiện nay, hoạt động khảo nghiệm phân bón được quy định rõ ràng, minh bạch theo Luật Trồng trọt, Nghị định số 84/2019/NĐ-CP quy định về quản lý phân bón, các Tiêu chuẩn quốc gia về khảo nghiệm phân bón (TCVN 12719:2019 – Khảo nghiệm phân bón cho cây hằng năm; TCVN 12720:2019 – Khảo nghiệm phân bón cho cây trồng lâu năm) và được đăng tải công khai, minh bạch trên Cổng thông tin điện tử Chính phủ, Cổng thông tin điện tử của Bộ và trang thông tin điện tử của Cục Bảo vệ thực vật để các tổ chức, cá nhân dễ dàng tiếp cận thực hiện.
Tại Điều 52 Luật Trồng trọt quy định việc khảo nghiệm phân bón trên cơ sở hợp đồng giữa Tổ chức khảo nghiệm phân bón và tổ chức, cá nhân có nhu cầu khảo nghiệm; tổ chức khảo nghiệm có nghĩa vụ báo cáo kết quả khảo nghiệm theo quy định. Đồng thời, các yêu cầu về khảo nghiệm phân bón được quy định chi tiết tại Điều 39 Luật Trồng trọt; điểm c khoản 1 Điều 5 Nghị định số 84/2019/NĐ- CP; các nội dung chung về khảo nghiệm, phương pháp khảo nghiệm, đề cương khảo nghiệm, hợp đồng, báo cáo khảo nghiệm, đánh giá kết quả khảo nghiệm đều được quy định cụ thể tại 2 TCVN (TCVN 12719:2019 và TCVN 12720:2019).
Bộ cũng rà soát 6 thủ tục hành chính liên quan đến phân bón như: quyết định công nhận tổ chức khảo nghiệm phân bón; kiểm tra nhà nước về chất lượng phân bón nhập khẩu, miễn giảm kiểm tra chất lượng phân bón nhập khẩu; giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất phân bón; cấp lại giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất phân bón, giấy chứng nhận đủ điều kiện buôn bán phân bón; cấp lại giấy chứng nhận đủ điều kiện buôn bán phân bón và 5 quy định: quyết định công nhận tổ chức khảo nghiệm phân bón, giấy chứng nhận lấy mẫu phân bón, huỷ bỏ quyết định công nhận phân bón lưu hành tại Việt Nam, thu hồi giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất phân bón, thu hồi giấy chứng nhận đủ điều kiện buôn bán phân bón.
Qua đó, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn nhận thấy, các thủ tục hành chính, quy định nêu trên là cần thiết duy trì; không có giải pháp thay thế; đảm bảo yêu cầu quản lý nhà nước; đồng thời, đảm bảo quyền, nghĩa vụ và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân.
Tên của từng thủ tục hành chính, từng quy định đã rõ ràng, cụ thể, ngắn gọn; trình tự thực hiện đã cụ thể, rõ ràng các bước, phân định rõ trách nhiệm và nội dung công việc, đảm bảo khả năng thực hiện. Cách thức đã rõ ràng, cụ thể, phù hợp với đối tượng thực hiện (xem xét đến trình độ, vị trí địa lý của các đối tượng tham gia), đa dạng hoá phương thức tạo điều kiện cho việc lựa chọn thực hiện thủ tục hành chính.
Các thành phần hồ sơ rõ ràng, cụ thể, được mẫu hoá, đáp ứng thông tin đầy đủ cho yêu cầu giải quyết thủ tục hành chính; không thừa, không trùng lặp, có sự kế thừa, không yêu cầu cung cấp hồ sơ đã được cơ quan giải quyết lưu trữ trước đó. Thời gian giải quyết phù hợp với khả năng của cơ quan thực hiện thủ tục hành chính; đồng thời phân bổ thời gian phù hợp, cụ thể tại từng bước.
Ngoài ra, từ năm 2020 đến nay, thực hiện Nghị quyết số 68/NQ-CP; Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã tiến hành rà soát, đánh giá thủ tục hành chính và trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 2177/QĐ-TTg ngày 23/12/2021.
Theo đó, đã đơn giản hoá 4 thủ tục hành chính: cấp/cấp lại Giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất phân bón; cấp/cấp lại Giấy chứng nhận đủ điều kiện buôn bán phân bón (bãi bỏ một số thành phần hồ sơ không cần thiết nhằm tạo điều kiện thuận lợi, giảm chi phí cho tổ chức, cá nhân; góp phần cải thiện môi trường kinh doanh, giải phóng mọi nguồn lực của xã hội và nâng cao năng lực cạnh tranh).
Đến thời điểm này, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chưa phát hiện những thủ tục hành chính, quy định có liên quan bất cập, mâu thuẫn, hạn chế để đề xuất sửa đổi, bổ sung, thay thế hoặc bãi bỏ hoặc huỷ bỏ.
Thời gian tới, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sẽ tiếp tục rà soát 2 TCVN (TCVN 12719:2019 và TCVN 12720:2019) để cắt giảm các thông tin không cần thiết trong quá trình xây dựng, sửa đổi, bổ sung đảm bảo chuẩn hoá các tiêu chuẩn, quy chuẩn theo yêu cầu của Chính phủ./.
Theo BNews/

Có thể bạn quan tâm