Bước đầu, dù mới có hơn 500 ha cho thu nhập từ việc tỉa thưa cành lá nhưng cây quế đã đem lại thu nhập khoảng 15 triệu đồng/ha/năm, mở ra nhiều hướng đi mới trong hình thành nghề rừng, xây dựng nông thôn mới, đem lại thu nhập ổn định cho người dân địa phương…
Đến xóm Đồng Đình, xã Kim Phượng, nơi có hơn 90% đồng bào các dân tộc chọn cây quế là cây trồng chủ lực, ông Triệu Thanh Bình, Trưởng xóm Đồng Đình cho biết, cây quế được người dân trồng ở đây từ đầu nhũng năm 1990 nhưng từ năm 2014 trở lại đây mới phát triển mạnh.
Đa số các hộ trong xóm đều có rừng quế với diện tích từ 0,5 đến hơn 10 ha/hộ. Hiện ở xóm, dù chỉ có một số khoảnh rừng quế trên 5 năm tuổi bắt đầu cho tỉa cành, lá, tỉa thưa nhưng đã có nhiều hộ có thu nhập hàng trăm triệu đồng từ cây quế như hộ ông Lý Ngọc Đình, Lý Ngọc Cương, Lý Văn Kiên…
Theo tính toán của ông Bình, tất cả các bộ phận của cây quế đều có thể thu lợi nhuận như: hiện tại giá mỗi kg cành, lá quế được thu mua ngay tại rừng với giá 1.500 đồng/kg, vỏ quế từ 22.000-27.000 đồng/kg; gỗ quế sau khi bóc vỏ cũng bán được 1,8 triệu đồng cho tới trên 2 triệu đồng/m3 tùy vào đường kính cây gỗ.
Trồng quế chỉ vất vả trong 3 năm đầu khi thường xuyên phải chăm sóc, phát cỏ còn các năm sau không mất công là mấy, cứ vào rừng tỉa cành, tỉa lá là… có tiền. So với các cây trồng khác, cây quế có đầu ra ổn định bởi đang có nhiều doanh nghiệp muốn ký kết hợp đồng bao tiêu sản phẩm quế với người dân lâu dài.
Ông Nguyễn Đức Thắng, Phó trưởng Ban quản lý rừng ATK Định Hóa cho biết, cây quế là loại cây đa tác dụng, cung cấp tinh dầu làm dược liệu cho các ngành dược phẩm, mỹ phẩm. Đồng thời, cũng là nguyên liệu gỗ cho chế biến lâm sản, sản xuất đồ mỹ nghệ và có tác dụng phòng hộ, che phủ rừng, có tiềm năng xuất khẩu rất lớn. Mặc dù vòng đời của cây quế là 15 năm nhưng việc thu hoạch sản phẩm có thể thực hiện từ năm thứ 5 khi tiến hành tỉa thưa và tỉa cành, lá.
Với mặt bằng giá hiện tại, tổng chi cho trồng, chăm sóc, bảo vệ rừng quế cho mỗi ha trong 15 năm khoảng 160 triệu đồng. Còn tổng thu bắt đầu tư năm thứ 5 cho mỗi ha khoảng 1,2 tỷ đồng, lợi nhuận bình quân khoảng 1,05 tỷ đồng/ha. Trung bình, lợi nhuận bình quân 1 năm khoảng 70 triệu đồng/ha. So với cây keo lợi nhuận bình quân chưa đầy 2 triệu đồng/ha/năm thì rõ ràng trồng quế cho thu nhập cũng như hiệu quả kinh tế vượt trội…
Để khuyến khích mở rộng diện tích trồng quế, huyện Định Hóa đã xây dựng cơ chế hỗ trợ người dân trồng quế có diện tích đất lâm nghiệp được cơ quan có thẩm quyền cho thuê, giao khoán, đất lâm nghiệp sử dụng ổn định, lâu dài.
Theo đó, huyện hướng dẫn người trồng quế trồng với mật độ 5.000 cây/ha; trong đó, huyện hỗ trợ chi phí mua cây giống 1.700 cây/ha, hỗ trợ 60% lãi suất trong 3 năm với khoản vay 50 triệu đồng/ha, thời hạn vay vốn tối đa là 10 năm, trong 3 năm đầu hỗ trợ lãi suất ngân hàng các hộ không phải trả nợ gốc, chỉ trả lãi… Đến thời điểm hiện tại, toàn huyện đã cơ bản hoàn thành kế hoạch trồng mới 400 ha quế của năm 2021.
Theo Chủ tịch UBND huyện Định Hóa Nguyễn Minh Tú, huyện Định Hóa có trên 13.700 ha đất quy hoạch rừng sản xuất do vậy tiềm năng để phát triển cây quế còn rất lớn. Thời gian qua, các chính sách về hỗ trợ trồng rừng, khoán bảo vệ rừng, hỗ trợ vùng đệm khu rừng đặc dụng đã tăng thêm thu nhập, taọ sinh kế cho người dân, góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo.
Trong giai đoạn 2021 – 2025, đối với rừng sản xuất, huyện đặt mục tiêu trồng rừng sản xuất 3.100 ha; trong đó, riêng trồng quế là 2.900 ha, hình thành vùng trồng quế tập trung, xây dựng một số mô hình sản xuất, chế biến quế đạt tiêu chuẩn hữu cơ để tạo ra sản phẩm có chất lượng, giá trị cao tiến tới xuất khẩu…
Để đạt được mục tiêu này, cùng với việc tăng cường khuyến lâm, đưa tiến bộ khoa học kỹ thuật vào trồng rừng, chăm sóc rừng, huyện đẩy mạnh thực hiện liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm; khuyến khích các doanh nghiệp có đủ khả năng đầu tư theo chuỗi khép kín vào ngành lâm nghiệp, phát huy vài trò của doanh nghiệp trong sản xuất, chế biến, bao tiêu sản phẩm, nhất là các sản phẩm từ cây quế…
Theo Báo Tin Tức