
BNEWS Sáng 8/5, tại Hà Nội, Đại học Kinh tế Quốc dân tổ chức Tọa đàm đối thoại chính sách với chủ đề “Chính sách thuế quan đối ứng của Hoa Kỳ: Tác động và điều chỉnh chiến lược cho Việt Nam”.
Tọa đàm có sự tham gia của đại diện một số bộ, ban, ngành Trung ương; các viện nghiên cứu, các đại học, trường đại học, doanh nghiệp, hiệp hội, chuyên gia kinh tế…, cùng trao đổi, phân tích bản chất, tác động, đề xuất các giải pháp chiến lược phù hợp nhằm hỗ trợ doanh nghiệp và nền kinh tế Việt Nam thích ứng hiệu quả với những thay đổi trong chính sách thuế quan đối ứng của Hoa Kỳ trong bối cảnh mới. Phát biểu khai mạc tọa đàm, Giáo sư – Tiến sĩ Nguyễn Thành Hiếu, Phó Giám đốc Đại học Kinh tế Quốc dân cho biết: Các biện pháp áp thuế đối ứng được Hoa Kỳ mới đưa ra không chỉ ảnh hưởng đến các đối tác lớn như Trung Quốc, EU mà còn tác động dây chuyền đến nhiều quốc gia khác có liên kết chuỗi cung ứng toàn cầu, trong đó có Việt Nam. Theo Giáo sư – Tiến sĩ Nguyễn Thành Hiếu, hiện nay, quy mô xuất khẩu từ Việt Nam sang Hoa Kỳ chiếm đến 30% kim ngạch xuất khẩu, thặng dư thương mại với Hoa Kỳ chiếm đến hơn 20% tổng GDP nền kinh tế. Về cơ cấu, 70% hàng hóa xuất khẩu sang Hoa Kỳ là những mặt hàng chế biến chế tạo chủ lực như điện, điện tử, linh kiện, điện thoại, da giày, dệt may, gỗ… Những mặt hàng này phần lớn là lĩnh vực sản xuất của khu vực FDI và cũng là động lực của nền kinh tế những năm qua. Vì vậy, đây là khoảng thời gian để Việt Nam chuẩn bị những giải pháp ứng phó với những thay đổi, tác động từ chính sách thuế quan mới của Hoa Kỳ và cũng là thời cơ tái cấu trúc lại để nền kinh tế tự chủ, phát triển bền vững, gia tăng khả năng chống chịu đối với những bất ổn từ thế giới. Để giảm thiểu tác động từ các mức thuế đối ứng của Hoa Kỳ, Phó Giáo sư – Tiến sĩ Phan Hữu Nghị, Phó Viện trưởng Viện Ngân hàng – Tài chính, Đại học Kinh tế Quốc dân chia sẻ: Cách tiếp cận của Việt Nam cần hướng đến các mục tiêu như giảm thiểu tác động tiêu cực của thuế đối ứng đến doanh nghiệp xuất khẩu; ổn định thị trường và chuỗi cung ứng nội địa; duy trì niềm tin của nhà đầu tư và đối tác quốc tế; chuyển hóa khủng hoảng thành động lực cải cách, nâng cao năng lực cạnh tranh. Theo Phó Giáo sư – Tiến sĩ Phan Hữu Nghị, các biện pháp phòng ngừa, chuẩn bị đàm phán và thích ứng cần triển khai trước khi rủi ro trở thành hiện thực để bảo vệ doanh nghiệp và giữ vững chuỗi cung ứng FDI, tránh những phát sinh mới hậu đàm phán thuế đối ứng với Mỹ nhưng lại phát sinh đàm phán xem xét lại danh mục hàng hóa với các đối tác hàng đầu khác như Trung Quốc, EU, Nhật Bản. Về lâu dài, Việt Nam cần xây dựng chính sách để đa dạng hóa thị trường xuất khẩu, tăng cường hợp tác khu vực và toàn cầu, tránh phụ thuộc vào một thị trường nhất định. Ngoài ra, cần rà soát lại các tác động về nguồn thu thuế, chuyển giao công nghệ, ảnh hưởng môi trường của các tập đoàn, công ty đa quốc gia tại Việt Nam để thu hút FDI có chọn lọc. Việt Nam cũng cần xây dựng bền vững kinh tế địa phương bằng cách đầu tư vào hạ tầng, đào tạo lao động tại chỗ, phục hồi tài nguyên thiên nhiên và gắn kết cộng đồng tại địa phương để tạo nên một nền kinh tế có khả năng chống chịu với các cú sốc từ bên ngoài. Đề cập đến việc điều chỉnh chính sách thương mại Việt Nam trong bối cảnh Hoa Kỳ áp thuế đối ứng, Phó Giáo sư – Tiến sĩ Tạ Văn Lợi, Hiệu trưởng Trường Kinh doanh, Đại học Kinh tế Quốc dân cho rằng, Việt Nam cần rà soát lại nhóm hàng xuất siêu sang Hoa Kỳ và đàm phán làm giảm áp lực về thuế vào nhóm hàng này. Nhóm các mặt hàng của khối doanh nghiệp FDI xuất siêu cần rà soát chính sách về thuế, ưu đãi thuế với các ảnh hưởng từ việc áp đặt thuế mới; kiên quyết loại bỏ các doanh nghiệp nước ngoài đội lốt xuất siêu sang Hoa Kỳ, còn lại sẽ đảm bảo những ưu đãi về thuế đã cam kết và chia sẻ gánh nặng thuế nếu có thể … Với nhóm các mặt hàng Việt Nam xuất siêu như dệt may, giầy dép, đồ gỗ, thủy sản…, cần phân tích rõ chuỗi giá trị Việt Nam được hưởng lợi với giá trị thuế mới. Việt Nam cần điều chỉnh chiến lược phát triển kinh tế toàn diện với tầm nhìn dài hạn, xác định rõ các ngành công nghiệp mũi nhọn để tập trung đầu tư. Trong tương lai, nhiều ngành nghề và dịch vụ đơn giản sẽ bị loại bỏ do việc chuyển đổi số và công nghệ robot, tự động hóa, trí tuệ nhân tạo (AI)… Vì vậy, nên đề xuất chọn công nghệ bán dẫn, AI, phần mềm, kinh tế số, hạt nhân, vật liệu mới… để mở cửa cho doanh nghiệp Hoa Kỳ vào Việt Nam. Bên cạnh đó, Việt Nam cần tăng cường đầu tư nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, tiếp cận công nghệ thế giới nhanh chóng hơn…; chú trọng thu hút FDI bằng nhân lực chất lượng cao, bằng sự minh bạch, công bằng để cải thiện vị thế tham gia của Việt Nam trong chuỗi cung ứng toàn cầu. Phó Giáo sư – Tiến sĩ Tạ Văn Lợi cũng đề cập một số giải pháp thích ứng khác như: Việc khuyến khích kinh tế tư nhân phát triển; thay đổi cách tiếp cận về quan hệ thương mại, đầu tư từ thế bị động sang chủ động và cần có sự cân bằng cả hai chiều sẽ đạt lợi ích tối ưu hơn. Theo BNews/