Cụ thể, chỉ số DAX trên thị trường Frankfurt đã tăng 4% lên mức 13.345,07 điểm trong khi chỉ số CAC tại thị trường Paris cũng tăng 3,8% lên 6.188,84 điểm. Bên ngoài Khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone), chỉ số FTSE tại thị trường London tăng 1,7% lên 7.085,52 điểm. Nhà phân tích Neil Wilson từ Markets.com nhận định các thị trường châu Âu đều phục hồi trong phiên giao dịch sáng 9/3, một phần cho thấy tình trạng bán tháo cổ phiếu đã dẫn tới những phiên giao dịch sụt giảm điểm gần đây.
Trong khi đó, các thị trường châu Á ghi nhận những diễn biến trái chiều trong ngày 9/3 sau 3 ngày giảm điểm mạnh. Giá dầu tiếp tục tăng sau khi Mỹ và Anh cấm nhập khẩu dầu thô của Nga. Tuy nhiên, các đơn vị môi giới đều cảnh báo thị trường sẽ tiếp tục bất ổn khi tình hình căng thẳng Nga-Ukraine chưa hạ nhiệt. Chuyên gia phân tích Ipek Ozkardeskaya từ Swissquote cảnh báo các thị trường chứng khoán vẫn rất dễ bị tác động khi nhiều yếu tố bất ổn gia tăng.
Chiều 9/3, giá vàng châu Á giảm nhẹ từ mức cao kỷ lục của phiên trước do đồng USD đứng gần mức đỉnh 21 tháng qua và giới đầu tư bán chốt lời, giữa bối cảnh palladium tăng sau khi cuộc khủng hoảng Ukraine làm dấy lên lo ngại về nguồn cung hạn chế từ nhà sản xuất hàng đầu thế giới Nga.
Giá vàng giao ngay giảm 0,4% xuống 2.044,60 USD/ounce, sau khi tăng lên 2.069,89 USD/ounce trong phiên trước đó. Đây là mức gần mức cao nhất kể từ tháng 8/2020 là 2.072,49 USD/ounce.
Giới phân tích cho vàng, thường được coi là một tài sản an toàn trong các cuộc khủng hoảng toàn cầu, có thể tạo ra một đợt tăng giá khác lên mức cao chưa từng có nếu tình hình Ukraine xấu đi , trong bối cảnh những lo ngại hiện hữu về rủi ro lạm phát.
Theo Báo Tin Tức