Động lực từ nhóm VN30 có thể thúc đẩy chỉ số VN-Index hướng đến các vùng mục tiêu tiếp theo lần lượt là 1.450 và 1.480 điểm nhờ sự hỗ trợ của tăng trưởng kết quả kinh doanh quý 2/2021, theo nhận định của công ty chứng khoán SSI.
“Chiến lược quản trị rủi ro cần được nhà đầu tư chú trọng hơn trong giai đoạn này do thị trường chứng khoán Việt Nam sẽ phải đối diện với một số rủi ro tiềm ẩn trong giai đoạn 6 tháng cuối năm.”
Thông tin được nhóm phân tích từ Công ty cổ phần chứng khoán SSI (SSI) nêu ra trong báo cáo Chiến lược thị trường tháng 7/2021 với chủ đề “Tận dụng cơ hội đi kèm với quản trị rủi ro.”
Theo SSI, chỉ số VN-Index dễ dàng vượt ngưỡng cản tâm lý 1.400 điểm trong phiên ngày 28/6 với sự xác nhận của khối lượng lớn. Dù liên tiếp đối diện với lực cung sau đó, chỉ số VN-Index vẫn vượt qua và liên tục thiết lập các mức đỉnh mới nhờ sự quay trở lại dẫn dắt của nhóm VN30.
Khối lượng giao dịch trên VN30 sau khi thu hẹp trong tháng Sáu cũng đã bật tăng trở lại trong 2 phiên đầu tháng Bảy, vượt qua mức bình quân 20 phiên và cho thấy tín hiệu dòng tiền quay trở lại nhóm này.
Đọc thêm: VN-Index giảm điểm, nhưng thanh khoản trên sàn HOSE tăng mạnh với hệ thống giao dịch mới
Động lực từ nhóm VN30 có thể thúc đẩy chỉ số VN-Index hướng đến các vùng mục tiêu tiếp theo lần lượt là 1.450 và 1.480 điểm nhờ sự hỗ trợ của tăng trưởng kết quả kinh doanh quý 2/2021.
Dù vậy, chiến lược quản trị rủi ro cần được nhà đầu tư chú trọng chặt chẽ trong giai đoạn này.
Theo SSI, các rủi ro của thị trường có thể đến từ áp lực lạm phát quay lại và triển vọng tăng trưởng lợi nhuận có thể không còn mạnh trong quý 3 và quý 4 do ảnh hưởng COVID-19 kéo dài. Chi phí đầu vào tăng làm thu hẹp biên lợi nhuận của các doanh nghiệp cũng như hết hiệu ứng so sánh trên nền thấp của cùng kỳ năm 2020.
Về mặt tích cực, các nhà phân tích từ SSI cho rằng dù thị trường chứng khoán Việt Nam đang được dẫn dắt chính bởi khối nhà đầu tư cá nhân trong nước nhưng động thái giao dịch tích cực từ khối ngoại có thể giúp gia tăng sự lạc quan chung của thị trường.
Thực tế, dù vẫn còn bán ròng trong tháng Sáu nhưng giá trị bán ròng của khối ngoại đã thấp hơn nhiều so với mức bán ròng kỷ lục của tháng Năm. Tổng lượng bán ròng của khối ngoại trên 3 sàn là 30.400 tỷ đồng trong nửa đầu năm.
Dòng vốn ETF (Quỹ hoán đổi danh mục – quỹ hoạt động mô phỏng theo sự biến động của một chỉ số tham chiếu, như chỉ số chứng khoán) cũng diễn biến khả quan hơn, đảo chiều quay lại xu hướng tích cực trong tháng Sáu.
Các quỹ bị rút ròng trong tháng Năm là VFM VN30 ETF và SSIAM VNFIN Lead đã có dòng tiền dương trở lại với giá trị là 560 tỷ đồng và 51 tỷ đồng.
Ở chiều ngược lại, Fubon là quỹ có giá trị rút ròng lớn nhất, đạt 150 tỷ đồng. Tính chung cả tháng Sáu, có khoảng 26 triệu USD vốn vào các quỹ ETF tại Việt Nam.
Trong những ngày đầu tháng Bảy, SSI tiếp tục ghi nhận xu hướng tích cực ở các quỹ VFMVN30, VFM VNDiamond và Fubon mua ròng trở lại.
Bên cạnh đó, quỹ Asian Growth CUBS ETF mới được thành lập trong tháng Sáu dù quy mô quỹ còn nhỏ (2 triệu USD) và chỉ khoảng 27% tổng tài sản của quỹ được phân bổ vào thị trường Việt Nam, nhưng cũng được kỳ vọng sẽ thu hút thêm dòng vốn trong thời gian tới.
Tháng Bảy là tháng cao điểm công bố kết quả kinh doanh quý 2 và 6 tháng đầu năm, với tăng trưởng lợi nhuận khả quan được dự đoán vẫn ghi nhận các nhóm ngành chiếm tỷ trọng cao trong rổ VN30 như ngân hàng, dầu khí, chứng khoán và thép.
Tăng trưởng điểm số của VN-Index trong tháng Sáu đã đưa hệ số định giá P/E (hệ số giá trên lợi nhuận 1 cổ phiếu) hiện tại và hệ số định giá P/E năm 2021 của chỉ số từ mức 18,18 lần và 16,19 lần vào thời điểm cuối tháng Năm lên mức 19,35 lần và 17,08 lần vào ngày 2/7.
SSI cho rằng định giá thị trường đã phản ánh một phần mức tăng trưởng lợi nhuận tích cực của doanh nghiệp trong quý 2/2021 và nửa đầu năm./.
Văn Giáp (TTXVN/Vietnam+)