BNEWS Với phương châm lấy người dân và doanh nghiệp làm trung tâm để phục vụ, ngành hải quan rất coi trọng và xem việc ứng dụng công nghệ, chuyển đổi số là nhiệm vụ trọng tâm và cấp bách của toàn ngành.
Việc triển khai Cơ chế một cửa quốc gia, Cơ chế một cửa ASEAN đã giúp giảm thiểu giấy tờ, rút ngắn thời gian, giảm chi phí thực hiện các thủ tục hành chính trong lĩnh vực xuất nhập khẩu, làm thay đổi căn bản phương thức quản lý, kiểm tra chuyên ngành.
Theo Tổng cục Hải quan, đến nay, tất cả các thủ tục hải quan cốt lõi hoàn toàn thực hiện bằng phương thức điện tử với 100% đơn vị hải quan trên toàn quốc; 99% doanh nghiệp tham gia, xử lý hơn 99,6% tờ khai thông quan, với thời gian thông quan luồng xanh chỉ từ 1 – 3 giây. Nhằm phục vụ người dân và doanh nghiệp ngày càng tốt hơn, Hải quan Việt Nam đã cung cấp 200/236 dịch vụ công trực tuyến mức độ 3 và 4, chiếm 84,7% số thủ tục hành chính do Hải quan Việt Nam thực hiện; trong đó có 194 dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 bao gồm các thủ tục hành chính cốt lõi liên quan đến thông quan hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu. Hải quan cũng đã hoàn thành việc tích hợp 72 dịch vụ công trực tuyến trong lĩnh vực hải quan lên Cổng dịch vụ công quốc gia.
Theo khảo sát của VCCI số thời gian và chi phí doanh nghiệp thực hiện thủ tục qua cổng Cơ chế một cửa quốc gia giảm so với thực hiện bằng phương thức truyền thống, thời gian giảm từ 5 – 25 giờ tùy theo từng thủ tục, giúp tiết kiệm chi phí cho doanh nghiệp ở hầu hết các thủ tục so với hình thức làm thủ tục truyền thống trước đây.
Bên cạnh đó, ngành hải quan cũng đã nghiên cứu và từng bước ứng dụng các công nghệ của cách mạng công nghiệp 4.0 trong quản lý nhà nước về hải quan. Tổng cục Hải quan đã ứng dụng thành công công nghệ kết nối internet vạn vật trong triển khai Hệ thống seal định vị để giám sát hàng hóa xuất nhập khẩu được vận chuyển bằng container, đẩy mạnh ứng dụng ông nghệ thông tin trong chỉ đạo điều hành qua mạng nội bộ…
Chuyên gia kinh tế Cấn Văn Lực cho biết, lĩnh vực hải quan liên quan đến khoảng 80 nghìn doanh nghiệp có hoạt động xuất nhập khẩu. Vừa rồi đã có 64,7 nghìn doanh nghiệp đã đăng ký vào hệ thống dịch vụ công một cửa liên quan đến xuất nhập khẩu. Với sự ảnh hưởng này, chuyển đổi số sẽ có sự lan tỏa rất lớn và người dân sẽ được thụ hưởng từ việc này.
Ông Lê Đức Thành – Cục trưởng Cục Công nghệ thông tin và Thống kê hải quan (Tổng cục Hải quan) cho biết, những kết quả ứng dụng công nghệ thông tin trong thời gian qua là động lực để xây dựng Hải quan Việt Nam hiện đại, chuyên nghiệp, minh bạch, hiệu quả, góp phần quan trọng vào việc hoàn thành các mục tiêu cải cách, hiện đại hóa hải quan và tạo thuận lợi thương mại, là tiền đề xây dựng hải quan số, hải quan thông minh trong thời gian tới.
Thủ tướng Chính phủ vừa phê duyệt Chiến lược phát triển Hải quan đến năm 2030 đã mở ra một thời kỳ phát triển mới của Hải quan Việt Nam đó là tập trung nguồn lực hoàn thành xây dựng hải quan số, hải quan thông minh.
Theo đó, ngành hải quan đặt mục tiêu đến năm 2025 có 100% thủ tục hải quan được số hóa và thực hiện bằng phương thức điện tử; 95% các chứng từ thuộc hồ sơ hải quan được chuyển sang dạng dữ liệu số (đến năm 2030 phấn đấu chỉ tiêu đạt 100%); 100% hồ sơ về tổ chức, cá nhân liên quan đến hoạt động xuất khẩu, nhập khẩu; người, phương tiện vận tải xuất cảnh, nhập cảnh, quá cảnh; hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu, quá cảnh được quản lý dưới dạng dữ liệu số; 100% thủ tục hành chính có nhu cầu sử dụng cao được cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 cho người dân, doanh nghiệp và được thực hiện trên nhiều phương tiện truy cập khác nhau…
Để đạt được mục tiêu này, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan Nguyễn Văn Thọ cho biết, bên cạnh nỗ lực nội tại của Hải quan Việt Nam, rất cần sự hợp tác từ các bộ, ngành liên quan; sự ủng hộ, phối hợp từ phía người dân, doanh nghiệp và sự chia sẻ kinh nghiệm từ hải quan các nước cũng như các tổ chức quốc tế, các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực công nghệ để có thể giúp cho Hải quan Việt Nam tiếp cận với các cách thức, giải pháp ứng dụng công nghệ hiệu quả, phù hợp; đáp ứng được yêu cầu chuyển đổi số, thực hiện hải quan số, hải quan thông minh của Việt Nam.
Ngoài ra, theo Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan, Hải quan Việt Nam cũng coi trọng yếu tố con người và coi yếu tố con người là yếu tố quan trọng, then chốt cần cân nhắc khi ứng dụng công nghệ mới. Con người là chủ thể của đổi mới, sáng tạo và quyết định sự thay đổi; con người lựa chọn công nghệ, là chủ thể ứng dụng công nghệ đó và cũng là người hưởng lợi ích từ công nghệ. Sự thành bại của việc đổi mới do con người quyết định. Do đó, cần phải có chiến lược cụ thể, rõ ràng về đầu tư nguồn lực con người trong ứng dụng công nghệ và chuyển đổi số để đảm bảo quá trình này diễn ra thành công.
Chuyên gia Cấn Văn Lực cũng cho rằng, chuyển đổi số lĩnh vực hải quan đã để lại nhiều ấn tượng, vấn đề tiếp là phải có chiến lược, trong đó một vấn đề quan trọng là văn hóa chuyển đổi số.
“Đặc biệt là giải pháp về công nghệ, trong số đó có yếu tố chọn loại công nghệ nào và đầu tư vào công nghệ như thế nào cho phù hợp. Đây là bài toán cần phải tính toán rất kỹ lưỡng, gắn với các câu chuyện về công nghệ và an ninh mạng bởi có mức độ ảnh hưởng lớn”, ông Cấn Văn Lực nói.
Theo BNews/