Nhóm người Việt bị Facebook kiện vì đã chiếm đoạt tài khoản người khác chạy quảng cáo hơn 36 triệu USD đã làm mất uy tín người Việt khi giao thương với nước ngoài, theo nhận định của chuyên gia.
Trước đó, Facebook cho biết đã đệ trình đơn kiện chống lại thủ phạm lừa đảo trực tuyến đã vi phạm điều khoản và chính sách quảng cáo của mạng xã hội này. Theo tờ Tuổi Trẻ, bốn cá nhân cư trú tại Việt Nam bị kiện gồm Thêm Hữu Nguyễn, Lê Khang, Nguyễn Quốc Bảo và Phạm Hữu Dung.
Dùng phần mềm giả mạo ăn cắp tài khoản
Theo “tố cáo” từ Facebook, tháng 10-2020, các đối tượng trên đã đưa lên kho ứng dụng trực tuyến chính thức Google Play của hệ điều hành Android phần mềm có tên Ads Manager (quản lý chiến dịch quảng cáo).
Cuối tháng 12-2020, các đối tượng bắt đầu tiến hành đổi tên ứng dụng của mình thành “Ads Manager for Facebook” song song với chạy quảng cáo trên chính nền tảng của mạng xã hội này. Đối tượng chiến dịch quảng cáo nhắm đến người dùng ở Mỹ, châu Âu, Ấn Độ và Brazil.
Theo tài liệu từ Facebook, chỉ sau 4 ngày chạy chiến dịch, khoảng 1.700 người dùng đã bấm vào quảng cáo.
Những người dùng ứng dụng nêu trên chủ yếu là nhân viên các đại lý quảng cáo hoặc những người hay thực hiện chạy các chiến dịch quảng cáo trên Facebook cho những chương trình riêng của mình (quảng cáo bán hàng, livestream, sản phẩm…).
Khi sử dụng ứng dụng “Ads Manager for Facebook”, họ phải dùng tài khoản chạy quảng cáo (thường gắn liền với tài khoản Facebook) của mình để đăng nhập. Khi đó, các thông tin đăng nhập (gồm tên tài khoản, mật khẩu, xác thực) của nạn nhân sẽ được gửi về tài khoản quản lý ứng dụng của các đối tượng trên.
Thủ đoạn trục lợi hàng chục triệu USD
Khi có được thông tin cần thiết, các đối tượng trên sẽ đăng nhập và sử dụng các tài khoản của nạn nhân để chạy các chương trình quảng cáo của mình trên Facebook.
Thông thường, các tài khoản chạy quảng cáo đều được tích hợp sẵn thông tin của các thẻ thanh toán quốc tế (Visa, Mastercard…) của chủ tài khoản với chức năng thanh toán tự động trong quá trình chạy quảng cáo.
Theo chia sẻ của nhiều chuyên gia trong ngành, đây chính là kẽ hở để các đối tượng nêu trên trục lợi hàng chục triệu USD.
Theo đó, các đối tượng có thể mở dịch vụ chuyên chạy quảng cáo trên Facebook cho mọi khách hàng (người dùng cá nhân, doanh nghiệp) với giá cạnh tranh để hút khách.
Khi có khách hàng thuê chạy chiến dịch quảng cáo, các đối tượng sẽ sử dụng tài khoản của các nạn nhân đã chiếm đoạt (ở Mỹ, châu Âu, Ấn Độ và Brazil) được để chạy quảng cáo, thay vì dùng tài khoản quảng cáo của mình.
Khi đó, chi phí thanh toán cho Facebook để hiển thị các quảng cáo của các đối tượng người Việt nêu trên lại do tài khoản của nạn nhân chi trả bởi các tài khoản đó là bên chạy quảng cáo. Còn toàn bộ số tiền khách hàng chi trả cho chiến dịch sẽ vào túi riêng của các đối tượng này.
Với thủ đoạn này, theo Facebook, các đối tượng trong nhóm người Việt nêu trên đã chạy “chùa” đến hơn 36 triệu USD, tức khoảng 830 tỉ đồng. Đồng nghĩa với số tiền các đối tượng trên bỏ túi chắc chắn hơn hàng trăm tỉ đồng.
Điều đó phần nào được chứng minh qua các tài liệu được chính Facebook “vạch trần” về những bức hình khoe cuộc sống xa hoa, giàu sang của các đối tượng này.
Không chỉ có một tại Việt Nam
Vụ việc Facebook tố cáo các đối tượng người Việt nêu trên thu hút sự quan tâm rất lớn từ cộng đồng mạng, đặc biệt là những người làm trong lĩnh vực quảng cáo trên các nền tảng số. Theo ghi nhận của Tuổi Trẻ Online, hầu hết các ý kiến đều “hả hê” với việc vạch trần cách làm ăn mang tính cướp đoạt của các cá nhân nêu trên.
Song song đó, nhiều người cũng tỏ ra bức xúc với thủ đoạn làm giàu bằng hành vi lừa đảo, chiếm đoạt.
“Việt Nam ngày càng vươn ra làm ăn với rất nhiều đối tác trên thế giới. Nhưng những vụ việc như thế này chỉ khiến hình ảnh người Việt trong mắt các đối tác nước ngoài luôn đáng ngờ và ngày càng xấu xí. Điều đó khiến nhiều người Việt khác muốn làm ăn đàng hoàng ra nước ngoài rất khó khăn” – anh Đ., giám đốc một hệ thống bán hàng qua mạng tại TP.HCM (đề nghị không nêu tên), nhận xét.
Trong khi đó, nhiều chuyên gia trong lĩnh vực tiếp thị số tại Việt Nam cho rằng nhóm đối tượng nêu trên chỉ là một trong khá nhiều nhóm, đối tượng tương tự đang hoạt động tại Việt Nam hiện nay.
“Không phải ngẫu nhiên mà người dùng Facebook Việt Nam thường xuyên nhìn thấy các quảng cáo livestream bán hàng. Chính những dịch vụ chạy quảng cáo siêu rẻ – như các đối tượng vừa bị Facebook kiện – đã khiến việc quảng cáo livestream bán hàng diễn ra tràn lan.
Và tất nhiên, nhóm bị Facebook kiện lần này chỉ là một nhóm tiêu biểu mà thôi”, lãnh đạo một doanh nghiệp chia sẻ với phóng viên của tờ Tuổi Trẻ.