Trang chủ Tiêu điểm Cục Bảo vệ thực vật nói lý do tạm dừng một số mã số vùng trồng xuất khẩu sang Trung Quốc

Cục Bảo vệ thực vật nói lý do tạm dừng một số mã số vùng trồng xuất khẩu sang Trung Quốc

đăng bởi vietnamjournal

BNEWS Cục Bảo vệ thực vật cho rằng, nếu Việt Nam tự chủ động tạm dừng, thu hồi thì rủi ro sẽ thấp hơn bởi việc khắc phục sẽ có tính chủ động hơn nếu Trung Quốc yêu cầu.

Trước việc mới đây Cục Bảo vệ thực vật có văn bản gửi một số địa phương tạm dừng, thu hồi các vùng trồng, cơ sở đóng gói không đảm bảo quy định khi xuất khẩu sang Trung Quốc khiến nhiều doanh nghiệp bất ngờ, gặp khó khi xuất khẩu, tại Diễn đàn trực tuyến “Nhận diện thực trạng liên kết tiêu thụ, xuất khẩu sầu riêng 2023 và giải pháp phát triển hiệu quả, bền vững ngành hàng sầu riêng Việt Nam” của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sáng 11/9, bà Nguyễn Thị Thu Hương, Phó Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật khẳng định: “Hiện không có lô hàng nào ùn ứ tại cửa khẩu xuất khẩu sang Trung Quốc”.

“Trong quá trình thông báo đó, cơ quan chức năng sẽ kiểm soát rất chặt với những lô hàng có liên quan đến mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói vi phạm”, bà Hương nhấn mạnh.
Bà Nguyễn Thị Thu Hương cho biết, theo quy định của Nghị định thư, tại thời điểm kiểm tra lô hàng trước khi xuất khẩu hoặc ở cửa khẩu đến nếu phát hiện vi phạm thì Việt Nam hoặc Trung Quốc sẽ tạm dừng xuất khẩu với mã số vùng trồng và cơ sở đóng gói đó trong thời gian còn lại của mùa vụ. Các vùng trồng và cơ sở đóng gói đó sẽ phải khắc phục vi phạm, gửi lại hồ sơ cho Cục Bảo vệ thực vật và gửi cho cơ quan chức năng Trung Quốc xem xét.

Theo bà Hương, việc tạm dừng hay thu hồi có hai cách làm. Đó là Việt Nam (Cục Bảo vệ thực vật – Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) sẽ tự tạm dừng, thu hồi hoặc Trung Quốc sẽ làm.
Theo kinh nghiệm thị trường quốc tế, nếu Việt Nam tự tạm dừng, thu hồi thì rủi ro sẽ thấp hơn. Khi Việt Nam chủ động tự tạm dừng thì việc khắc phục sẽ có tính chủ động hơn. Còn nếu khi phía Trung Quốc thông thì việc khắc phục sẽ phải chờ lịch của họ và quá trình lên lịch đó rất dài. Do đó,Cục Bảo vệ thực vật đã chọn phương án chủ động dừng.
Bà Hương cũng cho biết, việc dừng này là hoạt động thường kỳ của Cục Bảo vệ thực vật. Gần đây là đợt thông báo thứ 4 trong việc tạm dừng, thu hồi, khắc phục các biện pháp không tuân thủ của phía Trung Quốc.
Việc thông báo khắc phục, tạm dừng hay thu hồi phải dựa trên 2 nguyên tắc là: dứt khoát không ảnh hưởng đến thương mại, quyền lợi của người sản xuất kinh doanh, đơn vị xuất khẩu. Đồng thời không đánh đồng doanh nghiệp vi phạm với doanh nghiệp tuân thủ tốt.
Bà Hương cho biết, nếu vi phạm lần đầu và cơ quan chức năng Việt Nam tự thông báo thì sau khi nhận hồ sơ khắc phục nếu đạt sẽ xử lý ngay, xuất khẩu sớm được trở lại. Nếu khi Trung Quốc thông báo tạm dừng thì Cục Bảo vệ thực vật sẽ phải gửi lại hồ sơ cho họ. Khi đó sẽ phải chờ sự thông báo phản hồi của cơ quan chức năng Trung Quốc. Với mã số bị thu hồi thì các chủ mã số sẽ phải làm lại từ đầu.

Bà Hương cũng chia sẻ, Nghị định thư về xuất khẩu sầu riêng quy định rõ phải kiểm dịch lấy mẫu 2% trong hai năm đầu tiên. Nếu không kiểm soát chặt chẽ, để xảy ra vi phạm nhiều thì việc được giảm xuống 1% là rất khó.
Mặc dù đã kiểm tra tại Việt Nam nhưng sang Trung Quốc vẫn bị kiểm tra các lô hàng bình thường. Nếu hàng sang bên Trung Quốc mà vẫn phát hiện đất, lá… thì họ sẽ có các biện pháp xử lý lô hàng đó. Phổ cập hiện là khử trùng xông hơi tại cửa khẩu đến. Điều này sẽ gây tốn chi phí cho doanh nghiệp.
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đang kiến nghị Chính phủ cho phép xây dựng thêm 2 nghị định. Đó là nghị định về hướng dẫn cấp mã số, vùng trồng và cơ sở đóng gói; nghị định về các chế tài xử phạt trong lĩnh vực này.
“Việc xử phạt sẽ phải chờ khi có nghị định. Do đó công cụ quản lý hiện nay là quản lý chặt. Nếu vi phạm sẽ thu hồi, tạm dừng mã số không đảm bảo chất lượng. Nếu không thực hiện nghiêm thì việc đơn vị thực hiện tốt với chưa tốt sẽ như nhau”, bà Hương nêu rõ.
Trước đó, Cục Bảo vệ thực vật, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã có văn bản gửi các Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn gồm: Đồng Nai, Gia Lai, Đắk Lắk, Tây Ninh, Vĩnh Long, Long An, Bình Thuận, Tiền Giang, Bình Phước, Đồng Tháp, Trà Vinh và các Chi cục Kiểm dịch thực vật về việc kiểm soát đối tượng kiểm dịch thực vật tại các vùng trồng, cơ sở đóng gói xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc.
Theo đó, đối với trường hợp nhận thông báo vi phạm lần đầu, Cục Bảo vệ thực vật đề nghị địa phương tạm dừng sử dụng mã số, thông báo cho các chủ mã số thực hiện các biện pháp khắc phục và không thực hiện các hoạt động xuất khẩu sang Trung Quốc trong thời gian tạm dừng. Chỉ khôi phục mã số khi các vùng trồng, cơ sở đóng gói áp dụng biện pháp khắc phục đảm bảo yêu cầu của Tổng cục Hải quan Trung Quốc.
Đối với trường hợp mã số đã nhận thông báo vi phạm nhiều lần, Cục Bảo vệ thực vật đề nghị địa phương thông báo tạm dừng và thực hiện thủ tục thu hồi mã số vi phạm; thông báo kịp thời để đảm bảo các chủ mã số vùng trồng và cơ sở đóng gói này không thực hiện các hoạt động xuất khẩu.
Tuy nhiên, tính hiệu lực của các quy định không rõ ràng khiến nhiều doanh nghiệp đang có hàng ở cửa khẩu bất ngờ nhận được thông báo và gặp khó khăn trong xuất khẩu./.

Theo BNews/

Có thể bạn quan tâm