BNEWS Tình trạng thiếu tàu vận chuyển ô tô đã khiến cước phí tăng lên mức cao kỷ lục và hạn chế xuất khẩu xe điện của Trung Quốc sang châu Âu.
Các công ty vận tải đã loại bỏ hàng chục tàu chở ô tô cũ trong năm 2020, khi các nhà máy lắp ráp ô tô trên toàn thế giới ngừng hoạt động do tác động của đại dịch COVID-19, trong khi các tàu thay thế mới dự kiến chưa vận hành trong ba năm tới.
Tuy nhiên, nhu cầu ô tô trên toàn thế giới phục hồi nhanh hơn dự kiến, cùng với xuất khẩu của Trung Quốc tăng mạnh, khiến ngành vận chuyển ô tô rơi vào tình trạng thiếu tàu. Theo người đứng đầu một nhà phân phối ô tô lớn trên toàn cầu, hoạt động vận chuyển ô tô toàn cầu đang khá nóng, khi số lượng tàu vận chuyển hiện nay thấp hơn khoảng 10% so với mức trước đại dịch. Hiện tại, khi các hãng xe đã quay trở lại sản xuất, cùng với xuất khẩu mạnh mẽ của Trung Quốc, thị trường vận chuyển ô tô bằng đường biển đang trong một cuộc đua.
Theo hãng tư vấn Clarksons, số lượng ô tô được vận chuyển qua các đại dương ước tính tăng 17% vào năm 2023, lên mức cao kỷ lục 23,4 triệu chiếc, vượt qua kỷ lục trước đó được thiết lập vào năm 2018.
Nhập khẩu ô tô ở châu Âu tăng mạnh nhất trong tất cả các khu vực, với mức tăng 40% trong năm 2023.
Trung Quốc xuất khẩu khoảng 4,3 triệu ô tô trong năm 2023, so với mức chưa đến 1 triệu chiếc vào năm 2020. Nhật Bản và Hàn Quốc là những nhà xuất khẩu ô tô lớn khác.
Tình trạng thiếu tàu vận chuyển ô tô khiến giá thuê loại tàu này tăng lên 115.000 USD/ngày, cao hơn 10% so với năm 2022 và cao gấp bảy lần so với năm 2019.
Giám đốc nghiên cứu của Clarksons, Stephen Gordon, nói rằng thị trường rất thắt chặt một phần do có rất nhiều ô tô đang được vận chuyển bằng đường biển, trong khi chưa có nhiều tàu mới được đưa vào thị trường. Ông cho biết thêm, có 80 đơn đặt hàng tàu đóng mới trong năm 2023, nhưng mất khoảng ba năm để sản xuất và giao cho khách hàng.
Theo dữ liệu từ hãng môi giới tàu biển Braemar, số lượng tàu chở ô tô bị thải loại vào năm 2020 cao nhất kể từ năm 2016.
Theo các nhà phân tích, tình trạng thiếu tàu vận chuyển đang đặc biệt ảnh hưởng đến các thương hiệu Trung Quốc bán xe điện ở châu Âu. Các thương hiệu này đã tăng xuất khẩu do dư thừa công suất tại các nhà máy trong nước nhưng không có giải pháp thay thế nào cho vận tải đường biển.
Nhà phân tích Matthias Schmidt chuyên theo dõi doanh số bán xe điện ở châu Âu, cho biết, doanh số xuất khẩu sang châu Âu của nhiều hãng xe Trung Quốc phụ thuộc vào vận tải đường biển vì không có nhà máy tại khu vực này.
Các hãng xe Trung Quốc liên tục mở rộng thị phần ở châu Âu bằng nỗ lực tăng doanh số bán trong khu vực. Tuy nhiên, ông Schmidt lưu ý thị phần xe mang thương hiệu Trung Quốc hầu như không tăng trong khoảng thời gian từ tháng Chín đến tháng Mười năm ngoái. Theo ông, nguyên nhân chủ yếu là do các hạn chế về vận chuyển đường biển.
Dù nhiều hãng xe Trung Quốc có kế hoạch xây dựng các nhà máy ở châu Âu, nhưng dây chuyền sản xuất chưa thể vận hành cho đến cuối thập kỷ này.
Khoảng 25% số xe điện bán ra ở châu Âu đến từ Trung Quốc. Một phần trong số đó là các lô hàng xuất khẩu của Tesla, BYD và Polestar. Renault, BMW và Volvo Cars cũng sản xuất một số mẫu xe điện ở Trung Quốc để bán sang châu Âu.
Ông Schmidt cho biết, nhu cầu giảm xuống các mức thấp lịch sử trong đại dịch khiến hàng loạt tàu chở ô tô bị bán phế liệu. Nhưng hiện nay, các hãng vận chuyển ô tô tải đang nhận thấy cơ hội từ tình trạng nguồn cung tàu hạn chế để giữ mức giá cước cao nhất có thể.
Theo ông, vấn đề giá cước cao hiện gây đau đầu cho các hãng xe phụ thuộc vào những con tàu này. Dù lượng tàu đặt đóng mới cao kỷ lục, số tàu này có thể sẽ chưa đưa vào hoạt động trong ít nhất hai năm nữa trong khi nhu cầu phục hồi nhanh hơn dự kiến./.
Theo BNews/