Trang chủ Tiêu điểm Đẩy mạnh xuất khẩu cám gạo sang Trung Quốc

Đẩy mạnh xuất khẩu cám gạo sang Trung Quốc

đăng bởi vietnamjournal

BNEWS Chiều 26/5, Cục Chăn nuôi và Thú y (Bộ Nông nghiệp và Môi trường) tổ chức “Hội nghị triển khai Nghị định thư về xuất khẩu cám gạo sang Trung Quốc để sử dụng làm nguyên liệu thức ăn chăn nuôi”.

Phát biểu tại hội nghị, ông Phạm Kim Đăng, Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi và Thú y (Bộ Nông nghiệp và Môi trường) cho biết, những năm gần đây hệ thống văn bản quy phạm pháp luật lĩnh vực chăn nuôi và thú y liên tục được hoàn thiện, đến nay đã có 2 Luật, 9 Nghị định, 1 Quyết định của Thủ tướng Chính phủ, 1 chiến lược phát triển ngành kèm 5 đề án thực hiện chiến lược, 54 Thông thư, cùng hệ thống QCVN, TCVN đã được xây dựng, bổ sung và hoàn thiện.

Đây là khung pháp lý hết sức quan trọng giúp cho ngành chăn nuôi phát triển mạnh mẽ trong thời gian qua, đứng đầu Đông Nam Á về sản lượng thức ăn chăn nuôi (21 triệu tấn năm 2024), với sản lượng thực phẩm gồm thịt, trứng, sữa đáp ứng đủ nhu cầu của 100 triệu dân, gần 20 triệu lượt khách du lịch hàng năm và xuất khẩu một phần ra thế giới như thịt lợn sữa, thịt gà chế biến, trứng vịt nuối, mật ong, tổ yến. Tuy nhiên, các doanh nghiệp phải nhập khá nhiều nguyên liệu đầu vào phục vụ chăn nuôi như nguyên liệu sản xuất thức ăn, giống. Chính vì vậy, định hướng chiến lược chăn nuôi đặt ra yêu cầu giảm nhập khẩu, tăng cường xuất khẩu những sản phẩm có lợi thế. Theo ông Dương Tất Thắng, Cục trưởng Cục Chăn nuôi và Thú y, Trung Quốc là thị trường tiêu thụ nông sản lớn nhất của Việt Nam, đặc biệt là lĩnh vực trái cây, thủy sản, thức ăn chăn nuôi. Việt Nam có Đồng bằng sông Cửu Long là vựa lúa của châu Á và thế giới, với sản lượng cám gạo ước tính khoảng 4 triệu tấn mỗi năm, ngoài việc phục vụ thị trường chăn nuôi trong nước, Việt Nam có tiềm năng để xuất khẩu phục vụ thị trường Trung Quốc. Xuất phát từ thực tế đó, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trước đây, nay là Bộ Nông nghiệp và Môi trường đã tận dụng mọi cơ hội để đàm phán xuất khẩu các mặt hàng có lợi thế; trong đó có cám gạo. Cám gạo đã được xuất khẩu theo Bản ghi nhớ được ký lần đầu vào 30/5/2016, sau khi thỏa thuận này hết hiệu lực và được gia hạn lại từ tháng 5/2024. Nhưng do phân công đầu mối xử lý hồ sơ cám gạo chưa rõ ràng nên quá trình triển khai khá lúng túng và khó khăn.

Vì vậy, trước yêu cầu đàm phán lại, trước đây Bộ đã giao Cục Chăn nuôi làm đầu mối liên hệ với Hải quan Trung quốc để đàm phán và xây dựng nghị định thư này từ tháng 6/2024, sau gần 1 năm Nghị định thư đã được ký kết trong khuôn khổ chuyến thăm chính thức của Tổng Bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình vào tháng 4 năm 2025.

Việc ký kết Nghị định thư không chỉ mở ra cơ hội xuất khẩu chính ngạch cám gạo và cám gạo chiết ly làm thức ăn chăn nuôi, mà còn khẳng định vị thế của Việt Nam trong chuỗi cung ứng nông sản toàn cầu, góp phần gia tăng giá trị các phụ phẩm nông nghiệp Việt Nam. Để đảm bảo cám gạo và cám gạo chiết ly xuất khẩu sang Trung Quốc đáp ứng các tiêu chuẩn nghiêm ngặt, Nghị định thư về cám gạo đã quy định rõ các yêu cầu về an toàn thực phẩm và kiểm dịch thực vật. Cụ thể, sản phẩm không được chứa các vi khuẩn như Salmonella, nấm mốc, hoặc các thành phần biến đổi GEN chưa được Trung Quốc phê duyệt. Tuân thủ tiêu chuẩn quốc gia Trung Quốc như Tiêu chuẩn Vệ sinh thức ăn chăn nuôi GB13078 và Tiêu chuẩn Nhãn thức ăn chăn nuôi GB10648. Các doanh nghiệp sản xuất, chế biến cám gạo bảo đảm các điều kiện được Cục Chăn nuôi và Thú y rà soát và giới thiệu với Tổng cục Hải quan Trung Quốc (GACC); trong đó, cần thiết lập hệ thống HACCP và quy trình truy xuất nguồn gốc để đảm bảo vệ sinh và an toàn trong toàn bộ chuỗi cung ứng. Mỗi lô hàng xuất khẩu cần kèm theo giấy chứng nhận kiểm dịch thực vật, công bố vệ sinh an toàn do các cơ quan thuộc Bộ Nông nghiệp và Môi trường cấp. Ông Phạm Kim Đăng cho biết thêm, Cục Chăn nuôi và Thú y với vai trò là cơ quan quản lý nhà nước trong lĩnh vực chăn nuôi và thú y, cam kết đồng hành cùng các doanh nghiệp để triển khai hiệu quả Nghị định thư này. Cục hỗ trợ doanh nghiệp phê duyệt danh sách các doanh nghiệp đủ điều kiện xuất khẩu để giới thiệu với GACC. Kiểm tra, giám sát chất lượng để bảo đảm các các doanh nghiệp trong ngành hàng đều tuân thủ Nghị định thư về an toàn thực phẩm và các chỉ số vệ sinh khác. Cục sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ với Tổng cục Hải quan Trung Quốc (GACC) để đăng ký và cập nhật danh sách doanh nghiệp xuất khẩu trên website của GACC. Đồng thời, tổ chức tuyên truyền, đào tạo khi cần để phổ biến các quy định của Nghị định thư, giúp doanh nghiệp nắm rõ và tuân thủ các yêu cầu kỹ thuật. “Việc xuất khẩu cám gạo và cám gạo chiết ly sang Trung Quốc không chỉ là cơ hội kinh tế mà còn là động lực để ngành nông nghiệp Việt Nam nâng cao chất lượng sản xuất và chế biến. Cục Chăn nuôi và Thú y khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư vào công nghệ chế biến, tối ưu hóa giá trị phụ phẩm lúa gạo, đồng thời bảo vệ môi trường, đồng thời, nâng cao năng lực cạnh tranh, khẳng định chất lượng và độ an toàn của sản phẩm cám gạo Việt Nam” ông Phạm Kim Đăng nói. Để hiện thực hóa tiềm năng này, Cục Chăn nuôi và Thú y kêu gọi các doanh nghiệp, hiệp hội ngành hàng, và các cơ quan liên quan chủ động cập nhật các quy định của Nghị định thư, đầu tư vào công nghệ và quy trình sản xuất để đáp ứng tiêu chuẩn xuất khẩu; phối hợp với Cục Chăn nuôi và Thú y để hỗ trợ doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp mới trong việc tiếp cận thị trường Trung Quốc. Tăng cường tự kiểm tra, tự giám sát chất lượng tại các cơ sở sản xuất, bảo đảm nguồn nguyên liệu sạch và an toàn từ khâu đầu vào. Theo BNews/

Có thể bạn quan tâm