BNEWS Các nhà lãnh đạo G20, bao gồm các nền kinh tế hàng đầu và cũng là những quốc gia có lượng phát thải lớn trên thế giới, cần xem xét vấn đề tài chính khí hậu.
Thư ký điều hành Công ước khung của Liên hợp quốc (LHQ) về biến đổi khí hậu (UNFCCC), ông Simon Stiell, ngày 16/11 đã kêu gọi các quốc gia thuộc Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) thúc đẩy các cuộc đàm phán trong khuôn khổ Hội nghị lần thứ 29 Các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP29) đang diễn ra tại thủ đô Baku của Azerbaijan nhằm đạt được một thỏa thuận gây quỹ cho các quốc gia đang phát triển. Ông Stiell ghi nhận nỗ lực của các nhà đàm phán tại COP29 khi họp thâu đêm để đạt được mục tiêu mới về tài chính khí hậu. Tuy nhiên, ông cho rằng để đạt được mục tiêu này vẫn còn là một chặng đường dài phía trước, với những thách thức và khó khăn nhất định. Vì vậy, các nước G20 cũng đóng vai trò không kém phần quan trọng nhằm hỗ trợ những nỗ lực này. Trong một thông báo, ông Stiell cho rằng các nhà lãnh đạo G20, bao gồm các nền kinh tế hàng đầu và cũng là những quốc gia có lượng phát thải lớn trên thế giới, cần xem xét vấn đề tài chính khí hậu tại hội nghị thượng đỉnh của nhóm dự kiến diễn ra tại Brazil trong hai ngày 18-19/11.Theo ông, thế giới đang theo dõi và mong đợi những tín hiệu mạnh mẽ cho thấy hành động vì khí hậu là hoạt động cốt lõi của các nền kinh tế thuộc G20. Một trong những chủ đề “nóng” nhất của COP29 chính là vấn đề tài chính khí hậu, nơi các quốc gia thảo luận để tìm ra con số tài chính thích hợp nhằm hỗ trợ các nước nghèo ứng phó với biến đổi khí hậu. Mức cam kết ban đầu là 100 tỷ USD mỗi năm, nhưng nay con số này không đủ để đáp ứng nhu cầu thực tế. Các quốc gia đang phát triển kêu gọi nâng mức cam kết tài trợ hàng năm lên 1.300 tỷ USD, phần lớn dưới dạng viện trợ không hoàn lại thay vì cho vay, nhằm giúp các nước này thích ứng với tác động của biến đổi khí hậu và chuyển đổi sang năng lượng sạch. Tuy nhiên, các cuộc thảo luận đang diễn ra tại COP29 đang vấp phải những bất đồng, đặc biệt là việc thống nhất được con số cam kết tài chính hàng năm, loại hình tài trợ và bên chi trả. Ngoài ra, các nước phát triển muốn Trung Quốc và những quốc gia vùng Vịnh tham gia danh sách các nhà tài trợ. Mới đây, Chủ tịch Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) Christine Lagarde lên tiếng cảnh báo về khoảng cách giữa số tiền tài trợ cần thiết để thích ứng với cuộc khủng hoảng khí hậu và những gì đã được cam kết cho đến nay. Khi các đại biểu tham dự tại COP29 nỗ lực đạt được một thỏa thuận khó khăn nhằm tăng cường tài trợ cho hành động về khí hậu ở các nước đang phát triển, bà Lagarde cho biết “‘khoảng cách tài chính” đang ngày càng lớn. Bà chỉ ra những số liệu cho thấy nhu cầu tài chính “cao hơn 50% so với ước tính trước đây và lớn hơn tới 18 lần so với cam kết hiện tại”. Bà Lagarde nói chỉ riêng quá trình chuyển đổi năng lượng đã đòi hỏi đầu tư vào năng lượng sạch phải tăng gấp ba lần vào năm 2030. Bà trích dẫn các ước tính của Chương trình Môi trường Liên hợp quốc, theo đó phải chi tới 11.700 tỷ USD cho việc giảm thiểu biến đổi khí hậu hàng năm cho đến năm 2035 nhằm đáp ứng mục tiêu của Hiệp định Paris 2015 về khống chế mức tăng nhiệt độ toàn cầu dưới 2 độ C so với thời kỳ tiền công nghiệp. Con số này tương đương với khoảng 10% Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) toàn cầu. Bà Lagarde, người đã coi bảo vệ khí hậu là mục tiêu trọng tâm trong nhiệm kỳ Chủ tịch ECB của mình, nói rằng các hiện tượng thời tiết khắc nghiệt như lũ lụt nghiêm trọng gần đây ở Tây Ban Nha và các cơn bão ở Bắc Mỹ cho thấy cái giá phải trả cho việc không hành động ngày một lớn. Theo quan chức này, những hiện tượng thời tiết khắc nghiệt như vậy đang hủy hoại nền tảng của các nền kinh tế. Trong báo cáo công bố cuối tháng 9/2024, một nhóm nhà khoa học quốc tế cho biết biến đổi khí hậu đã làm tăng gấp đôi nguy cơ xảy ra mưa lớn gây lũ lụt, như trận lụt nghiêm trọng ở Trung Âu trong tháng 9/2024, đồng thời kêu gọi các nhà hoạch định chính sách hành động để ngăn chặn tình trạng nóng lên toàn cầu. Trận lũ lụt tồi tệ nhất tấn công Trung Âu trong ít nhất 2 thập kỷ qua đã khiến nhiều người thiệt mạng, gây ngập úng tại nhiều thị trấn, làm hư hại nhiều tòa nhà và cầu đường, buộc các chính phủ phải chi hàng tỷ USD cho công tác sửa chữa và khắc phục hậu quả. Các chuyên gia nhận định tình trạng biến đổi khí hậu đã làm tăng gấp đôi nguy cơ xảy ra những trận mưa lớn và mức độ nghiêm trọng tăng hơn 7%. Nhà nghiên cứu Joyce Kimutai tại Viện Grantham thuộc trường Imperial College London (Anh) và là đồng tác giả của nghiên cứu nhấn mạnh: “Một lần nữa, những trận lũ này làm nổi bật hậu quả tàn khốc của hiện tượng nóng lên toàn cầu do sử dụng nhiên liệu hóa thạch. Cho đến khi dầu mỏ, khí đốt và than đá được thay thế bằng năng lượng tái tạo, những cơn bão như Boris dự báo sẽ gây ra lượng mưa lớn hơn, dẫn đến lũ lụt có nguy cơ làm tê liệt nền kinh tế”. Báo cáo cũng chỉ ra rằng, mặc dù các yếu tố thời tiết gây ra cơn bão – bao gồm không khí lạnh từ dãy Alps và không khí ấm từ Địa Trung Hải và Biển Đen – là bất thường, nhưng biến đổi khí hậu đã làm cho những cơn bão này trở nên dữ dội hơn và có khả năng xảy ra thường xuyên hơn. Theo dự báo, với nhiệt độ tăng thêm 1,3 độ C so với mức trước thời kỳ công nghiệp, một cơn bão tương tự bão Boris có thể xảy ra trung bình khoảng 100-300 năm một lần. Tuy nhiên, nếu mức tăng 2 độ C, thì có thể dẫn đến lượng mưa tăng ít nhất 5% và tần suất xảy ra cao hơn khoảng 50% so với hiện tại, dự kiến sẽ xảy ra vào những năm 2050. Trong khi đó, một nghiên cứu mới sử dụng trí tuệ nhân tạo (AI) để phân tích khoảng 1.500 chính sách về biến đổi khí hậu đã xác định được những biện pháp có hiệu quả nhất trong việc giảm phát thải khí nhà kính. Kết quả cho thấy các chính sách kết hợp nhiều công cụ thường hiệu quả hơn so với các biện pháp đơn lẻ. Nghiên cứu được công bố trên tạp chí Science đã phát hiện 63 biện pháp can thiệp ở 35 quốc gia dẫn đến sự giảm phát thải đáng kể, trung bình cắt giảm 19% lượng khí thải. Phần lớn các kết quả này liên quan đến việc kết hợp từ 2 chính sách trở lên. Tổng cộng, 63 chính sách này đã cắt giảm từ 0,6 tấn CO2 đến 1,8 tỷ tấn CO2./. Theo BNews/