BNEWS Với giải pháp ONE FARM, VNPT Technology hướng đến sự đơn giản, ít tốn kém phù hợp với điều kiện kinh tế từ các hộ gia đình, hợp tác xã đến các trang trại đầu tư quy mô, dễ chuyển giao, dễ vận hành.
Nhận thức rõ tầm quan trọng của công nghệ trong chuyển đổi số ngành nông nghiệp, đón đầu làn sóng ứng dụng IoT ((Internet vạn vật) và các công nghệ nền tảng của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư tại Việt Nam, VNPT Technology đã tập trung nghiên cứu và ứng dụng các công nghệ vào chăn nuôi, trồng trọt trong sản xuất nông nghiệp.
Theo ông Trần Hữu Quyền, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty VNPT Technology, trong điều kiện hiện nay, việc triển khai các mô hình như nhà màng, nhà kính còn gặp nhiều trở ngại về kinh phí cũng như sự linh hoạt, khó nhân rộng trong thực tế.
“Thường chỉ có những doanh nghiệp lớn, có nguồn lực mới có thể đầu tư nguồn vốn lớn. Như nông dân mình 1 năm doanh thu 1 tỷ đồng thì làm sao có thể đầu tư giải pháp từ 4 – 5 tỷ đồng. Thậm chí việc bỏ ra mấy trăm triệu đồng đầu tư công nghệ cũng đã khiến họ phải suy nghĩ. Do vậy, VNPT Technology muốn tìm và mang tới một mô hình ứng dụng công nghệ hướng đến toàn dân”, ông Quyền chia sẻ.
Giải pháp nông nghiệp thông minh ONE FARM được phát triển trên nền tảng ONE IoT của VNPT Technology. Đây được đánh giá là giải pháp toàn diện, triển khai nhanh, dễ sử dụng với chi phí thấp.
Ứng dụng công nghệ IoT, tự động hóa vào quá trình sản xuất nông nghiệp từ khâu canh tác cho tới khâu phân phối sản phẩm ra thị trường, giúp tăng năng suất và chất lượng nông sản.
Giải pháp ONE FARM bao gồm các công cụ giám sát, điều khiển và quản lý quy trình, kiểm soát toàn bộ quá trình từ sản xuất đến thu hoạch, chế biến và vận chuyển theo chuẩn thiết kế đáp ứng các mô hình trang trại ứng dụng công nghệ cao.
Giải pháp ONE FARM có thể đáp ứng đa dạng các mô hình canh tác trong nông nghiệp, với khả năng tùy biến và mở rộng cao, giúp triển khai nhanh và linh hoạt các mô hình canh tác thực tiễn.
Theo ông Trần Hữu Quyền, điểm khác biệt lớn nhất của giải pháp ứng dụng công nghệ vào sản xuất nông nghiệp do VNPT Technology xây dựng và phát triển đó chính là ứng dụng công nghệ để tạo hệ sinh thái kết nối nhà nông với cây trồng, vật nuôi và với các chuyên gia nông nghiệp trên mọi miền đất nước cũng như các chuyên gia quốc tế.
Theo đó, công nghệ đóng vai trò hỗ trợ nông dân và các chuyên gia nông nghiệp để tăng hiệu quả sản xuất trong nông nghiệp. Như vậy, cần có một hệ thống bao gồm dữ liệu về chăm sóc cây trồng, vật nuôi được các chuyên gia liên tục cập nhật, điều chỉnh phù hợp với từng vùng miền, từng trang trại, từng loại vật nuôi, cây trồng.
Bên cạnh đó, bằng việc ứng dụng trí tuệ nhân tạo, cùng phân tích dữ liệu để tạo và làm giàu hệ tri thức về nuôi trồng theo thời gian, để từ đó đưa ra thông tin khuyến cáo cho người làm nông nghiệp. Đây chính là cách mà nhiều hãng công nghệ trên thế giới đang làm để ứng dụng vào nhiều lĩnh vực khác nhau của đời sống.
Hiện tại, VNPT Technology đang hợp tác với các Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Thông tin và Truyền thông, Sở Khoa học và Công nghệ và cả thông qua Đoàn thanh niên để triển khai nhiều dự án tại các địa phương. Với lợi thế chủ động về mặt sản phẩm và công nghệ, VNPT Technology có thể nhanh chóng triển khai các giải pháp phù hợp đặc điểm của từng địa phương, trang trại, mô hình nông nghiệp khác nhau, không bị cứng nhắc. Tùy hoàn cảnh, đặc điểm và cả ngân sách của đơn vị, địa phương mà có thể chỉ cần áp dụng công nghệ đến mức phù hợp, cho đến khi nào cần thì có thể đưa công nghệ ứng dụng ở mức cao hơn, phù hợp hơn với mô hình cũng như hoàn cảnh cụ thể.
Mức độ áp dụng công nghệ hoàn toàn không bị phụ thuộc vào công nghệ, mà phải tùy vào nhu cầu của bản thân địa phương, bản thân cơ sở sản xuất nông nghiệp mong muốn ứng dụng như thế nào và quan trọng hơn nữa là phải đảm bảo tối ưu hiệu quả ứng dụng công nghệ vào sản xuất nông nghiệp của cơ sở đó. Mục tiêu của VNPT Technology là đưa công nghệ hỗ trợ để phát triển ngành nông nghiệp tốt hơn.
Ông Quyền cho rằng, thực tế hiện nay công nghệ đều đã sẵn sàng để phục vụ nhiều nhu cầu trong sản xuất nông nghiệp, nhưng quan trọng người nông dân và doanh nghiệp có muốn đầu tư hay không, đó mới là vấn đề. Dĩ nhiên người thụ hưởng nào cũng muốn làm lớn, nhà sản xuất nào cũng muốn dùng máy móc thay thế sức người nhưng nguồn lực có hạn, họ phải cân nhắc các khoản đầu tư.
“Khi nông nghiệp vẫn còn sản xuất nhỏ thì khả năng ứng dụng công nghệ sẽ hạn chế. Do đó vai trò của các liên minh, hiệp hội trong việc khuyến khích sản xuất lớn là rất quan trọng. Chúng tôi đủ năng lực để đưa giải pháp toàn diện cho bà con nông dân nuôi tôm, nuôi cá, song công nghệ chỉ dừng ở mức hỗ trợ. Còn những vấn đề chuyên môn nông nghiệp cần có nhà khoa học nông, lâm ngư nghiệp giúp sức. Ví dụ, cần độ pH bao nhiêu, điều chỉnh lượng thức ăn nước uống thế nào để tối ưu cho thuỷ sản thì phải cần sự trợ giúp của nhà chuyên môn”, ông Quyền nhấn mạnh.
Theo ông Quyền, đây là vấn đề thay đổi tầm nhìn. Nếu mong muốn của nhà lãnh đạo doanh nghiệp muốn phát triển ngành nghề, phát triển công ty lớn mạnh hơn thì họ sẽ nghĩ đến việc áp dụng công nghệ hay bất cứ công cụ gì để gia tăng năng suất, nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh. Để giải pháp được nhân rộng hơn góp phần nâng cao hiệu quả sản xuất nông nghiệp, thúc đẩy phát triển kinh tế nông thôn, Việt Nam nhất thiết phải xây dựng một mạng lưới hợp tác ba bên gồm nhà khoa học, doanh nghiệp công nghệ và người nông dân để xây dựng mô hình sản xuất với một hệ tri thức nông nghiệp phù với điều kiện đặc thù của Việt Nam./.
Source: BNews