Trang chủ Tiêu điểm Hà Nội tạo bước đột phá trong cải cách hành chính

Hà Nội tạo bước đột phá trong cải cách hành chính

đăng bởi vietnamjournal

BNEWS Thành phố Hà Nội đang hướng tới một đô thị văn minh, thân thiện và ngày càng thuận tiện cho người dân.

Thành phố cũng đang nỗ lực lớn và quyết liệt trong cải cách hành chính để xứng đáng với danh hiệu “thành phố vì hòa bình”.

Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Trần Sỹ Thanh cho biết, cải cách hành chính là việc làm cấp bách để giảm phiền hà, thu hút tốt nguồn vốn đầu tư trong và ngoài nước vào địa bàn Thủ đô. Chính vì vậy, thành phố vừa ban hành nhiều quyết định tiết giảm hàng trăm thủ tục.
UBND thành phố Hà Nội đang tạo bước đột phá và đi đầu trong cả nước về mô hình “phân cấp quản lý nhà nước”. Thành phố đã xây dựng, thực hiện phân cấp quản lý nhà nước, ủy quyền trên địa bàn, trong đó rà soát 1.785 thủ tục hành chính và ủy quyền khoảng 708 thủ tục hành chính thuộc thẩm quyền của UBND thành phố cho các cấp.
Đáng chú ý, nội dung ủy quyền từ UBND thành phố về sở là 162 thủ tục; từ UBND thành phố về UBND cấp huyện 5 thủ tục; từ Chủ tịch UBND thành phố về sở là 3 thủ tục; từ Chủ tịch UBND thành phố về Chủ tịch UBND huyện gồm 17 thủ tục.
Bên cạnh đó, nội dung ủy quyền từ sở về trưởng phòng là 222 thủ tục; từ sở về UBND cấp huyện 82 thủ tục; từ sở về UBND cấp xã là 1 thủ tục; phòng thuộc sở về phòng thuộc UBND cấp huyện gồm 30 thủ tục.

Từ UBND cấp huyện về trưởng phòng cấp huyện là 71 thủ tục; từ UBND cấp huyện về cấp xã là 18 thủ tục; từ UBND cấp huyện về Ban Quản lý khu công nghiệp, chế xuất 4 thủ tục; phòng thuộc UBND cấp huyện về thủ trưởng cơ sở giáo dục 2 thủ tục.
Như vậy, trong tổng số 1.910 thủ tục hành chính toàn thành phố, ngoài thủ tục hành chính cấp xã (107) và thủ tục hành chính khiếu nại, tố cáo (18) không thực hiện rà soát, tổng số thủ tục hành chính được rà soát là 1.785.
Chánh Văn phòng UBND thành phố Hà Nội Trương Việt Dũng khẳng định, với khối lượng công việc và văn bản thủ tục rất lớn, việc ủy quyền cho các cấp giải quyết đã giảm áp lực cho cấp thành phố. Việc giải quyết thủ tục cho người dân và doanh nghiệp nhanh gọn hơn.
Thời hạn ủy quyền thống nhất các quyết định ủy quyền có hiệu lực từ ngày 1/1/2023 đến hết ngày 31/12/2023. Trước khi hết hạn ủy quyền 60 ngày, các cơ quan, đơn vị thực hiện đánh giá tính khả thi và tính thực tiễn, tham mưu việc tiếp tục thực hiện ủy quyền hoặc phân cấp thủ tục hành chính theo quy định của pháp luật, Chánh Văn phòng UBND thành phố cho biết thêm.
Chủ tịch UBND thành phố giao Giám đốc, Thủ trưởng các sở, ban, ngành, Chủ tịch UBND các quận, huyện, thị xã, Chủ tịch UBND các xã, phường, thị trấn theo thẩm quyền chủ trì, phối hợp với cơ quan liên quan tham mưu, thực hiện việc ủy quyền, nhận ủy quyền theo quy định của pháp luật và chỉ đạo của UBND thành phố.
Hiện nay, mỗi ngày, UBND thành phố Hà Nội giải quyết lượng công việc lớn, trong đó phải tập trung giải quyết quyết liệt, nhanh chóng các chỉ đạo của cấp trên. Riêng năm 2022, UBND thành phố đã nhận được 927 văn bản của Thành ủy, các Ban Đảng của Thành ủy, trong đó có 585 nhiệm vụ Bí thư Thành ủy, Thường trực, Ban Thường vụ Thành ủy giao.
Ban cán sự Đảng UBND thành phố luôn chủ động, tích cực triển khai kịp thời và đã hoàn thành 550 nhiệm vụ (đạt 94%); đang thực hiện 35 nhiệm vụ (chiếm 6%). Thực hiện Quy chế làm việc của Ban Chấp hành Đảng bộ thành phố khóa XVII, UBND thành phố đã tham mưu Ban Cán sự đảng UBND thành phố chủ trì báo cáo, trình Ban chấp hành Đảng bộ thành phố phê duyệt, thông qua 17 nội dung công tác lớn của Thành ủy, trình 680 đề án, dự án, nội dung công việc báo cáo Thành ủy và tại các hội nghị của Thường trực Thành ủy, Ban Thường vụ Thành ủy.
Năm 2022, UBND thành phố tập trung chỉ đạo thực hiện kết luận giám sát, chất vấn của HĐND, các Ban HĐND thành phố, kiến nghị của cử tri trước và sau các kỳ họp. Cụ thể, UBND thành phố nhận được 402 văn bản của HĐND thành phố, trong đó gồm 34 nghị quyết về cơ chế, chính sách là căn cứ, cơ sở pháp lý quan trọng để thành phố sử dụng hiệu quả nguồn lực, tạo chủ động trong thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội Thủ đô.
UBND thành phố chuẩn bị nội dung báo cáo tại kỳ họp, góp phần nâng cao chất lượng các kỳ họp HĐND thành phố; nâng cao hiệu quả công tác tiếp xúc cử tri; phối hợp lấy ý kiến các tầng lớp nhân dân và phản biện xã hội đối với những vấn đề người dân quan tâm; kiểm tra, đôn đốc tiến độ, chất lượng trả lời và phối hợp giải quyết vấn đề dân sinh bức xúc, kiến nghị của cử tri.

Cụ thể, UBND thành phố chỉ đạo chuẩn bị 80 nội dung trình các kỳ họp của HĐND thành phố; chỉ đạo trả lời 573 câu hỏi, kiến nghị của cử tri. Bên cạnh đó, phân công các sở, ban, ngành dự cuộc tiếp xúc cử tri của đại biểu HĐND thành phố để nắm tình hình cơ sở, tiếp thu, giải đáp kiến nghị của cử tri thuộc trách nhiệm, thẩm quyền của ngành, cấp mình…
UBND thành phố tiếp tục đổi mới công tác chỉ đạo, điều hành với tinh thần sâu sát, quyết liệt theo phương châm “rõ người, rõ việc, rõ quy trình, rõ trách nhiệm và rõ hiệu quả”, “một việc – một đầu mối xuyên suốt”. Trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, Chủ tịch, các Phó Chủ tịch UBND thành phố và ủy viên UBND thành phố bám sát nhiệm vụ để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc.
Tính đến đầu tháng 12/2022, UBND thành phố Hà Nội đã tiếp nhận và xử lý 77.229 văn bản các loại cấp Trung ương và địa phương. Năm 2023, UBND thành phố đẩy mạnh cải cách hành chính, sắp xếp bộ máy, siết chặt kỷ luật, kỷ cương, nâng cao trách nhiệm người đứng đầu; chú trọng công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí; thực hiện mạnh phân cấp quản lý nhà nước trong từng ngành, lĩnh vực, đảm bảo đồng bộ, đầy đủ.
Thành phố tiếp tục rà soát, kiện toàn tổ chức, bộ máy, biên chế, thủ tục hành chính để đảm bảo triển khai tốt nhiệm vụ phân cấp, ủy quyền theo kế hoạch; đẩy nhanh tiến độ thực hiện đầu tư xây dựng các huyện Hoài Đức, Gia Lâm, Thanh Trì, Đông Anh, Đan Phượng thành quận. Song song với đó là tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý nhà nước, xây dựng chính quyền số; nâng cao thứ hạng các chỉ số PCI, PAR INDEX, PAPI, SIPAS…/.

Theo BNews/

Có thể bạn quan tâm