
BNEWS Hướng tới kỷ niệm 50 năm Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, các công trình, dự án trọng điểm quốc gia và các công trình lớn đồng loạt khởi công, khánh thành trên khắp cả nước.
Trong không khí tưng bừng những ngày tháng 4 lịch sử, hướng tới kỷ niệm 50 năm Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 – 30/4/2025), các công trình, dự án trọng điểm quốc gia và các công trình lớn đồng loạt khởi công, khánh thành trên cả 3 miền Bắc – Trung – Nam góp phần khẳng định tầm quan trọng về đột phá hạ tầng trong phát triển kinh tế – xã hội, mở ra không gian phát triển của nền kinh tế.
Ngày 19/4, Bộ Xây dựng sẽ tổ chức lễ thông xe kỹ thuật 4 dự án thành phần cao tốc Bắc – Nam phía Đông giai đoạn 2021 – 2025, đây đều là các dự án trọng điểm nằm trong kế hoạch hoàn thành 3.000 km đường cao tốc trong năm 2025.
Theo đó, Dự án thành phần đoạn Vân Phong – Nha Trang thuộc Dự án xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc – Nam phía Đông giai đoạn 2021 – 2025 do Ban Quản lý dự án 7 là chủ đầu tư sẽ tổ chức khánh thành đưa vào khai thác ngay sau đó, lúc 6 giờ sáng ngày 20/4, tổng chiều dài toàn tuyến hơn 83 km.
Ngoài ra, 3 dư án thành phần Dự án xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc – Nam phía Đông giai đoạn 2021-2025 sẽ thông xe kỹ thuật ngày 19/4, dự kiến đến ngày 28/4/2025 đưa vào khai thác tuyến chính, hoàn thành dự án trước 30/6/2025.
3 dự án thành này là dự án thành phần đoạn Bãi Vọt – Hàm Nghi do Ban Quản lý dự án Thăng Long là chủ đầu tư, có chiều dài hơn 35 km qua địa bàn tỉnh Hà Tĩnh, tổng mức đầu tư hơn 7.600 tỷ đồng. Cao tốc Hàm Nghi – Vũng Áng do Ban Quản lý dự án Thăng Long là chủ đầu tư, dài hơn 54 km qua địa bàn tỉnh Hà Tĩnh, tổng mức đầu tư hơn 10.000 tỷ đồng. Cao tốc Bùng – Vạn Ninh do Ban Quản lý dự án 6 là chủ đầu tư, dài gần 49 km qua địa phận tỉnh Quảng Bình, tổng mức đầu tư gần 9.400 tỷ đồng.
Như vậy, việc đưa vào khai thác 4 dự án thành phần cao tốc trên vào dịp lễ 30/4 – 1/5 sẽ nâng tổng số km đường cao tốc từ Bắc vào Nam lên hơn 2.200 km, dần rút ngắn khoảng cách với mục tiêu 3.000 km đường cao tốc trên cả nước trong năm 2025.
“Khi hoàn thành dự án sẽ mở ra không gian phát triển mới, các khu đô thị, khu công nghiệp, khu dịch vụ cho các địa phương, tạo công ăn việc làm cho người dân và doanh nghiệp, tăng giá trị gia tăng của đất đai, thuận lợi cho kêu gọi xúc tiến đầu tư, giảm chi phí logistics, tăng tính cạnh tranh của hàng hóa và nền kinh tế”, phía Bộ Xây dựng nhận định.
Theo Bộ Xây dựng, 4 dự án này và 8 dự án thành phần Dự án xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc – Nam phía Đông giai đoạn 2021 – 2025 đang được đẩy nhanh tiến độ thi công góp phần trực tiếp thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công để đạt mục tiêu tăng trưởng theo kế hoạch.
Bộ trưởng Xây dựng Trần Hồng Minh cho hay: Năm 2025, dù tình hình kinh tế có nhiều diễn biến phức tạp nhưng Bộ Xây dựng vẫn quyết tâm hoàn thành nhiệm vụ được giao, góp phần thực hiện thành công mục tiêu tăng trưởng 8% trở lên; tạo nền tảng vững chắc để đạt tốc độ tăng trưởng hai con số trong những năm tiếp theo.
“Đảng đã chỉ đạo, các Nghị quyết cũng đã được ban hành, nhiệm vụ là phải đảm bảo đạt được mục tiêu tăng trưởng đề ra, phấn đấu lên mức 2 con số. Đây chính là khát vọng của cả dân tộc trong kỷ nguyên mới”, Tư lệnh ngành xây dựng nhấn mạnh.
Cùng ngày 19/4, Bộ Xây dựng sẽ tổ chức hợp long Dự án cầu Rạch Miễu 2 do Ban Quản lý dự án Mỹ Thuận là chủ đầu tư. “Sự kiện hợp long chính cầu Rạch Miễu vượt tiến độ 4 tháng là bước chuyển quan trọng, giúp chủ đầu tư, các đơn vị thi công nỗ lực hoàn thành công trình trước ngày 30/10/2025”, phía Bộ Xây dựng thông tin.
Đây là cây cầu dây văng nối 2 tỉnh Tiền Giang và Bến Tre có tổng mức đầu tư hơn 6.810 tỷ đồng từ nguồn vốn ngân sách Nhà nước. Dự án có tổng chiều dài 17,6 km, được khởi công từ tháng 3/2021, với kỳ vọng từng bước hoàn thiện mạng lưới giao thông trong khu vực, xóa nút thắt giao thông trên Quốc lộ 60, khơi thông tuyến huyết mạch Đồng bằng sông Cửu Long, thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội, đảm bảo quốc phòng, an ninh địa phương và khu vực.
Không chỉ ghi dấu với các đoạn, tuyến cao tốc hay hợp long cầu, các công trình, dự án trọng điểm quốc gia khởi công, khánh thành đợt này cũng điểm tên nhà ga T3 Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất.
Dự án nhà ga T3 Tân Sơn Nhất khánh thành ngày 19/4 có tổng mức đầu tư gần 11.000 tỷ đồng, được thiết kế có công suất 20 triệu hành khách/năm, đáp ứng 7.000 hành khách/giờ cao điểm. Nhà ga T3 có công suất 20 triệu hành khách/năm và các công trình phụ trợ đồng bộ, phục vụ khai thác nội địa tại sân bay Tân Sơn Nhất đáp ứng yêu cầu khai thác, phù hợp với quy hoạch và phân chia sản lượng khai thác giữa sân bay Long Thành và sân bay Tân Sơn Nhất, giảm tải cho nhà ga T1 hiện đang quá tải, nâng cao chất lượng phục vụ hành khách.
Theo đại diện Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV), nhà ga T3 không chỉ là một điểm trung chuyển hàng không, mà còn là biểu tượng của sự phát triển, mang đến những trải nghiệm vượt trội và đáng nhớ cho mỗi hành khách trên hành trình. Việc đưa vào khai thác nhà ga này sẽ góp phần đưa Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất tiến gần hơn đến mục tiêu trở thành trung tâm hàng không hàng đầu khu vực châu Á.
Trước đó, ngày 17/4, nhà ga T3 Tân Sơn Nhất đã khai thác chuyến bay đầu tiên, từ sân bay Tân Sơn Nhất (TP. Hồ Chí Minh) đi Vân Đồn (Quảng Ninh) của Hãng hàng không quốc gia Việt Nam (Vietnam Airlines).
Theo ghi nhận của phóng viên TTXVN, ngay sau khi những hành khách đầu tiên đặt chân đến và rời đi từ nhà ga hành khách T3, nhiều phản hồi tích cực đã được ghi nhận. Hành khách bày tỏ sự ngạc nhiên về không gian rộng rãi, thoáng đãng. Các khu vực làm thủ tục được bố trí khoa học, giúp cho di chuyển dễ dàng và nhanh chóng.
Tới đây, tại nhà ga T3 Tân Sơn Nhất cũng sẽ thí điểm giải pháp ứng dụng định danh, xác thực điện tử và nhận diện sinh trắc học phục vụ thủ tục lên tàu bay, giúp rút ngắn thời gian chờ đợi, đặc biệt trong cao điểm lễ Tết với hành khách.
Việc hàng loạt công trình, dự án trọng điểm quốc gia và các công trình lớn cùng khởi công ngày trước ngày lễ lịch sử của đất nước một lần nữa ghi nhận nỗ lực, tinh thần “vượt nắng, thắng mưa”, “ăn tranh thủ, ngủ khẩn trương”, thi công “3 ca 4 kíp” của các chủ đầu tư, ban quản lý dự án, nhà thầu và từng người lao động để hoàn thành vượt tiến độ đề ra với từng hạng mục công trình và cả dự án.
Năm 2025 có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, là năm tăng tốc, bứt phá về đích để thực hiện thắng lợi Kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội 5 năm 2021 – 2025, đây cũng là năm diễn ra nhiều sự kiện quan trọng, trọng đại của đất nước. Từ nay đến cuối năm, một loạt công trình, dự án trọng điểm quốc gia và các công trình lớn sẽ phấn đấu khởi công, khánh thành như cầu Ninh Cường vượt sông Ninh Cơ trên Quốc lộ 37B; mở rộng cao tốc La Sơn – Hòa Liên; nâng cấp, cải tạo Quốc lộ 24B đoạn Km23-Km29; hạng mục đường cất hạ cánh Cảng hàng không quốc tế Long Thành…
Qua đó nâng cao khả năng kết nối hạ tầng, đảm bảo hoạt động vận tải trên tất cả lĩnh vực thông suốt, an toàn, thuận lợi, phục vụ kịp thời cho nhân dân và phát triển kinh tế – xã hội, góp phần bảo đảm quốc phòng, an ninh cho đất nước.
Theo BNews/