Sinh kế biển đang ngày càng phát triển và mở rộng về phạm vi, lĩnh vực hoạt động, phù hợp với nhu cầu thực tế và chủ trương phát triển bền vững kinh tế biển của nước ta.
Tuy nhiên, có thể thấy các vùng ven biển và biển Việt Nam ngày càng bị đe dọa trước sự gia tăng của các hiện tượng biến đổi khí hậu cực đoan như mực nước biển dâng, bão…; đại dịch COVID-19 ảnh hưởng nghiêm trọng đến các hoạt động sản xuất và sinh kế của người dân. Các sinh kế chính chịu những ảnh hưởng trực tiếp nhất là ngành thủy sản (đặc biệt là nuôi trồng), nông nghiệp, du lịch và vận tải biển. Điều này sẽ trực tiếp tác động tới cộng đồng ven biển vốn phụ thuộc nhiều vào các nguồn tài nguyên thiên nhiên, đặc biệt là tài nguyên thủy sản.
Cần có chiến lược sinh kế biển cho ngư dân
Theo Tổng cục Trưởng Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam (Bộ Tài nguyên và Môi trường) Tạ Đình Thi, nước ta cần có những chiến lược sinh kế biển cụ thể cho ngư dân trong tương lai; quản lý và phát triển kinh tế biển gắn chặt với bảo vệ môi trường là điều hết sức quan trọng để Việt Nam hướng tới các mục tiêu của thập kỷ, vì một “đại dương an toàn”, “đại dương thấu hiểu” và “đại dương tường minh”. Lấy việc sử dụng hợp lý tài nguyên và bảo vệ môi trường biển là những yếu tố nền tảng cho phát triển kinh tế biển hiệu quả và bền vững dựa trên việc bảo toàn nguồn vốn tự nhiên biển; bảo vệ và đầu tư cho các hệ sinh thái biển, ven biển, hải đảo. Bên cạnh đó, các cơ quan liên quan cần tăng cường giám sát, rà soát và quản lý các nguồn thải gây ô nhiễm ra môi trường biển; đầu tư, thiết lập hệ thống quan trắc, giám sát môi trường tại các địa phương; đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức của cộng đồng về những tác hại của các vấn đề môi trường xuyên biên giới đối với tài nguyên và môi trường biển trong khu vực…
Ngày Đại dương thế giới năm 2021 đánh dấu sự khởi động của Thập kỷ khoa học đại dương vì sự phát triển bền vững của Liên hợp quốc (2021-2030); khuyến khích nỗ lực bảo vệ, thu thập, ứng dụng các khoa học đại dương thông qua các ý tưởng sáng tạo và chuyển đổi, làm cơ sở thông tin để hỗ trợ phát triển bền vững tài nguyên, môi trường biển. Do đó, có thể thấy vấn đề bảo vệ đại dương, khai thác, sử dụng bền vững tài nguyên, môi trường biển và muốn thực hiện được các mục tiêu đề ra trong Nghị quyết 36-NQ/TW cần thúc đẩy sự vào cuộc mạnh mẽ của các bộ, ngành, địa phương, các bên liên quan và sự chung tay của toàn xã hội.
Tổng cục trưởng Tạ Đình Thi nhấn mạnh, đại dương hứng chịu những tác động nghiêm trọng do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, nước biển dâng, ô nhiễm và suy thoái môi trường, suy giảm đa dạng sinh học. Điều này cũng có nghĩa là sự phát triển, tồn vong của nhiều dân tộc, quốc gia bị đe dọa. Những thách thức này ngày càng bị trầm trọng hơn do đại dịch COVID-19 đang gây ra những hệ lụy to lớn và làm phân tán nguồn lực dành cho các nỗ lực phát triển kinh tế biển và bảo vệ đại dương. Vì vậy, nước ta cần khẩn trương hành động và tăng cường khả năng thích ứng ngay từ bây giờ bằng các biện pháp như: Nâng cao năng lực thích ứng của cộng đồng, sự tham gia của mọi người dân, tăng cường khả năng chống chịu của tất cả các ngành, lĩnh vực trong giai đoạn bị ảnh hưởng nặng nề của dịch COVID -19 đến nền kinh tế của Việt Nam nói chung và kinh tế biển nói riêng. Nước ta cũng cần tăng cường hợp tác quốc tế nhằm tìm kiếm sự hỗ trợ về tài chính và công nghệ phục vụ phát triển bền vững kinh tế biển và đảm bảo bảo vệ tài nguyên môi trường biển.
Về nội lực, nước ta cần thúc đẩy quan hệ đối tác nhiều bên, khuyến khích, thu hút sự tham gia của các doanh nghiệp, các nhà khoa học, cộng đồng dân cư và các tổ chức phi chính phủ vào các hoạt động bảo vệ môi trường biển, đảo. Cùng với đó, các cơ chế, chính sách cần tiếp tục được hoàn thiện và xây dựng để phù hợp với tình hình mới, đặc biệt là với các nội dung như: bảo đảm sinh kế bền vững cho cộng đồng dân cư ven biển; chính sách đồng quản lý tài nguyên và môi trường biển dựa vào cộng đồng; chính sách khuyến khích bảo vệ, phục hồi các hệ sinh thái biển để tạo nên những hệ sinh thái tự nhiên vùng bờ quan trọng cho môi trường biển…
Để phát triển bền vững sinh kế biển, đặc biệt trong bối cảnh môi trường và con người đang chịu các tác động tiêu cực của dịch COVID-19 và biến đổi khí hậu, nước biển dâng, cần sử dụng hợp lý và tiết kiệm tài nguyên biển. Đây là nguồn tài nguyên tái tạo, là nền tảng đối với phát triển bền vững các ngành kinh tế sinh thái của đất nước. Cùng với đó, nước ta cần kết hợp hài hòa giữa khai thác tài nguyên khoáng sản, chế biến sâu với bảo vệ môi trường, bảo tồn đa dạng sinh học biển.
Ngoài ra, công tác giảm thiểu suy thoái và ô nhiễm môi trường biển và vùng ven biển cũng cần được chú trọng, nhất là ô nhiễm rác thải nhựa kết hợp với xử lý ô nhiễm, cải thiện môi trường và bảo tồn thiên nhiên; tăng cường bảo tồn đa dạng sinh học, chú trọng sử dụng hợp lý các tài nguyên thiên nhiên, kết hợp phát huy nội lực với tăng cường hợp tác quốc tế trong bảo vệ môi trường, phát triển bền vững; quan tâm phát triển một số ngành kinh tế dựa vào khai thác tài nguyên đa dạng sinh học biển như rừng ngập mặn, dược liệu biển, nuôi trồng và chế biến rong, tảo, cỏ biển…
Đối với công tác quản lý tổng hợp và thống nhất biển, hải đảo, Bộ Tài nguyên và Môi trường hướng tới áp dụng và thực thi các giải pháp và giải quyết các vấn đề mang tính liên ngành, liên cơ quan, liên vùng, liên kết với cộng đồng và các bên liên quan và quản lý không gian biển dựa trên cách tiếp cận hệ sinh thái; phát triển đa ngành, sử dụng đa mục tiêu (tối ưu hóa) và bảo đảm đa lợi ích (các bên cùng có lợi) giữa nhà nước, tư nhân, các bên liên quan và cộng đồng địa phương, cũng như giảm thiểu mâu thuẫn lợi ích giữa các ngành trong quá trình khai thác sử dụng các hệ thống tài nguyên – môi trường biển, ven biển và hải đảo.
Bên cạnh đó, một trong những giải pháp hữu hiệu để bảo vệ và phát triển bền vững sinh kế biển là tăng cường phối hợp với các quốc gia và các tổ chức quốc tế trong việc tìm kiếm các nguồn tài trợ, giúp đỡ về tài chính và kỹ thuật nhằm tăng cường năng lực trong công tác bảo tồn đa dạng sinh học biển tại vùng biển quốc gia và vùng biển quốc tế; nghiên cứu, đề xuất cơ chế, chính sách hợp tác xây dựng các khu bảo tồn biển liên quốc gia với các nước trong khu vực và các tổ chức quốc tế.
Hiện Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam đang xây dựng và áp dụng các công cụ kinh tế trong quản lý môi trường biển như: lệ phí ô nhiễm, lệ phí xả thải, phí sử dụng biển, phí sản phẩm, lệ phí hành chính thuế, cấp phép và thu hồi giấy phép khai thác, sử dụng biển, đảo, các quỹ môi trường biển và các khoản trợ cấp khác. Đồng thời, các công cụ pháp lý liên quan đến hệ thống kiểm tra, kiểm soát liên ngành trong kiểm soát môi trường biển cũng được xây dựng, hoàn thiện như: tiêu chuẩn môi trường, đánh giá tác động môi trường, quan trắc cảnh báo môi trường, xác định các điểm nóng môi trường hoặc ô nhiễm, các loại giấy phép và biện pháp kiểm soát sử dụng đất ven biển và mặt nước biển và hải đảo…
Hoàng Nam (TTXVN)