Trang chủ Trong nước Làn sóng dịch COVID-19 thứ tư ảnh hưởng đến đà phục hồi

Làn sóng dịch COVID-19 thứ tư ảnh hưởng đến đà phục hồi

đăng bởi vietnamjournal

GDP của Việt Nam tăng 6,61% trong quý 2/2021 bất chấp làn song dịch COVID-19 lần thứ tư.

Mặc dù dịch COVID-19 bùng phát trong cộng đồng lần thứ tư diễn biến phức tạp, GDP của Việt Nam vẫn tăng trưởng 6,61% trong quý 2/2021 và 5,64% trong nửa đầu năm 2021 (so với mức tăng 1,82% trong nửa đầu năm 2020 và 6,77% trong nửa đầu năm 2019).

  • Trong 3 khu vực chính của nền kinh tế, khu vực Công nghiệp/Xây dựng ghi nhận mức tăng trưởng cao nhất 8,36% trong 6 tháng đầu năm 2021 (+2,91% trong cùng kỳ năm 2020). Đáng chú ý, ngành sản xuất/chế biến/chế tạo đã ghi nhận mức tăng 11,42% , là mức tăng cao thứ hai trong cùng kỳ giai đoạn 2012-2021 (6 tháng đầu năm 2018 tăng 12,87%), đóng góp 51,4% trong tăng trưởng GDP.
  • Các biện pháp giãn cách cách xã hội được áp dụng ở nhiều tỉnh/thành phố đã tác động lớn đến khu vực Dịch vụ. Tuy nhiên, khu vực này vẫn ghi nhận tăng trưởng 3,96% trong 6 tháng đầu năm 2021 (so với mức tăng 0,46% trong cùng kỳ năm 2020).
  • Mặc dù khu vực Nông/Lâm/Ngư nghiệp chỉ tăng trưởng 3,82% trong 6 tháng đầu năm 2021, kết quả này vẫn là mức tăng cao nhất trong cùng kỳ giai đoạn 2012-2021.

Theo đánh giá của VCSC, kỳ vọng tăng trưởng GDP năm 2021 sẽ được điều chỉnh giảm từ 6,7% xuống 5,5% dựa trên các giả định sau:

  • Sự gia tăng của các ca nhiễm COVID-19 trong cộng đồng ở các tỉnh phía Nam – đặc biệt là ở TP. HCM – có thể dẫn đến những biện pháp dãn cánh cao hơn ở các tỉnh/thành phố này và sẽ ảnh hưởng đến tăng trưởng kinh tế quý 3. Tuy nhiên, chúng tôi giả định tình hình dịch bệnh sẽ được kiểm soát trong quý 3.
  • Tốc độ tiêm chủng tại Việt Nam sẽ nhanh hơn trong nửa cuối năm và sự phục hồi kinh tế toàn cầu đang diễn ra sẽ giúp hạn chế tác động tiêu cực đến nền kinh tế. Ngành sản xuất/chế biến/chế tạo của Việt Nam sẽ tiếp tục được hưởng lợi từ sự phục hồi mạnh mẽ của kinh tế toàn cầu.
  • Rủi ro đối với kỳ vọng của chúng tôi bao gồm (1) nếu làn sóng dịch COVID-19 thứ tư kéo dài sang quý 4/2021 và/hoặc (2) các biện pháp giãn cách cách xã hội được thực hiện trên toàn quốc để ngăn chặn sự lây lan của dịch bệnh.

Ngành sản xuất chế biến, chế tạo ghi nhận tăng trưởng mạnh trong 6 tháng đầu năm 2021. Chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) tăng 9,3% YoY trong 6 tháng đầu năm 2021 (cùng kỳ năm 2020 tăng 2,6%). Tuy nhiên, theo IHS Markit, Chỉ số Nhà quản trị mua hàng của Việt Nam (PMI) đã giảm mạnh xuống 44,1 điểm trong tháng 6 từ mức 53,1 điểm trong tháng 5, cho thấy các điều kiện kinh doanh suy giảm mạnh nhất trong hơn 1 năm qua và kết thúc giai đoạn tăng kéo dài 6 tháng liên tiếp. Hoạt động sản xuất có thể bị ảnh hưởng trong các tháng tiếp theo do các ca nhiễm COVID-19 gia tăng ở các tỉnh phía Nam. Tuy nhiên, chúng tôi kỳ vọng nhu cầu toàn cầu phục hồi mạnh mẽ sẽ giúp thúc đẩy hoạt động xuất khẩu và sản xuất của Việt Nam.

Số ca nhiễm COVID-19 gia tăng làm giảm đà phục hồi của doanh thu bán lẻ. Tổng doanh thu bán lẻ 6 tháng đầu năm 2021 tăng 4,9% so với cùng kỳ và tăng 3,6% nếu loại trừ yếu tố giá (cùng kỳ năm 2020 giảm lần lượt 1,1% và 5,8%). Tuy nhiên, tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ tháng 6/2021 đã giảm 6,6% so với tháng 6/2020 do các biện pháp giãn cách xã hội ở nhiều khu vực trên cả nước. Các nỗ lực tăng cường các biện pháp giãn cách xã hội của Chính phủ nhằm kiểm soát các ca nhiễm COVID-19 gia tăng ở các tỉnh miền Nam có thể tiếp tục ảnh hưởng đến tiêu dùng trong nước đến cuối quý 3/2021.

Ngân sách nhà nước ghi nhận thặng dư 3,5 tỷ USD trong 6 tháng 2021 do thu ngân sách tăng mạnh và giải ngân đầu tư công chậm. Theo Bộ Tài chính (MoF), thu ngân sách Nhà nước đạt 775 nghìn tỷ đồng (33,7 tỷ USD, +15,3% YoY) trong 6 tháng 2021. Trong khi đó, chi ngân sách Nhà nước giảm 4,8% YoY đạt 694,4 nghìn tỷ đồng (30,2 tỷ USD) do giải ngân cho đầu tư phát triển đến cuối tháng 6 chỉ mới hoàn thành 29,02% kế hoạch năm 2021 (so với mức 33,04% trong cùng kỳ 2020).

Vốn đăng ký của các dự án FDI cấp mới và tăng thêm vẫn duy trì ổn định trong 6 tháng đầu năm 2021. Tổng giải ngân vốn FDI trong 6 tháng đầu năm 2021 tăng 6,8% so với cùng kỳ đạt 9,2 tỷ USD, trong khi vốn đăng ký cho các dự án mới/tăng thêm và góp vốn mua cổ phần giảm 2,6% đạt 15,3 tỷ USD. Trong tổng số vốn đăng ký, vốn đăng ký của các dự án cấp mới và tăng thêm tăng lần lượt 13,2% và 10,6% đạt 9,5 tỷ USD và 4,1 tỷ USD. Việc triển khai tiêm chủng nhanh chóng trên toàn cầu sẽ giúp khởi động các hoạt động nghiên cứu khả thi cho các dự án mới và tiếp tục hỗ trợ cho dòng vốn FDI vào Việt Nam. Ngoài ra, các FTA sẽ tiếp tục giúp thu hút các đầu tư nước ngoài vào Việt Nam.

Hoạt động thương mại phục hồi mạnh trong 6 tháng đầu năm 2021 nhờ nhu cầu toàn cầu tăng. Theo ước tính của Tổng Cục Thống kế (TCTK), kim ngạch xuất khẩu và nhập khẩu của Việt Nam trong 6 tháng năm 2021 đạt 157,6 tỷ USD (+28,4% YoY so với 0,2% trong cùng kỳ 2020) và 159,1 tỷ USD (+36,1% YoY so với -3,3% trong cùng kỳ 2020). Theo đó, Việt Nam ghi nhận nhập siêu 1,5 tỷ USD trong nửa đầu năm (cùng kỳ 2020 xuất siêu 5,9 tỷ USD). Chúng tôi kỳ vọng nhu cầu toàn cầu phục hồi mạnh mẽ sẽ tiếp tục thúc đẩy hoạt động thương mại trong nửa cuối năm 2021. Do đó, chúng tôi nâng kỳ vọng tăng trưởng xuất khẩu và nhập khẩu lên lần lượt 19,6% và 23,8%, từ mức kỳ vọng 12% trước đây. Theo đó, kỳ vọng thặng dư thương mại cả năm giảm từ 21,4 tỷ USD xuống còn 12,8 tỷ USD.

Lạm phát bình quân 6 tháng 2021 ở mức thấp nhất trong 6 năm. Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tăng 0,19% so với tháng trước và 2,41% so với cung kỳ (+1,62 tính từ đầu năm ) trong tháng 6/2021. CPI bình quân 6 tháng đầu năm 2021 tăng 1,47% so với cùng kỳ, mức tăng thấp nhất cùng giai đoạn kể từ năm 2016. Với số dư quỹ bình ổn giá xăng dầu còn khá thấp (chúng tôi ước tính vào khoảng 300 tỷ đồng tính đến cuối tháng 6/2021), giá dầu thô toàn cầu gia tăng có thể ảnh hưởng đến lạm phát trong nửa cuối năm 2021. Tuy nhiên, lạm phát hiện vẫn đang được kiểm soát tốt. Do đó, chúng tôi giữ nguyên kỳ vọng lạm phát bình quân ở mức 3% cho năm 2021.

Tỷ giá duy trì ổn định. Tỷ giá giảm nhẹ 0,15% trong tháng 6 và giảm gần 0,4% trong 6 tháng 2021, giao dịch quanh 23.013 VND/USD trên thị trường liên ngân hàng vào cuối tháng 6. Diễn biến của đồng USD trong thời gian gần đây có thể gây áp lực lên tỷ giá USD/VND. Tuy nhiên, xuất khẩu tăng trưởng mạnh và vốn FDI giải ngân ổn định có thể giúp hỗ trợ tỷ giá. Ngoài ra, các ngân hàng có thể hủy hợp đồng kỳ hạn để đáp ứng nhu cầu của khách hàng nếu cần thiết.

@ VCSC

Có thể bạn quan tâm