Trang chủ Tiêu điểm Mang khí phách anh hùng cùng cả nước bước vào kỷ nguyên mới

Mang khí phách anh hùng cùng cả nước bước vào kỷ nguyên mới

đăng bởi vietnamjournal

BNEWS Từ một xã nghèo nàn, lạc hậu, qua 50 xây dựng, đổi mới và phát triển, An Bình Tây đã đạt được những kết quả quan trọng và tương đối toàn diện, vươn lên trở thành một xã phát triển khá.

Từ thành phố Bến Tre theo Tỉnh lộ 885 (nay là Quốc lộ 57C) về hướng Đông Nam khoảng 35 km là ngã năm An Bình Tây. Giữa giao lộ thoáng đãng là tượng đài chiến thắng An Bình Tây sừng sững uy nghiêm, biểu tượng cho cốt cách của xã anh hùng đầu tiên của huyện Ba Tri trong sự nghiệp kháng chiến chống đế quốc Mỹ cứu nước, giành độc lập tự do cho quê hương Bến Tre.

*Lịch sử không phai mờHòa vào không khí vui mừng của người dân cả nước trong những ngày kỷ niệm 50 năm thống nhất đất nước, người dân xã An Bình Tây, huyện Ba Tri lại bồi hồi nhớ lại những ngày chiến tranh ác liệt của hơn nửa thế kỷ trước. Do xã An Bình Tây có vị trí chiến lược về kinh tế, chính trị, quân sự, nằm ở cửa ngõ vào quận lỵ Ba Tri nên chính quyền Ngụy quyết tâm bình định và giữ làm vùng đệm bảo vệ thị trấn Ba Tri. Những năm 1960 (1962-1963), Ngụy quyền chọn An Bình Tây xây dựng ấp chiến lược kiểu mẫu, sau đó xây dựng một phân chi khu tại xã. Năm 1966, Tiểu khu Kiến Hòa đã đưa một trung đoàn của Sư đoàn 7 đến đóng sở chỉ huy tại ấp Lâm Vồ để hỗ trợ cho chiến dịch bình định xây dựng nông thôn. Nhiều lần, địch đã tận dụng các con đường giao thông để cơ động lực lượng, bao vây, chia cắt, tấn công căn cứ cách mạng vùng Bưng Cóc ở xã An Bình Tây và căn cứ cách mạng vùng Lạc Địa ở xã Phú Lễ; đồng thời khống chế tuyến giao thông liên lạc từ thị trấn Ba Tri đi trung tâm Bến Tre và các địa phương lân cận. Tuy vậy, lực lượng dân quân du kích địa phương vẫn bám làng, bám đất hoạt động, sáng tạo nhiều cách đánh, làm tổn thất không nhỏ cho kẻ địch. Theo sử liệu, trong suốt 15 năm (từ 1960 – 1975), dân quân du kích An Bình Tây, có sự phối hợp với lực lượng vũ trang huyện đã tiêu diệt 376 tên địch, làm bị thương 537 tên, bắt sống 62 tên; thu 75 súng các loại, phá hủy 7 xe quân sự.

Ngoài việc đánh đồn bốt, dân quân du kích An Bình Tây còn phá đường, rào làng chiến đấu, làm hầm chông với khoảng 30 triệu mũi chông, bàn chông; đặt 82 tổ ong vò vẽ; gài 1.924 quả lựu đạn, mìn để đánh địch. Mũi chính trị có hàng ngàn cuộc với trên 244.000 lượt người…

Hơn 15 năm chiến tranh (từ 1960 – 1975), An Bình Tây có 325 liệt sĩ, 54 Mẹ Việt Nam Anh hùng, cùng hàng trăm gia đình có công với cách mạng. Ghi nhận sự hy sinh và cống hiến, nhân dân An Bình Tây được Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam tặng Huân chương Chiến công vào năm 1967, Trung ương Cục Miền Nam tuyên dương Anh hùng năm 1968 với 6 mặt thành tích về chính trị, tuyển tân binh, thu tài chánh, bám trụ và phát triển đảng, đoàn; được Chủ tịch nước tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân năm 1978. *Khí phách anh hùng trong kỷ nguyên mớiSau ngày giải phóng, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân xã An Bình Tây gặp không ít khó khăn trong công cuộc xây dựng quê hương do hậu quả của chiến tranh để lại rất nặng nề.

Trong chiến tranh, An Bình Tây bị tàn phá nặng nề bởi chất độc hóa học hủy diệt cây trái, hoa màu ở các ấp An Hòa, An Lợi, An Phú, An Thạnh. Cơ sở hạ tầng của xã thấp kém, hệ thống giao thông chủ yếu là đường đất, đường cát nhỏ hẹp; tuyến lộ liên xã từ ngã tư An Bình Tây đến Ba Mỹ thường xuyên bị ngập nước. Chợ, trường học xây dựng từ những năm 1960 đã xuống cấp trầm trọng. Cả xã chỉ có 9 phòng học nằm ở 3 điểm trường: Lâm Vồ, An Phú, An Hòa nên không đáp ứng đủ nhu cầu học tập của con em nhân dân.

Bí thư Đảng ủy xã An Bình Tây Võ Văn Lem tâm sự: Khi hòa bình lập lại, cảnh chiến tranh, chết chóc, ly tán không còn, mọi người dân An Bình Tây đều vô cùng phấn khởi, tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, hăng hái xây dựng lại quê hương, đất nước. Đây là điều kiện thuận lợi cơ bản giúp quân và dân An Bình Tây khắc phục khó khăn, nhanh chóng hàn gắn vết thương chiến tranh, khôi phục và phát triển kinh tế, ổn định trật tự xã hội, từng bước cải thiện đời sống nhân dân.

Cụ thể, Đảng ủy xã ban hành nghị quyết về xây dựng nông thôn mới và triển khai sâu rộng đến toàn thể cán bộ, đảng viên và nhân dân trong xã cùng nhau thực hiện. Nhờ vậy, suốt bao năm ròng rã phấn đấu, đến năm 2024, xã đã hoàn thành đủ 19/19 tiêu chí nông thôn mới, mang lại niềm vui, sự phấn khởi cho người dân. Ông Nguyễn Văn Sết, Tổ nhân dân tự quản số 2, ấp An Quới, xã An Bình Tây chia sẻ: “Xã phát động thi đua, kêu gọi nhân dân cùng chung tay, góp sức xây dựng nông thôn mới, tạo nhiều điều kiện thuận lợi để bà con tham gia, đóng góp ý kiến khi lập đồ án quy hoạch, đề án xây dựng nông thôn mới, triển khai các công trình; ghi nhận và trân trọng những ý kiến đóng góp của bà con. Từ đó, ý thức của người dân đã có chuyển biến tích cực, nhận ra vai trò chủ thể của mình trong việc xây dựng nông thôn mới, chính người dân mới là người thụ hưởng trong công cuộc phát triển và đổi mới toàn diện quê hương.” Theo Chủ tịch UBND xã An Bình Tây Phạm Hồng Hải, An Bình Tây là xã thuần nông, có 6 ấp, với hơn 3.200 hộ, 10.800 nhân khẩu. Kinh tế của người dân chủ yếu là sản xuất nông nghiệp, trồng lúa, chăn nuôi gia súc, gia cầm và kinh doanh mua bán. Ngay từ ngày đầu xây dựng nông thôn mới, xã đã phát động toàn dân tham gia. Từng ngành, từng đoàn thể cụ thể hóa thành kế hoạch, mỗi ấp cụ thể hóa bằng các công việc, công trình thiết thực để tham gia. Cả hệ thống thực hiện tốt quy chế dân chủ, đảm bảo các công trình công cộng đều được bàn bạc công khai và lấy ý kiến của nhân dân, có giám sát cộng đồng, tuân thủ phương châm: “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra và dân thụ hưởng”.

Ông Nguyễn Văn Tòng, sinh năm 1962, ngụ ấp An Thuận cho biết: “Trước đây, gia đình tôi chuyên trồng lúa nhưng khá bấp bênh do thường xuyên bị nước mặn xâm nhập gây thiệt hại nặng nề, khiến kinh tế gia đình gặp nhiều khó khăn. Thực hiện chủ trương của xã An Bình Tây về chuyển đổi cây trồng thích ứng với hạn mặn do biến đổi khí hậu, từ năm 2020, gần 1ha đất trồng lúa của gia đình đã chuyển dần qua trồng dừa, trồng cỏ nuôi bò; qua đó, bước đầu giúp kinh tế gia đình ổn định hơn trước rất nhiều”.

Chủ tịch UBND xã An Bình Tây Phạm Hồng Hải cho biết thêm, ngoài nguồn lực của chính quyền và người dân địa phương, lãnh đạo xã cũng vận động nguồn vốn từ các nhà hảo tâm, doanh nghiệp trên 153 tỷ đồng; xây dựng trên 33,7km đường giao thông; 71,5km kênh mương được nạo vét thông thoáng. Các thiết chế văn hóa được đầu tư xây dựng, tạo điều kiện tốt cho sinh hoạt, giải trí, rèn luyện thể dục, thể thao cho người dân. Theo Phó Chủ tịch UBND huyện Ba Tri kiêm Phó trưởng Ban Chỉ đạo các chương trình mục tiêu quốc gia huyện Ba Tri Dương Văn Chương, mô hình “lấy chợ nuôi chợ” được Đảng bộ, chính quyền và nhân dân xã An Bình Tây triển khai, thực hiện rất hiệu quả. Chương trình đã nâng cấp, mở rộng chợ An Bình Tây giai đoạn 2, với nguồn kinh phí thu từ đấu giá phố chợ trên 27 tỷ đồng; từ đó, đã phát huy cao tiềm năng thương mại dịch vụ của xã cửa ngõ, tạo nên khu vực sung túc, cùng với các mô hình tổ hợp tác nông nghiệp, dịch vụ tiểu thủ công nghiệp ngày càng tăng, góp phần làm cho đời sống vật chất, tinh thần của người dân không ngừng được nâng lên. “Từ một xã nghèo nàn, lạc hậu, qua 50 xây dựng, đổi mới và phát triển, An Bình Tây đã đạt được những kết quả quan trọng và tương đối toàn diện, vươn lên trở thành một xã phát triển khá, với thu nhập bình quân đầu người hơn 76 triệu đồng/người/năm. Với truyền thống anh hùng trong chiến tranh, vượt khó trong lao động, xã An Bình Tây sẽ mang khí phách này làm hành trang thực hiện chủ trương sáp nhập xã bước vào kỷ nguyên phát triển, vươn mình cùng dân tộc, đất nước”, Bí thư Đảng ủy xã Võ Văn Lem nói./. Theo BNews/

Có thể bạn quan tâm