BNEWS Theo VNR, khu đoạn Huế – Đà Nẵng gồm 12 ga với chiều dài 102km; trong đó có 9 ga có thể đón khách là Huế, Hương Thủy, Truồi, Cầu Hai, Thừa Lưu, Lăng Cô, Kim Liên, Thanh Khê và Đà Nẵng.
Theo ông Đặng Sỹ Mạnh, Chủ tịch Hội đồng thành viên Tổng công ty Đường sắt Việt Nam (VNR) cho biết, hiện đường sắt tập trung khai thác hiệu quả tàu khu đoạn, cùng đó nâng cao chất lượng phương tiện, chất lượng phục vụ và điều chỉnh giá vé linh hoạt, khai thác các sản phẩm du lịch trải nghiệm bằng đường sắt, đã tạo được thành công nhất định, nhận sự đánh giá cao, quan tâm, ủng hộ của công chúng. Vì vậy, ngành đường sắt sẵn sàng đồng hành với các địa phương; trong đó có Thừa Thiên – Huế trong kết nối du lịch di sản.
Theo VNR, khu đoạn Huế – Đà Nẵng gồm 12 ga với chiều dài 102km; trong đó có 3 ga nằm trên khu vực đèo dốc ở xa khu dân cư và 9 ga có thể đón khách là Huế, Hương Thủy, Truồi, Cầu Hai, Thừa Lưu, Lăng Cô, Kim Liên, Thanh Khê và Đà Nẵng.
Thống kê 10 tháng năm 2023, lượng hành khách đi tàu từ Huế đến Đà Nẵng khoảng 74 nghìn khách, từ Đà Nẵng đi Huế là 79 nghìn khách. Lượng khách bình quân di chuyển giữa hai thành phố này là 500 khách/ngày. Hiện nay, đường sắt chạy 4 đôi tàu Thống Nhất và một đôi tàu chất lượng cao, có tác nghiệp đón trả khách tại Huế và Đà Nẵng.
Thời gian chạy tàu khu đoạn Huế – Đà Nẵng khoảng 3,5-4 giờ trong khi thời gian đường bộ khoảng 2 giờ. Tuy nhiên, lợi thế của vận tải đường sắt là được chạy vào trung tâm hai thành phố nên rất thuận tiện cho hành khách, đặc biệt là khách du lịch.
Về vấn đề chuẩn bị tổ chức đoàn tàu, Tổng giám đốc Tổng công ty Đường sắt Việt Nam Hoàng Gia Khánh cho biết, VNR đang xây dựng phương án để sớm hiện thực hóa dự án này; trong đó lập kế hoạch chi tiết về giờ tàu giá vé, ưu tiên chạy vào khung giờ vàng, khai thác tối đa lợi thế của tuyến đường sắt đã được bình chọn đáng trải nghiệm nhất thế giới.
Ông Hoàng Hải Minh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên – Huế cho biết, thành phố Huế đang nỗ lực trở thành thành phố trực thuộc Trung ương, phát triển theo hướng “Đô thị sinh thái, cảnh quan, di sản, văn hóa, thân thiện với môi trường và đô thị thông minh”. Trong đó, ưu tiên phát triển ngành du lịch là ngành kinh tế mũi nhọn. Hiện tỉnh Thừa Thiên – Huế được biết đến là vùng đất của di sản và lễ hội, thu hút rất nhiều khách du lịch trong nước và quốc tế.
Do vậy, việc tổ chức được đoàn tàu du lịch chạy hàng ngày giữa Đà Nẵng – Huế vừa phục vụ được khách du lịch đi lại, vừa kết nối được các vùng đất di sản miền Trung.
Theo BNews/