BNEWS Giám đốc điều hành hãng kinh doanh năng lượng Vitol lớn nhất thế giới, ông Russell Hardy, ngày 5/11 nhận định nhu cầu dầu toàn cầu có thể đạt đỉnh trong vòng 10 năm tới.
Nhu cầu dầu toàn cầu đạt đỉnh này diễn ra giữa lúc tiêu thụ ngày càng tăng ở các nước đang phát triển bù đắp cho sự sụt giảm ở các nền kinh tế tiên tiến.
Phát biểu tại một cuộc thảo luận bên lề Hội nghị và Triển lãm Dầu khí Quốc tế Abu Dhabi đang diễn ra tại Abu Dhabi, Các Tiểu Vương quốc Arập Thống nhất (UAE), ông Hardy đã nêu bật những khó khăn trong việc dự đoán chính xác nhu cầu dầu đạt đỉnh, đặc biệt do sự không chắc chắn xung quanh mức tăng trưởng tiêu thụ ở các nước đang phát triển.
Ông Hardy nói thêm: “Tốc độ chuyển đổi từ động cơ đốt trong sang các hình thức vận tải khác ở các nước thuộc Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) sẽ là động lực quan trọng nhất. Chúng tôi tin rằng tăng trưởng nhu cầu ở khu vực ngoài OECD sẽ vượt xa sự sụt giảm nhu cầu trong OECD”.
Trong khi đó, bày tỏ quan điểm của mình tại cuộc thảo luận trên, ông Torbjorn Tornqvist, Giám đốc công ty giao dịch hàng hóa Gunvor, nói rằng nhu cầu về nhiên liệu vận tải, như dầu diesel và xăng, đang chững lại ở một số thị trường, đặc biệt là Trung Quốc. Tuy nhiên, ông lưu ý điều này không có nghĩa là nhu cầu dầu đang thay đổi.
Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) mới đây dự báo nhu cầu thế giới về dầu, than và khí đốt sẽ đạt đỉnh vào năm 2030, trong bối cảnh nhu cầu sử dụng xe điện và năng lượng tái tạo ngày càng gia tăng.
Cuộc tranh luận xung quanh nhu cầu dầu trong tương lai đã “nóng” lên trong những năm gần đây, với việc Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) có quan điểm đối lập với IEA. Ngày 4/11, Tổng thư ký OPEC Haitham Al Ghais cho hay ông lạc quan về triển vọng nhu cầu dầu trong dài hạn. Ông Al Ghais nói thêm: “Tăng trưởng kinh tế đang trong giai đoạn khởi sắc. Bất chấp một số thách thức, bức tranh kinh tế toàn cầu không ảm đạm như đánh giá của một số người”.
Sau khi nhập khẩu lượng dầu thô kỷ lục vào năm 2023, nhu cầu dầu của Trung Quốc đã chậm lại đáng kể trong năm 2024, trong bối cảnh tăng trưởng kinh tế chững lại và nhu cầu về xe điện gia tăng nhanh chóng.
IEA dự báo nhu cầu dầu toàn cầu sẽ tăng khoảng 900.000 thùng/ngày trong năm nay và gần một triệu thùng/ngày vào năm 2025, đánh dấu sự suy giảm mạnh so với mức tăng 2 triệu thùng/ngày được ghi nhận trong giai đoạn hậu đại dịch COVID-19.
Trong báo cáo thị trường dầu hàng tháng công bố mới đây, IEA đánh giá kinh tế Trung Quốc đang chứng kiến đà giảm tốc tăng trưởng, chiếm khoảng 20% mức tăng trưởng toàn cầu trong cả năm nay và năm tới, so với gần 70% ghi nhận vào năm 2023.
Ông Nick Wayth, Giám đốc điều hành Viện Năng lượng, cho rằng châu Âu chắc chắn đã đạt đỉnh về nhu cầu dầu mỏ, trong khi Mỹ có thể đang trong quá trình đạt đỉnh. Trả lời phỏng vấn báo giới bên lề Hội nghị và Triển lãm Dầu khí Quốc tế Abu Dhabi, ông Wayth nhấn mạnh: “Trung Quốc sẽ đạt đỉnh về nhu cầu dầu trong thập kỷ này, và điều đó sẽ trở thành một điểm uốn thực sự quan trọng trên thị trường toàn cầu”.
Theo BNews/