BNEWS Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng tỷ lệ giải ngân thấp, đặc biệt là việc thiếu nguồn cung vật liệu xây dựng thông thường tại các địa phương đã làm ảnh hưởng không nhỏ đến tiến độ các dự án.
Đến thời điểm này, tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công đối với các dự án xây dựng hạ tầng trên địa bàn tỉnh Lai Châu mới đạt khoảng 50% kế hoạch. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng tỷ lệ giải ngân thấp, đặc biệt là việc thiếu nguồn cung vật liệu xây dựng thông thường tại các địa phương đã làm ảnh hưởng không nhỏ đến tiến độ các dự án cũng như việc giải ngân nguồn vốn xây dựng cơ bản. Dự án Hạ tầng đô thị thị trấn Than Uyên, huyện Than Uyên thực hiện trong thời gian 2023-2026, với tổng mức đầu tư 100 tỷ đồng từ nguồn ngân sách Trung ương do Ban Quản lý Dự án đầu tư xây dựng huyện Than Uyên làm chủ đầu tư; Công ty Trách nhiệm hữu hạn Một thành viên Xây dựng và Thương mại Khánh Hưng đảm nhiệm thi công. Đây là dự án có nhu cầu lớn về nguồn cung vật liệu xây dựng thông thường như: cát, đá, sắt, xi măng. Song hiện tại những nguồn vật liệu này tại địa phương không sẵn có, đơn vị thi công đã phải thực hiện chuyên chở vật liệu từ các địa phương lân cận; trong đó đá được mua và nhập từ các mỏ đá ở huyện Tân Uyên, cát được nhập từ huyện Văn Bàn (Lào Cai). Ông Dương Minh Tuấn, Cán bộ kỹ thuật Công ty Trách nhiệm hữu hạn Một thành viên Xây dựng và Thương mại Khánh Hưng cho biết: Quá trình thi công, đơn vị gặp nhiều khó khăn do thiếu vật liệu, trên địa bàn huyện Than Uyên hiện không có mỏ đá hoạt động, đơn vị phải sang tận mỏ đá ở huyện Tân Uyên để chở đá về, cát thì lấy từ huyện Văn Bàn sang nên giá thành cao do phải trả chi phí vận chuyển lớn. Năm 2024, huyện Than Uyên được UBND tỉnh Lai Châu giao thực hiện các dự án đầu tư xây dựng với tổng số vốn gần 176 tỷ đồng (trong đó, Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng huyện được giao 138 dự án). Ngoài ra, kế hoạch vốn năm 2023 được kéo dài sang năm 2024 là gần 25 tỷ đồng. Với khối lượng xây dựng lớn nên nhu cầu về vật liệu xây dựng cát, đá thông thường cao. Tuy nhiên, hiện tại trên địa bàn huyện Than Uyên không có mỏ cát, mỏ đá thì hết trữ lượng khai thác, một số mỏ đá đã được đấu giá nhưng chưa hoàn thiện thủ tục để khai thác, do vậy, nguồn vật liệu xây dựng thông thường trên địa bàn huyện rất khan hiếm. Hiện tỷ lệ vốn xây dựng giải ngân trên địa bàn mới được hơn 76 tỷ đồng, đạt gần 50% kế hoạch. Ông Đỗ Mạnh Cường, Giám đốc Ban Quản lý Dự án đầu tư xây dựng huyện Than Uyên cho biết: Thiếu vật liệu xây dựng thông thường là khó khăn rất lớn trong việc thực hiện đầu tư xây dựng các công trình trên địa bàn huyện, làm ảnh hưởng đến tiến độ dự án và công tác giải ngân vốn. Tại huyện biên giới Mường Tè, năm 2024, Ban Quản lý công trình Dự án phát triển kinh tế xã hội huyện được giao làm chủ đầu tư các dự án với tổng nguồn vốn xây dựng khoảng 240 tỷ đồng. Là địa phương có diện tích lớn, các công trình đầu tư xa, có những dự án cách xa trung tâm huyện hơn 100km, trong khi đó nguồn vật liệu xây dựng thông thường thiếu làm ảnh hưởng không nhỏ đến tiến độ triển khai các dự án. Ông Phạm Xuân Đô, Phó Giám đốc Ban Quản lý công trình Dự án phát triển kinh tế xã hội huyện Mường Tè cho hay, nhu cầu sử dụng cát để xây dựng trong những tháng mùa khô thì rất nhiều, nhưng trên địa bàn huyện không có mỏ cát nào được cấp phép. Đơn vị kiến nghị cấp thẩm quyền xem xét, sớm có phương án cấp phép cho các đơn vị khai thác cát trên địa bàn. Năm 2024, kế hoạch vốn Trung ương giao tỉnh Lai Châu gần 2.670 tỷ đồng. Tỷ lệ giải ngân đến hết tháng 11 mới đạt khoảng 50%. Hiện nguồn cung vật liệu xây dựng cát, đá ở một số địa bàn còn khan hiếm, không đáp ứng được yêu cầu đẩy nhanh tiến độ triển khai dự án. Bên cạnh đó, giá nguyên vật liệu có thời điểm tăng cao làm ảnh hưởng đến chi phí sản xuất của các doanh nghiệp. Tỉnh Lai Châu hiện có 28 mỏ khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường được cấp phép khai thác, trong đó có 2 mỏ sét; 21 mỏ đá được cấp phép khai thác với tổng công suất cấp phép là 595.000m3 đá nguyên khối/năm; đối với cát, sỏi làm vật liệu xây dựng có 5 mỏ được cấp phép khai thác với tổng công suất khai thác là 39.911m3 cát/năm, 9.380m3 sỏi/năm. Sở Tài nguyên và Môi trường phối hợp Trung tâm đấu giá tài sản của tỉnh tổ chức đấu giá thành công 27 mỏ gồm 11 mỏ cát và 13 mỏ đá, 3 mỏ sét. Đến nay, Sở tham mưu UBND tỉnh cấp giấy phép khai thác 4 mỏ, 22 mỏ đã được cấp giấy phép thăm dò, phê duyệt trữ lượng khoáng sản; 14 mỏ đã thăm dò được phê duyệt trữ lượng hiện đang hoàn thiện các thủ tục, hồ sơ liên quan. Ông Ngô Xuân Hùng, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Lai Châu cho rằng, nguồn cung khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường trên địa bàn còn có những khó khăn nhất định. Đơn cử như đối với khoáng sán là cát chủ yếu tích tụ ở sông, suối trong lòng hồ chứa nhưng theo quy định của Luật Khoáng sản hiện hành thì đang cấm khai thác cát, sỏi đối với lòng hồ. Do đó, việc cấp phép khai thác khoáng sản là cát, sỏi trên địa bàn còn tương đối khó khăn. Thời gian tới, Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Lai Châu tiếp tục rà soát để đưa những mỏ có đủ điều kiện ra đấu giá; đôn đốc các chủ mỏ đã trúng đấu giá đẩy nhanh tiến độ lập hồ sơ, trình UBND tỉnh cấp phép, đưa mỏ vào hoạt động để sớm có nguồn cung cấp cho thị trường; báo cáo các cấp có thẩm quyền xem xét, điều chỉnh, sửa đổi Luật Khoáng sản theo hướng cho cấp phép khai thác cát trong lòng hồ và quy định trình tự cấp phép đơn giản hơn đối với các loại khoáng sản nhóm IV. Còn theo ông Nguyễn Thái Lực, Phó Giám đốc Sở Xây dựng tỉnh Lai Châu, có những thời điểm thì nguồn cung vật liệu xây dựng thông thường thì không đáp ứng được nhu cầu trên địa bàn, có thời điểm thì vật liệu sản xuất lại dư thừa. Điều này còn phụ thuộc vào việc triển khai đầu tư các dự án vốn đầu tư công, vốn khác trên địa bàn. Đối với khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường quy định tại Luật Khoáng sản, trình tự thủ tục cấp phép kéo dài, thông thường thời gian khoảng 24 tháng, qua nhiều khâu, nhiều bước. Ngoài ra, quy định khai thác cát, sỏi ở lòng sông, lòng hồ còn chưa rõ ràng. Để giải quyết bài toán về thiếu vật liệu xây dựng thông thường, thiết nghĩ cần sửa đổi nội dung, quy trình, thủ tục cấp phép khai thác mỏ khoáng sản là vật liệu xây dựng thông thường. Các địa phương trong tỉnh cần tăng cường quản lý đối với khoáng sản làm vật liệu xây dựng; kịp thời rà soát, xây dựng kế hoạch, triển khai đấu thầu, đấu giá khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường, phù hợp với Quy hoạch tỉnh Lai Châu được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1585/QĐ-TTg ngày 07/12/2023. Bên cạnh đó, các đơn vị khai thác cần đổi mới công nghệ đáp ứng nhu cầu khai thác sản xuất trong tình hình mới. Có như vậy, mới giải quyết được việc thiếu vật liệu, đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án cũng như giải ngân vốn đầu tư công. Theo BNews/