
BNEWS Tháp 4 sư liệt sĩ nằm tại khu phố Minh Phú, thị trấn Minh Lương, huyện Châu Thành (Kiên Giang) là nơi thờ tự hài cốt 4 vị sư liệt sĩ.
Cách đây 51 năm, 4 vị sư là Danh Tấp, Lâm Hùng, Danh Hom, Danh Hoi và người dân trên địa bàn tỉnh Rạch Giá (nay là tỉnh Kiên Giang) tổ chức biểu tình đấu tranh đòi chính quyền Mỹ – Ngụy không được bắt chư tăng đi lính và bắn phá chùa chiền. Cuộc biểu tình bị đàn áp, 4 vị sư bị địch bắn bị thương và hy sinh.
Tưởng nhớ sự anh dũng hy sinh của 4 vị sư và đồng bào, đầu năm 1976, Nhà nước đã khởi công xây dựng Tháp 4 sư liệt sĩ, vào tháng 9/1990 được Bộ Văn hóa – Thông tin – Thể thao và Du lịch công nhận là Di tích lịch sử cấp quốc gia. Di tích Tháp 4 sư liệt sĩ là niềm tự hào của đồng bào Khmer nói riêng và người dân tại tỉnh nói chung. Theo Hòa thượng Danh Đổng, Trưởng Ban trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Kiên Giang, những năm 70 của thế kỷ XX, chính quyền Mỹ – Ngụy khống chế không cho chùa tổ chức sinh hoạt tôn giáo và bắt sư sãi, chư tăng đi lính. Trước hành động phi nghĩa của chính quyền Mỹ – Ngụy, ngày 10/6/1974, dưới sự chỉ đạo của Tỉnh ủy Rạch Giá, Ban Khmer vận và Hội Đoàn kết sư sãi yêu nước tỉnh, 4 vị sư gồm: Danh Tấp, Lâm Hùng, Danh Hom, Danh Hoi cùng với khoảng 3.000 chư tăng, phật tử cùng người dân quận Kiên Thành, tỉnh Rạch Giá (nay thuộc phường Rạch Sỏi, thành phố Rạch Giá, tỉnh Kiên Giang) tổ chức biểu tình. Đây là cuộc đấu tranh chính trị rộng lớn, được đông đảo đồng bào Khmer và các dân tộc khu vực Tây Nam Bộ ủng hộ; là một trong những cơ sở tạo điều kiện thuận lợi cho cuộc Tổng tiến công Mùa Xuân 1975, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. “Cuộc đấu tranh ngày 10/6/1974 là cuộc đấu tranh chính trị rộng lớn của quân và dân, được sự hưởng ứng của chư tăng đồng bào Khmer và người dân trong tỉnh. Tuy bị đàn áp, 4 vị sư bị địch bắn bị thương và hy sinh, nhưng cuộc biểu tình đã trở thành mốc son trong lịch sử đấu tranh hào hùng chư tăng, phật tử, đặc biệt sự hy sinh của 4 vị sư đã trở thành niềm tự hào của đồng bào và người dân trong sự nghiệp đấu tranh, giải phóng dân tộc”, Hòa thượng Danh Đổng nhấn mạnh.
Hòa thượng Danh Đổng cũng cho biết, sau ngày thống nhất đất nước, Nhà nước công nhận liệt sĩ và cấp Bằng Tổ quốc ghi công cho 4 vị sư, đồng thời khởi công xây dựng Tháp 4 sư liệt sĩ. Sau khi tháp hoàn thành, Hội Đoàn kết sư sãi yêu nước tỉnh cải táng và đưa hài cốt vào tháp ngày 15/3/1987. Đến ngày 20/9/1990, Bộ Văn hóa – Thông tin – Thể thao và Du lịch (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) công nhận Tháp 4 sư liệt sĩ là Di tích lịch sử cấp quốc gia.
Năm 2014, nhân kỷ niệm 40 năm ngày 4 vị sư hy sinh, Giáo hội Phật giáo Việt Nam đã truy phong giáo phẩm Hòa thượng cho 4 vị sư Danh Tấp, Lâm Hùng, Danh Hom, Danh Hoi. Trải qua nhiều biến cố lịch sử cũng như sự thăng trầm của thời cuộc, sự hy sinh của 4 vị Hòa thượng vẫn được tôn vinh trong lòng bao thế hệ, là tấm gương sáng cho hậu thế noi theo trong tinh thần phụng sự đạo pháp và dân tộc. Hội Đoàn kết sư sãi yêu nước tỉnh Kiên Giang phối hợp với chính quyền địa phương, ngành chức năng tổ chức lễ tưởng niệm ngày hy sinh vì Tổ quốc của 4 vị sư. Bà Thị Nhung, xã Minh Hòa, huyện Châu Thành, tỉnh Kiên Giang chia sẻ, hơn 15 năm qua, mỗi khi đến dịp Tết cổ truyền Chôl Chnăm Thmây của đồng bào Khmer và ngày tưởng niệm 4 vị Hòa thượng (ngày 10/6), bà cùng người thân và người dân địa phương vượt hơn 10km, mang theo hoa quả, làm bánh dân gian truyền thống để thắp hương. “Cha và chú của tôi cũng tham gia kháng chiến chống đế quốc Mỹ, cũng đã hy sinh, vì vậy, tôi và người thân rất quý trọng nền hòa bình, độc lập, tự do của dân tộc. Tôi thường xuyên nhắc nhở con cháu và người dân trong xóm tinh thần yêu nước, đoàn kết, hỗ trợ nhau phát triển kinh tế”, bà Nhung nói.
Ông Lâm Minh Công, Bí thư Huyện ủy Châu Thành (Kiên Giang) cho biết: Tháp 4 sư liệt sĩ nằm tại khu phố Minh Phú, thị trấn Minh Lương, huyện Châu Thành là nơi thờ tự hài cốt 4 vị sư liệt sĩ. Trước đây, di tích xuống cấp, nay đã được Ủy ban nhân dân tỉnh đầu tư, tôn tạo với các hạng mục giảng đường, cổng rào, nhà trưng bày truyền thống, bia tưởng niệm, nhà bếp, nhà vệ sinh, cây xanh, đường nội bộ…
“Hằng năm, vào ngày 10/6, Ủy ban nhân dân huyện phối hợp Hội Đoàn kết sư sãi yêu nước tỉnh tổ chức lễ tưởng niệm 4 vị sư liệt sĩ, thu hút đông đảo người dân tham dự. Tháp 4 sư liệt sĩ được đồng bào Khmer trong tỉnh xem là biểu tượng của truyền thống yêu nước dân tộc. Đây cũng là địa chỉ về nguồn của nhiều thế hệ học sinh, sinh viên trên địa bàn tỉnh Kiên Giang”, ông Lâm Minh Công cho hay. Giám đốc Sở Dân tộc và Tôn giáo tỉnh Kiên Giang Danh Phúc cho biết, Tháp 4 sư liệt sĩ được xây dựng nhằm tưởng nhớ tinh thần anh dũng hy sinh của bốn nhà tu hành Phật giáo Nam tông Khmer nói trên, là một bằng chứng lịch sử, đã được công nhận là Di tích lịch sử cấp quốc gia, có ý nghĩa giáo dục truyền thống yêu nước, chống giặc ngoại xâm đối với thế hệ trẻ, nhất là thế hệ trẻ tỉnh Kiên Giang, trong đó có các thanh thiếu niên người Khmer”, ông Phúc nhấn mạnh. Theo BNews/