Trang chủ Tiêu điểm Thấy gì từ việc Indonesia cấm bán iPhone 16?

Thấy gì từ việc Indonesia cấm bán iPhone 16?

đăng bởi vietnamjournal

BNEWS Những quy định quá nặng nề có thể ngăn cản đầu tư nước ngoài, làm suy yếu sự phát triển kinh tế mà quốc gia Đông Nam Á này mong muốn đạt được.

Trang tin “The Interpreter” (Australia) đăng bài viết nhận định điện thoại thông minh iPhone 16 đã bị cấm bán ở Indonesia. Đối với một quốc gia đang phát triển nhanh chóng và am hiểu công nghệ, đây là một bước thụt lùi đối với Apple. Tuy nhiên, Chính phủ Indonesia dường như quyết tâm gửi thông điệp tới hãng công nghệ lớn này.Indonesia cấm iPhone 16 do Apple không đáp ứng Yêu cầu nội địa hóa (LCR) mà Chính phủ Indonesia quy định. LCR nhằm mục đích kích thích các ngành công nghiệp trong nước bằng cách yêu cầu tỷ lệ tối thiểu những thành phần của sản phẩm phải có nguồn gốc địa phương. Cụ thể, đối với lĩnh vực viễn thông, trong đó có điện thoại thông minh, yêu cầu này ở mức 40%. Chính sách này không chỉ tìm cách tăng cường năng lực sản xuất trong nước mà còn nhằm mục đích giảm sự phụ thuộc vào nhập khẩu, cuối cùng là thúc đẩy khả năng tự cung tự cấp của nền kinh tế và tạo việc làm.Chính phủ Indonesia đã thiết lập tính linh hoạt trong việc thực hiện LCR thông qua ba chương trình riêng biệt: sản xuất trong nước, phát triển ứng dụng và đổi mới trong nước. Trong trường hợp này, Apple đã chọn kế hoạch đổi mới, cam kết thành lập “Học viện dành cho các nhà phát triển” (Developer Academy) ở Indonesia. Mặc dù sáng kiến này là một bước đi tích cực hướng tới việc nuôi dưỡng tài năng và đổi mới ở địa phương, nhưng vẫn chưa đáp ứng được tham vọng rộng lớn hơn của Chính phủ Indonesia. Các quan chức Indonesia mong muốn Apple đầu tư đáng kể hơn. Cụ thể, họ kỳ vọng “gã khổng lồ” công nghệ sẽ thành lập một cơ sở sản xuất hoặc một trung tâm nghiên cứu ở quốc gia Đông Nam Á.Thách thức trước mắt của Apple rất rõ ràng, đó là hãng phải đáp ứng LCR để chính thức nối lại hoạt động bán hàng tại Indonesia. Hiện tại, công ty vẫn chưa hoàn tất cam kết đầu tư, với 15,5 triệu USD còn lại trong tổng số tiền cam kết là 110,3 triệu USD – con số tương đối nhỏ đối với một tập đoàn có quy mô như Apple. Tuy nhiên, có vẻ như Apple sẽ nhanh chóng tuân thủ các yêu cầu của Chính phủ Indonesia.Hiện tại, những chiếc iPhone 16 vẫn đang vào Indonesia theo đường xách tay, với khoảng 9.000 chiếc đã được mang qua biên giới và được đánh thuế phù hợp. Người tiêu dùng Indonesia vẫn có thể mua iPhone 16 từ nước ngoài để sử dụng cho mục đích cá nhân, điều này vẫn hợp pháp miễn là thiết bị không nhằm mục đích bán lại.Tình trạng nói trên nêu bật hành động cân bằng mong manh mà nhiều tập đoàn đa quốc gia phải đối mặt khi thâm nhập vào các thị trường mới nổi. Họ phải điều hướng một mạng lưới phức tạp gồm các quy định địa phương, đồng thời điều chỉnh hoạt động của mình phù hợp với chiến lược của công ty và các cam kết toàn cầu. Hành động cân bằng này có thể đặc biệt khó khăn ở các quốc gia như Indonesia, nơi các khung pháp lý được thiết kế để bảo vệ và thúc đẩy các ngành công nghiệp địa phương.Đối với Chính phủ Indonesia, LCR là một công cụ củng cố các ngành công nghiệp địa phương trên nhiều lĩnh vực khác nhau, bao gồm công nghệ, khai thác mỏ, sản xuất và năng lượng. Điều này phản ánh cam kết của chính phủ đối với sự phát triển kinh tế quốc gia. Tuy nhiên, cách tiếp cận này có nguy cơ khiến các nhà đầu tư nước ngoài xa lánh bởi họ sẽ coi những quy định này là trở ngại. Nếu các công ty nước ngoài nhận thấy bối cảnh pháp lý quá hạn chế, họ có thể xem xét lại cam kết đầu tư vào Indonesia. Rủi ro cho đất nước là bỏ lỡ các cơ hội chuyển giao công nghệ, phát triển kỹ năng và tạo việc làm.Mặc dù LCR có thể thúc đẩy các ngành công nghiệp trong nước, nhưng chính sách này cũng tiềm ẩn những nhược điểm. Một quan ngại đáng kể là các chính sách LCR có thể dẫn đến mức giá cao hơn cho người tiêu dùng, vì các doanh nghiệp có thể phải đối mặt với chi phí gia tăng khi tìm nguồn cung ứng nguyên liệu hoặc lao động địa phương. Trong một số lĩnh vực, điều này có thể dẫn đến giá của các hàng hóa đầu vào chủ chốt tăng cao, từ đó, làm giảm năng suất và giảm khả năng cạnh tranh xuất khẩu.Indonesia phải hành động thận trọng. Những quy định quá nặng nề có thể ngăn cản đầu tư nước ngoài, làm suy yếu sự phát triển kinh tế mà quốc gia Đông Nam Á này mong muốn đạt được. Cân bằng giữa tăng trưởng địa phương với môi trường đầu tư hấp dẫn sẽ rất quan trọng cho thành công trong tương lai của Indonesia.LCR có thể được thúc đẩy hơn nữa dưới sự lãnh đạo của tân Tổng thống Prabowo Subianto. Ông Prabowo đã bày tỏ cam kết ưu tiên công nghiệp hóa và hạ nguồn, cho thấy ông sẽ ủng hộ các chính sách nhằm tăng cường sản xuất và đổi mới ở địa phương. Mặc dù trọng tâm này có thể dẫn đến các quy định chặt chẽ hơn, nhưng cũng có thể tạo cơ hội để những công ty nước ngoài đầu tư vào hoạt động tại địa phương, đồng thời hình thành quan hệ đối tác cùng có lợi.Những tháng tới sẽ rất quan trọng không chỉ đối với Apple mà còn đối với quỹ đạo đầu tư trong tương lai ở Indonesia. Nếu được quản lý hiệu quả, tình trạng này có thể tạo ra một hệ sinh thái mạnh mẽ, nơi các công ty toàn cầu hợp tác với những ngành công nghiệp địa phương, thúc đẩy đổi mới và tăng trưởng kinh tế. Kết quả như vậy sẽ phù hợp với khát vọng của Indonesia trở thành một quốc gia phát triển vào năm 2045. Theo BNews/

Có thể bạn quan tâm