Cụ thể, giá lúa thường tại ruộng cao nhất là 4.900 đồng/kg, giá bình quân là 4.820 đồng/kg, tăng 10 đồng/kg. Giá lúa thường tại kho cao nhất 7.150 đồng/kg, trung bình là 6.050 đồng/kg, tăng 13 đồng/kg.
Bên cạnh đó, giá các loại gạo có sự tăng rất nhẹ. Gạo 5% tấm có giá cao nhất 9.150 đồng/kg, giá bình quân 8.986 đồng/kg, tăng 86 đồng/kg. Gạo 15% tấm có giá cao nhất 8.950 đồng/kg, giá bình quân 8.752 đồng/kg, tăng 100 đồng/kg. Gạo 25% tấm có giá cao nhất 8.750 đồng/kg, giá bình quân 8.508 đồng/kg, tăng 83 đồng/kg.
Số liệu từ Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn cũng cho thấy, giá lúa khô ở một số địa phương khu vực Đồng bằng sông Cửu Long có sự biến động không đồng nhất. Tại thành phố Cần Thơ, giá lúa IR50404 ở mức 6.400 đồng/kg, tăng 100 đồng/kg; Jasmine ổn định ở mức 6.700 đồng/kg
Tại Hậu Giang, giá lúa OM5451 là 6.300 đồng/kg, tăng 100 đồng/kg; nhưng IR50404 và Đài thơm 8 lại tăng từ 100-300 đồng/kg, ở mức 5.900 đồng/kg và 6.700 đồng/kg.
Tại Tiền Giang, giá lúa lại có sự giảm mạnh, như IR50404 là 6.200 đồng/kg, giảm 700 đồng/kg; Jasmine là 7.200 đồng/kg, giảm 400 đồng/kg.
Tại An Giang, giá lúa gạo nhìn chung ổn định. Giá nếp tươi từ 4.200-4.300 đồng/kg. Lúa IR50404 từ 4.700-4.900 đồng/kg; lúa OM9582 từ 4.800-4.900 đồng/kg; Đài thơm 8 từ 5.600-5.700 đồng/kg; lúa OM6976 từ 5.000-5.200 đồng/kg; lúa Nàng hoa từ 6.000-6.100 đồng/kg.
Về giá gạo, gạo thường từ 10.500-11.500 đồng/kg, gạo Jasmine từ 13.000-14.000 đồng/kg, gạo Sóc Thái 18.000 đồng/kg, gạo thơm Đài Loan 20.000 đồng/kg, gạo Nhật 17.000 đồng/kg.
Vụ Hè Thu 2021, nông dân Tiền Giang xuống giống 74.700 ha; trong đó có 24.700 ha trà lúa Hè Thu sớm và khoảng 50.000 ha lúa Hè Thu chính vụ. Đến nay, toàn tỉnh đã thu hoạch trên 46.500 ha, sản lượng đạt trên 215.000 tấn lúa hàng hóa.
Trong tháng 9, Tiền Giang khẩn trương thu hoạch nhanh gọn toàn bộ diện tích lúa Hè Thu còn lại, tập trung ở các huyện, thị vùng kiểm soát lũ phía Tây của tỉnh. Các huyện, thị trong tỉnh đều tạo điều kiện thuận lợi như cấp giấy đi đường cho nông dân, người điều khiển các phương tiện cơ giới và nhân công, thương lái qua chốt kiểm soát phòng chống dịch COVID-19 để ra đồng phục vụ thu hoạch, vận chuyển, tiêu thụ lúa hàng hóa, không để ảnh hưởng hoặc ùn ứ nông sản nhưng vẫn đảm bảo quy định chống dịch.
Hiện một số địa phương ở Đồng bằng sông Cửu Long đã bước vào thu hoạch lúa Thu Đông sớm và được thương lái đặt cọc nhiều.
Cùng chung xu hướng với giá lúa gạo trong nước, trên thị trường gạo châu Á, giá gạo Thái Lan, Ấn Độ ít biến động. Giá gạo đồ, 5% tấm xuất khẩu của Ấn Độ không thay đổi và đứng ở mức từ 358-363 USD/tấn trong tuần này.
Còn giá gạo xuất khẩu 5% tấm của Thái Lan trong tuần này cũng ít thay đổi so với tuần trước khi đứng ở mức 280-402 USD/tấn. Giới thương nhân tại Bangkok cho hay, nhu cầu không hề giảm và chi phí vận chuyển cao có thể khiến người mua hướng tới gạo Việt Nam.
Giá gạo xuất khẩu của Việt Nam tăng trong tuần này từ mức thấp nhất trong hơn một năm, nhờ nhu cầu tăng cao sau khi Chính phủ tăng cường dự trữ và các nhà buôn ngừng nhập khẩu gạo từ Ấn Độ với dự kiến chi phí vận chuyển cao sẽ giảm bớt trong thời gian tới.
Phiên cuối tuần này, giá gạo 5% tấm của Việt Nam tăng từ 385 USD/tấn trong hai tuần trước lên 400 USD/tấn. Thị trường đã đóng cửa vào tuần trước để nghỉ lễ Quốc khánh.
Một thương nhân ở TP Hồ Chí Minh cho biết: “Vụ Hè Thu sắp kết thúc, trong khi nhu cầu trong nước bắt đầu tăng cao. Chính phủ cũng tăng cường mua gạo để tích dự trữ quốc gia sau khi cung cấp gạo cho người dân bị ảnh hưởng bởi lệnh phong tỏa để phòng chống dịch COVID-19”.
Về thị trường nông sản Mỹ, giá các mặt hàng nông sản kỳ hạn trên thị trường Mỹ biến động trái chiều trong phiên giao dịch 10/9, với giá ngô và đậu tương tăng còn giá lúa mỳ giảm.
Chốt phiên này, giá ngô giao tháng 12/2021 tăng 7,5 xu Mỹ (1,47%) lên 5,175 USD/bushel. Giá đậu tương giao tháng 11/2021 tăng 16 xu Mỹ (1,26%) lên 12,865 USD/bushel. Còn giá lúa mỳ giao tháng 12/2021 giảm 3,75 xu Mỹ (0,54%) xuống 6,885 USD/bushel (1 bushel lúa mỳ/đậu tương = 27,2 kg; 1 bushel ngô = 25,4 kg).
Công ty nghiên cứu AgResource có trụ sở tại Chicago (Mỹ) cho biết hai báo cáo mà Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA) đưa ra ngày 10/9 gồm: Ước tính Vụ mùa tháng Chín và Ước tính cung và cầu nông nghiệp thế giới (WASDE) không cho thấy biến động bất ngờ nào.
Giới đầu tư chuyển sự tập trung sang báo cáo dự trữ tháng Chín, dự kiến sẽ đưa ra vào cuối tháng này, và bắt đầu báo cáo dữ liệu về sản lượng thu hoạch thực tế hàng ngày từ tuần tới. AgResource cho rằng nhu cầu xuất khẩu của Mỹ sẽ đóng vai trò quan trọng ảnh hưởng tới giá cả nông sản.
USDA ước tính dự trữ ngô của Mỹ cuối niên vụ 2021-2022 dự báo sẽ tăng 166 triệu bushel, lên 1.408 triệu bushel. Ngoài ra, USDA dự báo dự trữ đậu tương cuối niên vụ 2021-2022 sẽ ở mức 185 triệu bushel. Tuy nhiên, báo cáo WASDE hạ dự báo dự trữ lúa mỳ cuối niên vụ 2021-2022 của Mỹ giảm 12 triệu bushel, xuống còn 615 triệu bushel.
Về thị trường cà phê thế giới, gá cà phê dao động trong sự do dự thận trọng của giới đầu tư khi có tin đã xuất hiện những cơn mưa đầu mùa ở Brazil.
Về thị trường thế giới, kết thúc phiên giao dịch cuối tuần, trên sàn ICE Europe – London, giá cà phê Robusta giao tháng 11/2021 giảm thêm 2 USD, xuống 2.048 USD/tấn. Còn giá cà phê Robusta kỳ hạn giao tháng 1/2022 không thay đổi, vẫn ở mức 2.038 USD/tấn và các kỳ hạn giao xa tăng nhẹ. Khối lượng giao dịch rất thấp dưới mức trung bình.
Trong khi đó, giá cà phê Arabica trên sàn giao dịch ICE US – New York đảo chiều tăng. Giá cà phê Arabica giao tháng 12/2021 tăng 0,60 xu Mỹ, lên 188,05 xu Mỹ/lb và kỳ hạn giao tháng 3/2022 tăng 0,55 xu Mỹ, lên 190,75 xu Mỹ/lb (1b = 0,4535). Khối lượng giao dịch ở mức trung bình.
Tại thị trường trong nước, giá cà phê nhân xô tại các tỉnh Tây nguyên không thay đổi, vẫn dao dộng trong khung từ 39.900-40.400 đồng/kg. Giá cà phê Robusta xuất khẩu loại 2, 5% đen vỡ, đứng ở 1.918 USD/tấn, FOB – HCM, với mức trừ lùi 110-120 USD/tấn theo giá kỳ hạn tháng 1/2022 tại London.
Giá cà phê Arabica thế giới trở lại đà tăng khi có tin mưa rào rải rác ở vùng Nam Minas Gerais không đủ lớn để giúp cây cà phê ra hoa vụ mới. Đặc biệt sau vài cơn mưa nhẹ đầu mùa Xuân, dự báo thời tiết trong tuần tới vẫn còn khô nóng. Nhà nông rất cần mưa liên tục ngay từ đầu mới giúp cây cà phê cải thiện sức khỏe do đã bị khô hạn kéo dài.
Trái lại, giá cà phê Robusta có dấu hiệu “lình xình”, các nhà đầu tư vẫn còn tỏ ra thận trọng khi giá đã tăng lên ở mức cao của bốn năm.
Theo Báo Tin Tức