BNEWS Từ những loại củ, quả hoang dã, đến nay sâm đất và táo mèo đã trở thành những sản phẩm OCOP của Lào Cai, mang nhiều giá kinh tế và lợi ích cho sức khỏe người tiêu dùng.
Từ những loại củ, quả hoang dã chủ yếu mọc ở trong rừng hoặc được vài hộ dân trồng nhỏ lẻ phục vụ nhu cầu gia đình, đến nay củ hoàng sin cô (sâm đất) và quả táo mèo (sơn tra) của Lào Cai đã được định hướng phát triển, mở rộng diện tích, liên kết bao tiêu sản phẩm, có gắn với chế biến, tiêu thụ, tạo thành những sản phẩm OCOP (Chương trình Mỗi xã Một sản phẩm) mang nhiều lợi ích cho sức khỏe người tiêu dùng.
Những chuyển biến này đã phần nào khẳng định được giá trị kinh tế cũng như bước đi đúng hướng từ sản xuất nông nghiệp an sinh sang nông nghiệp hàng hóa của Lào Cai.
*Lộc của núi rừng
Mùa thu cũng là mùa táo mèo và hoàng sin cô bắt đầu chín và cho thu hoạch. Trong rừng, những quả táo xanh đã ngả màu vàng nhạt, má ửng hồng tỏa ra mùi thơm dịu nhẹ thoảng khắp núi đồi. Trên những nương đồi bạc màu, lá và dây cây hoàng sin cô bát đầu ngả vàng héo úa báo hiệu củ đã đến lúc bội thu. Lúc này, người dân vùng cao Lào Cai lại đeo gùi lên lưng và chiếc túi vải nhỏ bên vai, rồi cùng nhau lên rừng hái quả, lên đồi đào sâm.
Đặc sản Lào Cai có rất nhiều loại, mùa nào cũng có. Tuy nhiên, có hương vị đặc biệt và không nơi nào có thể trồng được thì chỉ có hoàng sin cô. Theo Đông y, củ này có tác dụng lợi tiểu, giải nhiệt cơ thể, hỗ trợ trị cao huyết áp, giảm lượng đường huyết trong máu.
Trong dân gian, bà con thường sử dụng hoàng sin cô kết hợp với những dược liệu khác để chữa bệnh. Ngoài ra, thành phần của loại củ này có chất saponin, là một chất có trong củ sâm Hàn Quốc rất tốt cho sức khỏe con người. Loại cây trồng này chỉ phù hợp trồng trên những sườn đồi có độ đốc từ 5% đến 10% và ở độ cao từ 1.800 m trở lên.
Hiện, trên địa bàn huyện Bát Xát có trên 90 ha hoàng sin cô, tập trung nhiều ở các xã A Lù, Sảng Ma Sáo, Y Tý, Trịnh Tường. Thay cho việc trồng nhỏ lẻ tại các diện tích đất vườn quanh nhà như trước kia, toàn thôn Tả Cổ Thàng, xã Trịnh Tường đã quyết tâm chuyển đổi 15 ha tập trung từ đất trồng ngô kém hiệu quả sang trồng loại cây hoàng sin cô và sự mạnh dạn chuyển đổi của bà con nhân dân bước đầu đã được đền đáp.
Năm nay là năm thứ 4 thôn Tả Cổ Thàng trồng cây hoàng sin cô tập trung, cây sinh trưởng và phát triển rất tốt, củ sai, to, hứa hẹn sẽ cho 375 tấn củ. Thương lái đến tận ruộng thu mua, đem đi tiêu thụ ở các tỉnh, thành trong cả nước. Thị trường được mở rộng, giúp người nông dân Bát Xát yên tâm hơn trong việc canh tác loại cây trồng này.
“Trồng cây hoàng sin cô thì có công ty thu mua, chỉ cần mang đến đường to kia là công ty mua hết, hai ba chục tấn cũng được. Hợp đồng cũng kí hết rồi, không lên không xuống, củ to 8.000, củ bé 4.000 đồng, thu nhập cao hơn lại dễ trồng hơn cây ngô, không phải bón phân mấy”, anh Giàng A Lếch, thôn Tả Cổ Thàng, xã Trịnh Tường, huyện Bát Xát chia sẻ.
Không phải dày công chăm bón, táo mèo như thứ “lộc” mà rừng núi dành tặng, đền đáp cho những ai cất công gìn giữ, bảo vệ để rừng được xanh. Từ một loài cây hoang dã, trái chín rụng rơi đầy gốc vào mùa thu mỗi năm, giờ đây quả táo mèo Lào Cai đang trở thành hàng hóa bán chạy về miền xuôi, mang lại thu nhập tương đối ổn định cho nhiều hộ gia đình. Trong đông y, loại quả này cũng là vị thuốc quý, giúp chữa một số bệnh về đường tiêu hóa.
Cũng như nhiều địa phương vùng cao, xã Y Tý (Bát Xát) có nhiều cây táo mèo. Cây mọc hoang dại xen với những tán rừng gỗ thấp, bên những nương ngô, ven đường hoặc ngay góc vườn nhỏ cũng thấp thoáng bóng cây.
Anh Phà Cà Giá, thôn Nhìu Cồ San vừa “chốt” được đơn hàng hơn 2 tạ quả táo mèo gửi xuống thành phố Lào Cai nên sáng hôm đó, anh rủ thêm một người bạn lên rừng hái táo, mang về rửa sạch, phân loại rồi mang ra điểm tập kết. Anh Giá chia sẻ, giá táo mèo ở Y Tý cũng rẻ, trung bình 5.000 đồng/kg nhưng đổi lại, táo có sẵn trong rừng, mình chỉ đi hái về bán, nên đây cũng là khoản thu đáng kể. Có những ngày, anh bán được 3 – 4 tạ quả.
Anh Cha Lò Giờ, thôn Phàn Cán Sử Mùa có 4ha đồi rừng trồng táo mèo. Táo chín, thương lái tìm đến tận nơi đặt hàng và tự vận chuyển. “Hơn 4ha táo mèo của tôi năm vừa qua cho thu về hơn 80 triệu đồng, hiệu quả kinh tế gấp nhiều lần so với trồng ngô. Cây táo mèo không cần chăm sóc nhiều như ngô, lúa nên thời gian tới tôi sẽ mở rộng diện tích hơn nữa”.
*Liên kết tiêu thụ sản phẩm
Không chỉ xuất bán sản phẩm củ quả thô, hoàng sin cô và táo mèo Lào Cai đã được liên kết tiêu thụ sản phẩm và chế biến sâu với thành phẩm đa dạng, đạt chứng nhận OCOP.
Theo Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Bát Xát, ước tính năm nay nông dân Bát Xát sẽ thu 2.250 tấn củ hoàng sin cô với mức giá dao động từ 4.000 đồng – 10.000 đồng/kg, đem về cho nông dân vùng cao Bát Xát khoảng 15,7 tỷ đồng. Nhiều đối tác sẵn sàng bao tiêu đầu ra cho bà con nông dân.
Liên tục từ năm 2019, riêng Công ty TNHH Thạch rau câu Long Hải đã hợp đồng từ đầu vụ thu mua của nông dân từ 200 – 500 tấn củ/năm để chiết xuất thành nước uống đóng chai và sản xuất trà nhúng. Công ty cam kết thu mua với giá ổn định 6 – 8 nghìn đồng/kg và giá sẽ tăng theo thị trường. Do đó, dù sâm đất được bán với giá thấp nhất là 6 nghìn đồng/kg thì người trồng vẫn lãi khoảng 80 – 100 triệu đồng/ha/năm.
Đặc biệt, tháng 12/2021, Nhà máy sơ chế củ Hoàng Sin Cô được đặt tại xã Trịnh Tường, huyện Bát Xát chính thức vận hành. Công suất thiết kế của dây chuyền này lên đến 10 tấn củ/mẻ. Củ được làm sạch, loại vỏ, thái miếng và quan trọng nhất là sấy khô.
Khác với các dây chuyền sấy khô bằng nhiệt thì đây là dây chuyền sấy khô lạnh, giúp bảo quản gần như 100% tinh chất của củ. Nhà máy đi vào hoạt động không chỉ giải quyết đầu ra cho nông sản mà quan trọng là thiết lập hệ thống chuỗi sản xuất nông nghiệp bền vững tại vùng cao Bát Xát.
Bí thư Huyện ủy Bát Xát Nguyễn Trung Triều cho biết, trong thời gian tới, sản phẩm của nhà máy hướng tới chế biến sâu, để không chỉ bán trong nước mà còn xuất khẩu.
Năm 2020, Hợp tác xã Tiên Phong Mường Vi (Bát Xát) có thêm 1 mặt hàng nông sản khác được chứng nhận đạt chuẩn OCOP 3 sao cấp tỉnh là Giấm Táo mèo Hoàng Liên. Theo Giám đốc Hợp tác xã Tiên Phong Mường Vi Cao Xuân Diễn, diện tích cây táo mèo mọc hoang ở vùng cao Y Tý, Ngải Thầu khá lớn (ước tính mỗi năm thu hoạch được khoảng 30 tấn quả).
Là doanh nghiệp đóng trên địa bàn, với mong muốn giúp đồng bào vùng cao có thêm thu nhập, Hợp tác xã đã nghiên cứu, tìm hiểu thị trường và cho ra thêm 1 loại sản phẩm nông sản mới, được chế biến từ loại quả quý của dãy Hoàng Liên Sơn, đó là sản phẩm Giấm Táo mèo. Sản phẩm thành công, khi đưa ra thị trường được người tiêu dùng đánh giá cao khi có màu vàng sóng sánh bắt mắt, vị chua thanh dịu nhẹ mà không gắt, hương thơm độc đáo.
Để có nguyên liệu làm giấm, Hợp tác xã Mường Vi thu mua quả táo mèo tươi ở mức giá 7.000 đồng/kg. Bình quân mỗi năm hợp tác xã thu mua khoảng 3 tấn quả táo mèo của người dân vùng cao để sản xuất giấm, khối lượng tương đương khoảng 10.000 lít.
Sau 3 năm ra mắt, sản phẩm OCOP 3 sao Giấm Táo mèo của đơn vị ngày càng được nhiều người tiêu dùng biết tới, mở ra cơ hội thuận lợi để người dân tham gia các chuỗi sản xuất, nâng giá trị hàng nông sản.
Năm 2021, Cục Sở hữu Trí tuệ Việt Nam đã trao Quyết định cấp Giấy chứng nhận nhãn hiệu “Táo mèo Lào Cai” góp phần hoàn thiện khung pháp lý, tạo nền tảng vững chắc cho hoạt động cung cấp các sản phẩm từ tỉnh, huyện vươn ra thị trường trong nước và quốc tế, hướng tới mục tiêu nâng cao thu nhập của người dân.
Những bước chuyển về tư duy, nhận thức trong sản xuất nông nghiệp, nông thôn và nông dân tại Lào Cai đang ngày càng thể hiện rõ nét trên từng sản phẩm đặc hữu mang thương hiệu địa phương.
Tuy không phải là những sản phẩm nông nghiệp chủ lực, song các sản phẩm nông nghiệp như củ hoàng sin cô, táo mèo đã góp phần không nhỏ trong sự phát triển kinh tế nông nghiệp, nông thôn Lào Cai theo hướng hiệu quả, bền vững, tăng thu nhập, xóa đói giảm nghèo cho đồng bào địa phương vùng cao./.
Theo BNews/