Trang chủ Tiêu điểm Tin chứng khoán: Lợi nhuận của ba doanh nghiệp “họ” dầu khí vẫn tăng mạnh

Tin chứng khoán: Lợi nhuận của ba doanh nghiệp “họ” dầu khí vẫn tăng mạnh

đăng bởi vietnamjournal

BNEWS 9 tháng của năm 2024, ba doanh nghiệp dầu khí gồm PVS, PVD và PVT vẫn “ăn nên làm ra” cho dù thị trường dầu thế giới biến động khó lường.

1. Tổng công ty cổ phần Dịch vụ Kỹ thuật Dầu khí Việt Nam (PTSC, mã chứng khoán PVS): Lợi nhuận sau thuế của PVS đạt gần 707 tỷ đồng, tăng 16,6% so với cùng kỳ năm 2023.

Theo nhận định của nhiều công ty chứng khoán, động lực tăng trưởng của PVS đến từ lĩnh vực dầu khí thượng nguồn khi tiến độ các dự án lớn trong nước như dự án Lô B – Ô Môn và Lạc Đà Vàn đang được đẩy nhanh. Bên cạnh đó, việc PVS tiếp tục triển khai thuận lợi dự án điện gió ngoài khơi để xuất khẩu điện sang Singapore cũng sẽ là động lực giúp PVS có thể tăng trưởng lợi nhuận trong thời gian tới.

Trên thị trường chứng khoán, trong phiên giao dịch vào lúc 10 giờ sáng ngày 7/11, cổ phiếu PVS đang giao dịch quanh mốc 38.100 đồng/cổ phiếu. Tính từ đầu năm đến nay, thị giá PVS tăng 0,26%, trong đó giá đóng cửa cao nhất là 45.800 đồng/cổ phiếu (23/5/2024) và giá đóng cửa thấp nhất là 36.000 đồng/cổ phiếu (23/2/2024).

2. Tổng công ty cổ phần Khoan và Dịch vụ khoan Dầu khí (PV Drilling, mã chứng khoán PVD): Lợi nhuận sau thuế của PVD đạt gần 461 tỷ đồng, tăng 34% so với cùng kỳ năm 2023.

PVD hiện sở hữu 4 giàn khoan tự nâng (PV Drilling I, PV Drilling II, PV Drilling III, PV Drilling VI), 1 giàn tiếp trợ khoan (PV Drilling V hoặc TAD) và 1 giàn khoan trên đất liền (PV Drilling 11).

Năm 2024, PVD đã ký hợp đồng cho thuê tất cả các giàn khoan; năm 2025 sẽ tái ký hợp đồng cho thuê giàn PV Drilling III; năm 2026 sẽ tái ký hợp đồng cho thuê giàn PV Drilling I, PV Drilling II, PV Drilling VI.

Trên thị trường chứng khoán, trong phiên giao dịch vào lúc 10 giờ sáng ngày 7/11, cổ phiếu PVD đang giao dịch quanh mốc 25.600 đồng/cổ phiếu. Tính từ đầu năm đến nay, thị giá PVD giảm 9,54%, trong đó giá đóng cửa cao nhất là 34.900 đồng/cổ phiếu (02/04/2024) và giá đóng cửa thấp nhất là 25.150 đồng/cổ phiếu (05/11/2024).

3. Tổng công ty cổ phần Vận tải Dầu khí (PVTrans, mã chứng khoán PVT): Lợi nhuận sau thuế của PVT đạt gần 1.201 tỷ đồng, tăng 25,4% so với cùng kỳ năm ngoái và vượt 58% kế hoạch lãi 760 tỷ đồng năm 2024.

PVT được hưởng lợi kép từ chiến lược trẻ hoá, mở rộng đội tàu trong bối cảnh xung đột địa chính trị diễn ra ở nhiều khu vực trên thế giới thúc đẩy quãng đường vận chuyển dầu kéo dài, dẫn tới giá cước tăng cao.

Hiện PVT có đội tàu chở dầu lớn nhất cả nước và nắm 100% thị phần cho mảng vận tải dầu thô cho nhà máy lọc dầu Dung Quất, nắm 30% thị phần vận chuyển dầu thành phẩm, nắm 90% thị phần vận chuyển khí LPG,  nắm 10% thị phần vận chuyển than và 10% thị phần thiết bị nổi chứa dầu (FSO).

Tính tới tháng 9/2024, PVT sở hữu và quản lý 55 tàu đa chủng loại, gồm tàu dầu thô, tàu dầu sản phẩm, tàu dầu/hóa chất, tàu LPG và tàu hàng rời, với tổng trọng tải trên 1,5 triệu DWT, hơn 85% đội tàu đang phục vụ thị trường quốc tế với các hợp đồng thuê định hạn kéo dài.

Trên thị trường chứng khoán, trong phiên giao dịch vào lúc 10 giờ sáng ngày 7/11, cổ phiếu PVT đang giao dịch quanh mốc 28.050 đồng/cổ phiếu. Tính từ đầu năm đến nay, thị giá PVT tăng hơn 18%, trong đó giá đóng cửa cao nhất là 31.953 đồng/cổ phiếu (10/06/2024) và giá đóng cửa thấp nhất là 23.223 đồng/cổ phiếu (09/01/2024).

Theo BNews/

Có thể bạn quan tâm