Trang chủ Tiêu điểm Tôn vinh tiếng Việt: Gìn giữ sự kết nối với cội nguồn dân tộc

Tôn vinh tiếng Việt: Gìn giữ sự kết nối với cội nguồn dân tộc

đăng bởi vietnamjournal

BNEWS Nằm ở trung tâm thành phố Fukuoka của Nhật Bản, có một ngôi trường mang tên Trường Học viện ngôn ngữ và văn hóa Đại Việt.

Đây chính là nơi mà mỗi cuối tuần, những trẻ em Việt Nam đang sống tại thành phố Fukuoka được học tiếng Việt và trải nghiệm những nét đẹp văn hóa quê hương.

Nhóm phóng viên TTXVN tại Nhật Bản đến trường vào những ngày đầu năm mới của Tết cổ truyền Việt Nam. Thầy hiệu trưởng Nguyễn Duy Anh cùng các giáo viên và phụ huynh đã thiết kế một không gian Tết Việt với những phong tục truyền thống như trao lì xì và những lời chúc may mắn đầu năm. Buổi học tiếng Việt được mở đầu bằng không khí Tết với những câu chuyện kể về ngày Tết ở Việt Nam. Các em vô cùng háo hức. Bằng vốn tiếng Việt của mình, các em cố gắng giải thích rằng mình rất thích Tết cổ truyển Việt Nam và thích những món ăn ngày Tết như bánh chưng, mứt Tết…

Một không gian thấm đẫm ngôn ngữ và văn hóa quê hương tại Fukuoka, đó chính là mong mỏi đã được anh Nguyễn Duy Anh biến thành hiện thực từ năm 2019. Với sự bảo trợ của Tổng lãnh sự quán Việt Nam tại Fukuoka, anh Nguyễn Duy Anh cùng với những người Việt tâm huyết đã lập nên ngôi trường Việt ngữ Đại Việt, đặt tại Học Viện Nhật ngữ GAG.

Những ngày đầu mới thành lập, trường Đại Việt chỉ có một lớp học với 8 học sinh và 3 giáo viên tình nguyện. Thế rồi đại dịch COVID-19 ập đến, do những quy định về cách ly trong giai đoạn này nên hoạt động của trường phải tạm dừng. Khi đại dịch đi qua, với quyết tâm xây dựng lại trường ngôn ngữ và văn hóa Việt cho trẻ em Việt Nam đang sống tại Fukuoka, anh Nguyễn Duy Anh đã cùng với bạn bè chung tay mở lại lớp “Tiếng Việt của em” vào năm 2023.

Hiệu trưởng Nguyễn Duy Anh cho biết sau khi đại dịch COVID-19 được kiểm soát, với sự ủng hộ của Tổng lãnh sự quán Việt Nam tại Fukuoka và Hội người Việt Nam tại Fukuoka, lớp “Tiếng Việt của em” đã được vận hành trở lại và đi vào ổn định. Với 2 lớp học tại quận Hakata, gồm một lớp dành cho các bé từ 5 tuổi trở lên và một lớp dành cho bé 5 tuổi trở xuống, trường Việt ngữ Đại Việt là nơi để trẻ em Việt Nam tìm đến để học tiếng Việt và trải nghiệm văn hóa Việt.

Chia sẻ về những khó khăn, anh Nguyễn Duy Anh cho biết với nguồn kinh phí eo hẹp, hiện tại các giáo viên của trường đều dạy học với tinh thần tình nguyện. Chính vì vậy, trường Đại Việt mong muốn nhận được sự đồng hành, chung tay của phụ huynh học sinh, cộng đồng Việt Nam và chính quyền sở tại để không chỉ duy trì các lớp học lâu dài, mà còn hướng đến những hoạt động ngoại khóa giới thiệu và trải nghiệm văn hóa Việt Nam cho trẻ em Việt Nam tại Fukuoka.

Đối với các giáo viên của trường Đại Việt, khó khăn hiện tại là việc tìm được giáo trình phù hợp cho trẻ em Việt Nam tại Nhật Bản. Theo cô giáo Phương Anh, do đặc thù chữ tượng hình của ngôn ngữ Nhật, nên bảng chữ cái Tiếng Việt thuộc hệ chữ Latinh là điều cực kì mới mẻ và khó thích nghi với các em. Bên cạnh đó, chữ viết tiếng Việt khá nhiều nét uốn nên Hội phụ huynh đã thống nhất dạy các con chữ in thường, giúp trẻ dễ nhớ mặt chữ hơn. Cùng với đó, kiểu chữ viết thường được giới thiệu song song để các con biết mặt chữ và luyện tập sau này.

“Tủ sách tiếng Việt” đặt tại trường giúp các học sinh có thể tiếp cận với tiếng Việt ngay cả khi ở ngoài giờ học. Tủ sách được khai trương ngày 20/8/2023 và là tủ sách tiếng Việt đầu tiên dành cho người Việt Nam ở nước ngoài, cung cấp tài liệu cho các học sinh và giáo viên của lớp “Tiếng Việt của em” tại Fukuoka.  Anh Nguyễn Duy Anh khẳng định tủ sách là nguồn tài liệu quý báu, thúc đẩy tình yêu và niềm tự hào về tiếng Việt trong cộng đồng người Việt tại Fukuoka.

Đối với phụ huynh, lịch học, hội thao và lịch học bù cuối tuần của các con ở các trường học phổ thông Nhật Bản khác nhau nên việc học bị gián đoạn nhiều. Chình vì vậy, giáo viên và phụ huynh đã lập Hội phụ huynh để các giáo viên và cha mẹ trao đổi về tình hình các con cũng như bài tập và các hoạt động bổ trợ.

Anh Nguyễn Thế Vinh, một phụ huynh có con theo học tại lớp “Tiếng Việt của em”, bộc bạch anh muốn con học tiếng Việt để giữ gìn ngôn ngữ quê hương và kết nối với các thành viên gia đình ở Việt Nam. Chị Trang, có 2 con đang theo học lớp “Tiếng Việt của em”, chia sẻ việc cho con học tiếng Việt là để các con giữ gìn được nguồn gốc, kết nối được với cội nguồn đất nước.

Bằng nhiều phương pháp linh hoạt và phù hợp, lớp “Tiếng Việt của em” đang vận hành một cách hiệu quả, nhận được sự hưởng ứng tích cực của phụ huynh và học sinh. Học sinh đến trường Đại Việt, nơi vừa là môi trường để các em cùng nhau thực hành những điều đã học và cũng là “ngôi nhà chung” để các gia đình Việt Nam tại Fukuoka gắn bó cho một cộng đồng Việt Nam đoàn kết tại Nhật Bản.

Anh Nguyễn Duy Anh cho biết cùng với những người tâm huyết và sự hỗ trợ của Tổng lãnh sự quán Việt Nam tại Fukuoka, anh đang ấp ủ những kế hoạch thực hiện trong năm 2025, trong đó có việc xây dựng đội ngũ giáo viên và giáo án online để mở thêm lớp trực tuyến cho các gia đình ở xa trung tâm khó tiếp cận các lớp học trực tiếp nhưng vẫn mong muốn cho con tham gia học tiếng Việt.

Là một người nhiệt huyết với công tác cộng đồng, với nhiều cương vị như Ủy viên trung ương Ủy ban Mặt trận tổ quốc Việt Nam, Chủ tịch Hội người Việt Nam tại Fukuoka, anh Nguyễn Duy Anh luôn mong muốn giữ gìn tiếng Việt cho các thế hệ trẻ em Việt Nam sinh ra và lớn lên tại Nhật Bản, coi đó nền tảng cho việc duy trì một cộng đồng Việt Nam gắn bó, đoàn kết và luôn hướng về quê hương.

Anh dự định nhân rộng mô hình lớp học “Tiếng Việt của em” sang các quận khác trong tỉnh Fukuoka cũng như các tỉnh lân cận, nhằm đáp ứng được mong muốn của nhiều gia đình về gìn giữ sự kết nối liền mạch với quê hương, với nguồn cội.

Theo BNews/

Có thể bạn quan tâm