Theo đó, để khuyến khích các phương tiện dán thẻ, Tổng cục Đường bộ Việt Nam yêu cầu các đơn vị phối hợp với Cục Cảnh sát giao thông tăng cường phân luồng giao thông, xử nghiêm các phương tiện đi sai làn thu phí ETC tại trạm thu phí.
Tổng cục Đường bộ Việt Nam cũng yêu cầu các đơn vị liên quan phối hợp với Cục Đăng kiểm Việt Nam đồng bộ, chia sẻ dữ liệu phương tiện xe cơ giới để hỗ trợ quá trình vận hành hệ thống thu phí ETC. Đồng thời, tăng cường tuyên truyền về việc dán thẻ định danh cho các phương tiện và lợi ích của dự án để tạo sự đồng thuận của xã hội.
Các nhà đầu tư dự án BOT, nhà cung cấp dịch vụ thu phí được Tổng cục Đường bộ Việt Nam yêu cầu hoàn thiện thủ tục liên quan đến hệ thống thu phí điện tử không dừng trước ngày 30/4/2022. Các nhà cung cấp dịch vụ thu phí khắc phục triệt để các tồn tại, bất cập trong quá trình vận hành hệ thống.
Đặc biệt, lãnh đạo Tổng cục Đường bộ Việt Nam khẳng định, sẽ xử lý trách nhiệm các cá nhân, đơn vị khi xảy ra lỗi kỹ thuật, gây ùn tắc, khó khăn cho người và phương tiện tham gia giao thông.
Liên quan đến tiến độ thực hiện thí điểm cao tốc Hà Nội – Hải Phòng chỉ có thu phí không dừng, Tổng cục Đường bộ Việt Nam yêu cầu Tổng công ty Phát triển hạ tầng và Đầu tư tài chính Việt Nam (VIDIFI) và đơn vị liên quan chủ động triển khai thực hiện các nhiệm vụ được giao, báo cáo Bộ Giao thông vận tải quyết định triển khai thí điểm.
Đại diện lãnh đạo Vụ Pháp chế – Thanh tra (Tổng cục Đường bộ Việt Nam) cho hay, Nghị định 100/2019/NĐ-CP của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ, đường sắt quy định phạt tiền 1 – 2 triệu đồng đối với người điều khiển xe không đủ điều kiện đi vào làn đường dành riêng thu phí theo hình thức điện tử tự động không dừng.
“Việc chưa cụ thể hóa như thế nào là xe không đủ điều kiện để thu phí theo hình thức điện tử tự động không dừng khiến nhiều chủ phương tiện vẫn đi vào làn thu phí ETC gây ùn tắc tại trạm thu phí”, đại diện Vụ Pháp chế – Thanh tra cho biết.
Cũng theo đại diện Vụ Pháp chế – Thanh tra, Nghị định 123/2021/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ, đường sắt sửa đổi, bổ sung một số điều Nghị định 100/2019/NĐ-CP đã làm rõ, cụ thể hơn các trường hợp không đủ điều kiện để thu phí tự động không dừng.
Theo đó, hành vi không đủ điều kiện thu phí không dừng là xe không gắn thẻ đầu cuối hoặc gắn thẻ đầu cuối mà số tiền trong tài khoản thu phí không đủ để chi trả khi qua làn thu phí điện tử không dừng.
Người điều khiển xe không đủ điều kiện để thu phí theo hình thức thu phí ETC đi vào làn đường dành riêng thu phí theo hình thức này tại các trạm thu phí sẽ bị phạt từ 1 – 2 triệu đồng.
“Việc sửa đổi, bổ sung các vi phạm liên quan đến thu phí theo hình thức tự động không dừng để mô tả lại các hành vi vi phạm cho rõ ràng, đảm bảo tính thống nhất, dễ thực hiện, minh bạch trong quá trình áp dụng xử phạt vi phạm hành chính”, đại diện Vụ Pháp chế – Thanh tra cho hay.
Trước đó tại Công điện 155/CĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ cho biết, đến nay số xe dán thẻ định danh để sử dụng dịch vụ ETC còn thấp (đạt khoảng 50% số xe trên toàn quốc), điều này chưa phát huy tốt hiệu quả của hệ thống thu phí theo hình thức ETC.
Để phát huy hiệu quả hệ thống thu phí theo hình thức ETC, góp phần giảm ùn tắc giao thông và minh bạch trong hoạt động thu phí, tiến tới xóa bỏ hình thức thu phí thủ công, Thủ tướng yêu cầu các bộ trưởng, thủ trưởng cơ quan ngang bộ, thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố; người đứng đầu các cơ quan và tổ chức đoàn thể chính trị – xã hội ở trung ương và địa phương chỉ đạo dán thẻ định danh đối với toàn bộ ô tô thuộc phạm vi quản lý của cơ quan, đơn vị (kể cả đối với các đơn vị trực thuộc) để sử dụng dịch vụ ETC khi tham gia giao thông qua các trạm thu phí.
Bên cạnh đó, các đơn vị trên vận động cán bộ, công chức, viên chức, người lao động của cơ quan, đơn vị, địa phương gương mẫu thực hiện dán thẻ định danh đối với ô tô cá nhân để tham gia dịch vụ ETC, không sử dụng hình thức thu phí thủ công kể từ ngày 1/6/2022…
Theo Báo Tin Tức