BNEWS Các nhà nghiên cứu Trung Quốc đã mô phỏng các cấu trúc linh hoạt hình xoắn ốc có trong tự nhiên như vòi voi, vòi bạch tuộc, đuôi tắc kè,… để tạo ra cánh tay robot mang tên SpiRobs.
Lấy cảm hứng từ chuyển động nhanh nhẹn và khéo léo của vòi voi và xúc tu bạch tuộc, các nhà khoa học Trung Quốc đã phát triển một cánh tay robot có thể đáp ứng những nhiệm vụ đa dạng cần sự linh hoạt và mềm mại với chi phí sản xuất thấp.
Các nhà nghiên cứu từ Đại học Khoa học và Công nghệ Trung Quốc đã sử dụng các kỹ thuật đảo ngược mô phỏng các cấu trúc linh hoạt hình xoắn ốc có trong tự nhiên như vòi voi, vòi bạch tuộc, đuôi tắc kè,… để tạo ra cánh tay robot mang tên SpiRobs. Theo nghiên cứu được công bố trên tạp chí Device, SpiRobs có thể thực hiện các thao tác cầm nắm tinh vi thông qua một loạt chuyển động, bao gồm quay tròn, kéo dài, quấn và nắm chặt, với tỷ lệ thành công gần 95%. Cánh tay này có thể nắm chặt các vật thể có đường kính lớn hơn hai cấp độ và chịu được tải trọng gấp 260 lần trọng lượng của chính nó.
Trong video giới thiệu, SpiRobs đã thể hiện khả năng ấn tượng như dễ dàng cầm nắm các vật thể mỏng manh như trứng hay dâu tây; bắt một quả bóng tennis bay đến hay làm nảy một quả bóng bàn lên bằng một cú đánh nhẹ, chính xác. Trong thử nghiệm thực địa, cánh tay rô-bốt được gắn vào thiết bị bay không người lái đã khéo léo quấn vào quai và nâng một xô nước lên, cho thấy tiềm năng ứng dụng linh hoạt của sản phẩm này.
Đáng chú ý, nhóm nghiên cứu đã sử dụng công nghệ in 3D với các vật liệu giá cả phải chăng như polyurethane, nhựa và giấy để sản xuất các nguyên mẫu ở nhiều quy mô khác nhau, từ centimet đến mét, nhằm chứng minh tiềm năng thương mại của sản phẩm này.
Source: BNews