Trang chủ Tiêu điểm Tư thế ngồi lái xe không bị đau lưng: Bí quyết giữ sức khỏe cho tài xế

Tư thế ngồi lái xe không bị đau lưng: Bí quyết giữ sức khỏe cho tài xế

đăng bởi vietnamjournal

BNEWS Đau lưng là tình trạng phổ biến với nhiều tài xế khi phải lái xe trong thời gian dài hoặc liên tục. Tuy nhiên, không phải ai cũng biết tư thế ngồi đúng cách sẽ giúp ngăn ngừa cảm giác khó chịu này.

Bài viết dưới đây sẽ hướng dẫn bạn cách điều chỉnh tư thế ngồi lái xe chuẩn khoa học, giúp hạn chế tối đa nguy cơ đau lưng và mỏi cơ.

Vì sao lái xe lâu dễ bị đau lưng?

Khi ngồi lái xe trong thời gian dài, cột sống phải chịu áp lực liên tục mà ít được vận động. Đặc biệt, việc ngồi sai tư thế – như ghế ngả quá sâu, lưng không được hỗ trợ, tay chân duỗi thẳng căng hoặc co gập quá mức – dễ dẫn đến căng cơ, lệch đĩa đệm và mỏi vai gáy. Ngoài ra, các yếu tố như mặt đường xóc, tư thế chống tay sai cách cũng góp phần gây đau mỏi lưng dưới và lưng trên.

Việc ngồi lái xe sai tư thế có thể gây ra căng cơ vùng thắt lưng; đau vai gáy, tê tay chân; lệch cột sống, ảnh hưởng đĩa đệm; giảm khả năng quan sát và phản xạ khi lái xe.

Để hạn chế đau lưng khi lái xe

Đường cong 120 độ trong ảnh minh họa thể hiện góc giữa hai bộ phận cơ thể, ví dụ như: Cánh tay và cẳng tay khi ôm vô-lăng (góc ở khuỷu tay), đùi và cẳng chân khi chân đạp ga hoặc phanh, lưng và đùi khi tựa vào lưng ghế, góc 120 độ ở đây là cách mô tả tư thế thoải mái và đúng chuẩn công thái học.

Qua đó, giúp người lái dễ kiểm soát xe, không bị mỏi cơ khi lái lâu, đảm bảo an toàn khi xảy ra va chạm (hạn chế chấn thương). Cụ thể:

– Góc 120° ở tay (khuỷu tay): Tay cầm vô-lăng đặt ở vị trí “9 giờ – 3 giờ”, tay không nên duỗi thẳng hoặc co gập quá nhiều. Góc 120° là góc giữa cánh tay (từ vai đến khuỷu) và cẳng tay (từ khuỷu đến bàn tay) — nghĩa là tay hơi cong tự nhiên, như hình chữ “L” mở rộng một chút.

– Góc 120° ở chân (đầu gối): Khi chân bạn đặt ở bàn đạp ga hoặc phanh, đùi và cẳng chân nên tạo thành góc khoảng 120°. Tức là đầu gối hơi gập, không thẳng đơ (180°) mà cũng không gập quá (nhỏ hơn 90°)  để bạn dễ dàng nhấn bàn đạp và phản ứng nhanh.

– Góc 100–110° ở lưng ghế: Đây là góc giữa phần lưng và phần đùi, tức là mức ngả nhẹ của lưng ghế. Nếu ngả quá sâu sẽ khiến bạn mất kiểm soát vô-lăng và dễ mệt mỏi. Nếu dựng quá đứng lại gây áp lực lên cột sống.

1. Tựa lưng vào ghế một cách đầy đủ

Lưng phải được tựa hoàn toàn vào phần tựa lưng của ghế. Hông cần sát lưng ghế, không để lưng bị cong hay võng. Nếu ghế không hỗ trợ tốt vùng lưng dưới, bạn nên sử dụng thêm đệm lưng nhỏ để nâng đỡ cột sống.

2. Điều chỉnh lưng ghế nghiêng khoảng 100–110 độ

Góc nghiêng của phần tựa lưng so với mặt ghế ngồi lý tưởng là từ 100 đến 110 độ. Nếu ngồi quá thẳng (90 độ) dễ gây áp lực lên đĩa đệm lưng. Nếu ngả quá sâu, bạn sẽ phải rướn người về phía vô-lăng, gây mỏi lưng và cổ.

3. Khoảng cách đến vô-lăng hợp lý

Tay cầm vô-lăng: Đặt tay ở vị trí 9 giờ và 3 giờ (tưởng tượng mặt đồng hồ), khuỷu tay nên cong khoảng 120 độ. Nếu tay quá duỗi sẽ mỏi vai; nếu quá co sẽ hạn chế thao tác lái. Tốt nhất, bạn điều chỉnh ghế sao cho cổ tay chạm được đỉnh vô-lăng khi duỗi thẳng tay.

Vai thả lỏng, tiếp xúc đều với lưng ghế, không nhô về trước.

4. Chân không duỗi căng hoặc co quá mức

Chân phải đặt thoải mái lên bàn đạp ga và phanh, không lơ lửng hoặc rướn. Góc giữa đùi và cẳng chân nên khoảng 120 độ. Gối không nên cao hơn hông để tránh cản trở tuần hoàn máu.

Chân trái (với xe số sàn): Dễ dàng đạp côn mà không phải nghiêng người.

Tuyệt đối tránh bắt chéo chân, ngồi nghiêng hoặc tỳ chân vào ghế.

5. Tựa đầu và gối đầu đúng cách

Phần tựa đầu phải ở đúng tầm gáy, cách đầu khoảng 2–4 cm. Gối đầu quá cao hoặc quá thấp dễ gây chấn thương cổ nếu có va chạm. Trong trường hợp xảy ra va chạm, tựa đầu giúp giảm chấn thương vùng cổ, đặc biệt với tai nạn từ phía sau.

Thêm mẹo giúp giảm đau lưng khi lái xe

– Nghỉ giải lao sau mỗi 1–2 giờ lái xe: Xuống xe, đi lại, duỗi lưng và xoay người nhẹ nhàng để thư giãn cơ lưng.

– Sử dụng đệm lưng hoặc đệm ngồi chuyên dụng: Đệm hỗ trợ thắt lưng giúp phân bổ lực đều, giảm áp lực lên cột sống.

– Không để ví dày ở túi sau: Ngồi lệch vì ví có thể gây lệch xương hông và đau lưng.

– Tập thể dục nhẹ nhàng hằng ngày: Tăng cường cơ lưng, cơ bụng giúp bạn ngồi lâu mà không mỏi.

Ưu tiên chọn xe có thiết kế hỗ trợ tư thế

– Xe có ghế lái chỉnh điện đa hướng, hỗ trợ đệm lưng và nâng đùi sẽ giúp tối ưu hóa tư thế.

– Nếu thường xuyên lái xe đường dài, đầu tư một mẫu ghế ngồi hoặc đệm lưng chất lượng là hoàn toàn xứng đáng.

Theo các chuyên gia ô tô, đừng đợi đến khi đau lưng mới nghĩ đến việc chỉnh tư thế lái xe. Tư thế ngồi lái xe chuẩn không chỉ bảo vệ cột sống mà còn giúp bạn lái xe an toàn và thoải mái hơn. Dù là tài xế chuyên nghiệp hay người dùng xe cá nhân.

Tư thế ngồi khi lái xe tưởng chừng đơn giản nhưng lại ảnh hưởng lớn đến sức khỏe cột sống, đặc biệt với những ai thường xuyên cầm vô-lăng. Hãy điều chỉnh ghế và vô-lăng một cách khoa học ngay từ hôm nay để bảo vệ lưng và tạo cảm giác thoải mái hơn mỗi khi lên xe.

Theo BNews/

Có thể bạn quan tâm