Trang chủ Tiêu điểm Việt Nam hoàn thành xuất sắc vai trò đồng Chủ tịch Chương trình Đông Nam Á của OECD nhiệm kỳ 2022-2025

Việt Nam hoàn thành xuất sắc vai trò đồng Chủ tịch Chương trình Đông Nam Á của OECD nhiệm kỳ 2022-2025

đăng bởi vietnamjournal

BNEWS Các nhà lãnh đạo chúc mừng Việt Nam đã hoàn thành xuất sắc vai trò đồng Chủ tịch Chương trình Đông Nam Á của OECD trong giai đoạn kinh tế thế giới và khu vực đối mặt với nhiều thách thức.

Ngày 2/5, tại thủ đô Bangkok, Thái Lan, Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) đã tổ chức Diễn đàn Khu vực Đông Nam Á của với chủ đề “OECD và Đông Nam Á: Quan hệ đối tác vì Thịnh vượng”. Tham dự sự kiện có Tổng Thư ký OECD Mathias Cormann; Bộ trưởng Ngoại giao Thái Lan Maris Sangiampongsa; Bộ trưởng Ngoại giao Lào Thongsavanh Phomvihane; các đại sứ, trưởng phái đoàn, đại diện lãnh đạo các nước thành viên OECD và Đông Nam Á tại Thái Lan. Thứ trưởng Ngoại giao Nguyễn Minh Hằng tham dự diễn đàn với tư cách đồng Chủ tịch Chương trình Đông Nam Á (SEARP) của OECD nhiệm kỳ 2022-2025.

Theo phóng viên TTXVN tại Bangkok, phát biểu tại Phiên khai mạc, Tổng Thư ký OECD Mathias Cormann nêu bật vai trò ngày càng quan trọng của khu vực Đông Nam Á trong nền kinh tế toàn cầu và cấu trúc khu vực, nhấn mạnh những tiến bộ vượt bậc của quan hệ đối tác Đông Nam Á – OECD thời gian qua; chia sẻ tầm nhìn về xây dựng OECD trở thành diễn đàn xây dựng chính sách và quản trị toàn cầu có tầm ảnh hưởng và bao trùm, với sự tham gia và đóng góp của các nước Đông Nam Á.

Bộ trưởng Ngoại giao Thái Lan Maris Sangiampongsa tái khẳng định tầm quan trọng của hợp tác đa phương, nhấn mạnh Thái Lan coi trọng hợp tác với OECD và đang triển khai tích cực lộ trình gia nhập OECD.

Cũng trong phát biểu tại phiên khai mạc, Thứ trưởng Ngoại giao Nguyễn Minh Hằng chia sẻ đánh giá về bối cảnh quốc tế và khu vực nhiều biến động, bất định, tác động nhiều chiều, sâu rộng đến chủ nghĩa đa phương, toàn cầu hóa và phát triển kinh tế – xã hội của các quốc gia; nhấn mạnh quan hệ đối tác Đông Nam Á – OECD, với tâm điểm là chương trình SEARP, đã đạt nhiều thành tựu tích cực, đóng góp vào quá trình cải cách kinh tế, hội nhập khu vực và phát triển bền vững, bao trùm.

Thứ trưởng Nguyễn Minh Hằng đưa ra 3 đề xuất về định hướng hợp tác giữa hai bên trong thời gian tới. Thứ nhất, chương trình SEARP cần chú trọng hỗ trợ tiến trình cải cách kinh tế của các nước Đông Nam Á, thúc đẩy các động lực tăng trưởng mới, nhất là chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, đổi mới sáng tạo, khoa học công nghệ, thông qua cung cấp các nghiên cứu, khuyến nghị chính sách và các chương trình xây dựng năng lực đặc thù với từng quốc gia, hướng đến các tiêu chuẩn quản trị của OECD. Thứ hai, cần tạo các cơ hội để các nước Đông Nam Á tăng cường hợp tác với OECD nhằm đóng góp xây dựng hệ thống quản trị toàn cầu theo hướng công bằng, minh bạch, hiệu quả và sẵn sàng cho tương lai. Thứ ba, thúc đẩy cách tiếp cận hai chiều, đưa khu vực gần với OECD hơn và ngược lại nhằm củng cố lòng tin và hiểu biết lẫn nhau thông qua đối thoại thực chất, hướng đến tuân thủ các tiêu chuẩn quản trị của OECD phù hợp với điều kiện thực tế và năng lực triển khai của các nước Đông Nam Á, tạo thuận lợi cho một số quốc gia trong khu vực triển khai lộ trình gia nhập OECD.

Tại diễn đàn, các đại biểu đã thảo luận sôi nổi về các biện pháp tăng cường và làm sâu sắc hơn quan hệ đối tác giữa OECD và khu vực, trong đó có tăng cường tham gia và đóng góp thực chất của khu vực vào các thảo luận xây dựng và hoạch định chính sách trong khuôn khổ OECD.

* Trong khuôn khổ diễn đàn, Thứ trưởng Nguyễn Minh Hằng đã có các cuộc tiếp xúc song phương với Tổng Thư ký OECD Mathias Cormann, Trợ lý Thứ trưởng thứ nhất Bộ Ngoại giao và Ngoại thương Australia Robyn Mudie, và Đại sứ, Trưởng Phái đoàn Nhật Bản tại OECD Jun Shimmi.

Tổng Thư ký OECD đánh giá cao những thành tựu phát triển kinh tế-xã hội và chiến lược phát triển của Việt Nam, khẳng định sẵn sàng hợp tác, hỗ trợ Việt Nam trong kỷ nguyên phát triển mới. Trợ lý Thứ trưởng thứ nhất Bộ Ngoại giao và Ngoại thương Australia Robyn Mudie đánh giá cao sáng kiến tổ chức Diễn đàn khu vực cấp Bộ trưởng thường niên của Việt Nam, cũng như vai trò dẫn dắt của Việt Nam đối với Chương trình SEARP trong 3 năm qua.

Các nhà lãnh đạo chúc mừng Việt Nam đã hoàn thành xuất sắc vai trò đồng Chủ tịch Chương trình Đông Nam Á của OECD trong giai đoạn kinh tế thế giới và khu vực đối mặt với nhiều thách thức, trong đó Việt Nam đã phát huy vai trò đồng Chủ tịch thúc đẩy thành công 3 ưu tiên của chương trình, bao gồm hỗ trợ các nước Đông Nam Á phục hồi kinh tế sau đại dịch COVID-19, hỗ trợ thúc đẩy quá trình cải cách chính sách pháp luật tại các nước và đưa các nước khu vực gần hơn với OECD với kết quả nổi bật là Thái Lan và Indonesia đã khởi động lộ trình đàm phán hướng tới trở thành thành viên của OECD.

Thứ trưởng Nguyễn Minh Hằng cảm ơn sự hỗ trợ và đồng hành quý báu của Ban Thư ký OECD, Australia, Nhật Bản nói riêng và các nước thành viên OECD nói chung trong thời gian vừa qua; khẳng định Việt Nam cam kết tiếp tục tham gia, đóng góp tích cực cho chương trình SEARP và mối quan hệ đối tác giữa OECD và khu vực Đông Nam Á, cũng như nâng tầm hơn nữa quan hệ Việt Nam-OECD, tập trung vào xây dựng Chương trình Quốc gia Việt Nam-OECD và tham gia tích cực tại các cơ chế của OECD. Nhân dịp này, Thứ trưởng Nguyễn Minh Hằng đề nghị Ban Thư ký OECD và các nước thành viên OECD tiếp tục hỗ trợ Việt Nam trong giai đoạn phát triển chiến lược mới, nhất là về hoàn thiện thể chế, chính sách, cải thiện môi trường đầu tư nhằm tăng cường thu hút đầu tư chất lượng cao, thúc đẩy đổi mới sáng tạo, khoa học – công nghệ và phát triển khu vực kinh tế tư nhân.

Trước đó, cũng trong khuôn khổ hợp tác với OECD, từ ngày 29/4-1/5, đã diễn ra cuộc họp tham vấn về Báo cáo Kinh tế Việt Nam tại trụ sở OECD (Paris, Pháp) với sự tham dự trực tiếp của đoàn Việt Nam do Thứ trưởng Ngoại giao Nguyễn Minh Hằng dẫn đầu và sự tham dự trực tuyến của Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Phạm Thanh Hà, đại diện lãnh đạo các Bộ Tài chính, Nông nghiệp và Môi trường, Công Thương và Thanh tra Chính phủ.

Phát biểu tại cuộc họp, Thứ trưởng Nguyễn Minh Hằng nhấn mạnh việc hợp tác xây dựng Báo cáo Kinh tế Việt Nam 2025, cùng với các Báo cáo đánh giá đa chiều 2025 và Báo cáo rà soát chất lượng FDI, là minh chứng rõ nét cho quan hệ đối tác ngày càng thực chất giữa Việt Nam và OECD. Thứ trưởng chia sẻ các định hướng, ưu tiên phát triển của Việt Nam trong thời gian tới, nhấn mạnh báo cáo cần đề ra lộ trình phù hợp, bảo đảm bám sát với điều kiện phát triển của Việt Nam, phản ánh đầy đủ các định hướng chiến lược của Việt Nam trong thời gian tới, bao gồm kiên định thực hiện mục tiêu tăng trưởng trên 8% năm 2025 và hai con số trong giai đoạn tiếp theo, đẩy mạnh 3 đột phá chiến lược về thể chế, hạ tầng, nguồn nhân lực, phát triển mạnh mẽ khoa học – công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số, đưa khu vực kinh tế tư nhân trở thành một động lực quan trọng nhất của nền kinh tế, tiếp tục hội nhập quốc tế sâu rộng, toàn diện…

Trong không khí sôi nổi và mang tính xây dựng, các nước thành viên OECD đánh giá cao những thành tựu phát triển kinh tế – xã hội của Việt Nam, tiềm năng phát triển và thu hút đầu tư trong thời gian tới, đồng thời đưa ra nhiều khuyến nghị thực chất, bám sát thực tiễn phát triển của Việt Nam trong bối cảnh kinh tế toàn cầu đang chuyển đổi sâu sắc.

Báo cáo Kinh tế (Economic Survey) được OECD định kỳ xây dựng cho các quốc gia thành viên và một số đối tác quan trọng. Báo cáo Kinh tế Việt Nam 2025 do OECD thực hiện nhằm cập nhật đánh giá toàn diện các mặt của nền kinh tế và đưa ra kiến nghị cụ thể về thúc đẩy các nền tảng vĩ mô phục vụ tăng trưởng, hướng tới phát triển bao trùm, mở khóa tăng trưởng kinh tế carbon thấp, phát huy các dòng thương mại và đầu tư để thúc đẩy nâng suất. Báo cáo được nhiều quốc gia coi trọng, đánh giá cao và xem đây là nguồn tham khảo hữu ích để định hướng, xây dựng các chính sách điều hành kinh tế, xã hội.

Theo BNews/

Có thể bạn quan tâm