Trang chủ Tiêu điểm Vốn thực hiện quy hoạch Sóc Trăng đến năm 2030 dự kiến 340.000 tỷ đồng

Vốn thực hiện quy hoạch Sóc Trăng đến năm 2030 dự kiến 340.000 tỷ đồng

đăng bởi vietnamjournal

BNEWS Dự kiến nguồn vốn đầu tư để thực hiện kế hoạch quy hoạch tỉnh Sóc Trăng đến năm 2030 là 340.000 tỷ đồng (giai đoạn 2021-2025 là 130.000 tỷ đồng, giai đoạn 2026-2030 là 210.000 tỷ đồng).

Tỉnh Sóc Trăng đang triển khai thực hiện đồng bộ các giải pháp quy hoạch phát triển kinh tế – xã hội đến năm 2030, tầm nhìn đến 2050; trong đó, đẩy mạnh thực hiện các dự án đầu tư hạ tầng, phát triển vùng kinh tế, thu hút nhà đầu tư trên các lĩnh vực công nghiệp chế biến, năng lượng tái tạo, dịch vụ logistics, du lịch sinh thái…

Dự kiến nguồn vốn đầu tư để thực hiện kế hoạch quy hoạch tỉnh Sóc Trăng đến năm 2030 là 340.000 tỷ đồng (giai đoạn 2021-2025 là 130.000 tỷ đồng, giai đoạn 2026-2030 là 210.000 tỷ đồng); trong đó vốn khu vực Nhà nước chiếm từ 14-15%, vốn khu vực ngoài Nhà nước chiếm từ 72-73% và vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài chiếm 12-14%. Theo Quyết định Quyết định 995/QĐ-TTg ngày 25 tháng 8 năm 2023 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quy hoạch tỉnh Sóc Trăng thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050, mục tiêu đến năm 2030, Sóc Trăng là một trong những tỉnh phát triển khá của vùng Đồng bằng sông Cửu Long; có công nghiệp, thương mại, dịch vụ phát triển, nông nghiệp hiện đại và bền vững; hình thành cảng biển ngoài khơi cửa biển Trần Đề và có hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, từng bước hiện đại; hệ thống đô thị phát triển theo hướng xanh, thông minh bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu. Quốc phòng, an ninh và trật tự, an toàn xã hội được bảo đảm, người dân có cuộc sống phồn vinh, văn minh và hạnh phúc. Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng Trần Văn Lâu cho biết: Địa phương đang triển khai nhiều giải pháp đồng bộ trong thực hiện quy hoạch phát triển kinh tế – xã hội theo quyết định phê duyệt của Thủ tướng Chính phủ. Tỉnh xây dựng lộ trình tổ chức triển khai có hiệu quả các chương trình, dự án nhằm hoàn thành các mục tiêu, nhiệm vụ quy hoạch đã đề ra. Cùng đó, xác định tiến độ và nguồn lực thực hiện các chương trình, dự án; xây dựng các chính sách, giải pháp nhằm thu hút các nguồn lực xã hội trong việc thực hiện quy hoạch tỉnh. Lãnh đạo UBND tỉnh phân công trách nhiệm chủ trì và trách nhiệm phối hợp giữa các sở, ngành tỉnh Sóc Trăng và bộ, ngành trung ương để bảo đảm thực hiện hiệu quả quy hoạch tỉnh; đồng bộ hệ thống quy hoạch trên địa bàn tỉnh; bảo đảm thống nhất giữa quy hoạch tỉnh với quy hoạch tổng thể quốc gia, quy hoạch ngành cấp quốc gia, quy hoạch vùng. Cũng theo Chủ tịch UBND tỉnh Trần Văn Lâu, thực hiện Quyết định 995, tỉnh Sóc Trăng có 4 vùng phát triển kinh tế – xã hội gồm: vùng ven biển, vùng ven sông Hậu, vùng nội địa và vùng Cù Lao Dung. UBND tỉnh đã phê duyệt quy hoạch vùng huyện Cù Lao Dung đến năm 2040, tầm nhìn đến năm 2050. Với mục tiêu phát triển, xây dựng huyện Cù Lao Dung trở thành nơi đáng sống, có hình ảnh đặc trưng hấp dẫn du khách và nhà đầu tư gắn với thương hiệu xanh – sinh thái cảnh quan môi trường, phát huy bản sắc văn hóa, đảm bảo an ninh quốc phòng và thích ứng với biến đổi khí hậu. Tỉnh đề ra hướng phát triển lấy thị trấn Cù Lao Dung làm đô thị hạt nhân, mở rộng đô thị ra các xã phụ cận, làm nền tảng để đẩy nhanh tiến độ đô thị hóa, phát triển huyện trở thành thị xã trong tương lai; xây dựng và phát triển các đô thị, điểm dân cư nông thôn kết hợp cảnh quan sông nước, thân thiện với môi trường thiên nhiên. Ông Trần Văn Nguyên, Chủ tịch UBND huyện Cù Lao Dung thông tin, địa phương đang triển khai quy hoạch chi tiết cũng như quy hoạch phân khu nhằm cụ thể hóa quy hoạch của tỉnh đối với huyện; trong đó tập trung phát triển kinh tế du lịch và nông nghiệp công nghệ cao; đồng thời kêu gọi doanh nghiệp đến đầu tư để tạo điều kiện cho Cù Lao Dung phát triển nhanh trong thời gian tới. Theo quy hoạch, vùng Cù Lao Dung định hướng phát triển chủ yếu về du lịch kết hợp đô thị, thương mại, dịch vụ và các mô hình nông nghiệp. Đây được xem là vùng đặc biệt, vùng du lịch trọng điểm của tỉnh với tầm nhìn trở thành nơi nghỉ dưỡng cao cấp – nơi đáng sống của người dân trong và ngoài tỉnh. Ông Trần Văn Nguyên, Chủ tịch UBND huyện Cù Lao Dung thông tin thêm, hiện nay dự án cầu Đại Ngãi 2 (nối huyện Cù Lao Dung với đất liền) dự kiến thông xe kỹ thuật vào 30/4/2025 là cơ hội để huyện phát triển kinh tế – văn hóa – xã hội nói chung, phát triển kinh tế của người dân cù lao nói riêng. Bởi khi có cầu sẽ giảm rất nhiều chi phí trong vận chuyển mua bán hàng hóa nông sản, nhà doanh nghiệp đến đầu tư. Phó Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng Lâm Hoàng Nghiệp cho biết, kế hoạch thực hiện quy hoạch tỉnh Sóc Trăng thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050 sẽ tập trung ưu tiên cho việc hoàn thành và đẩy nhanh các dự án có kết cấu hạ tầng có sức lan tỏa lớn, có tính kết nối liên vùng, đặc biệt kết cấu hạ tầng giao thông chiến lược của tỉnh. Một số dự án trọng điểm như: Bến cảng Trần Đề, hành lang kinh tế Bắc Nam (Quốc lộ 1, quản lộ Phụng Hiệp- Cà Mau), tuyến đường ven biển kết nối Sóc Trăng – Bạc Liêu, Quốc lộ 60 kết nối Sóc Trăng – Trà Vĩnh, Cầu Đại Ngãi; Hành lang kinh tế Đông – Tây kết nối tỉnh Sóc Trăng với các tỉnh phía Tây vùng Đồng bằng sông Cửu Long… Ngoài ra, đầu tư hoàn thiện hạ tầng thủy lợi, đê điều, phòng chống thiên tai, ứng phó với biến đổi khí hậu nước biển dâng. Tỉnh ưu tiên thu hút đầu tư các ngành, lĩnh vực bao như: công nghiệp chế biến, năng lượng tái tạo, dịch vụ logistics, du lịch sinh thái, du lịch nông nghiệp, nông thôn. Ngoài ra, tỉnh chú trọng đầu tư hoàn thiện hạ tầng phòng cháy chữa cháy, quốc phòng an ninh, thủy lợi, cấp thoát nước đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế – xã hội, đảm bảo an sinh xã hội, ứng phó với biến đổi khí hậu, nước biển dâng. Lãnh đạo tỉnh Sóc Trăng cũng thông tin, để bảo đảm nguồn lực tài chính, tỉnh đã đẩy mạnh giải pháp thu ngân sách nhà nước trên địa bàn, tổ chức quản lý và khai thác nguồn thu ngân sách nhà nước hiệu quả, kịp thời xử lý vướng mắc về thu ngân sách. Đồng thời, xây dựng và thực hiện tốt kế hoạch đầu tư công trung hạn, ưu tiên các công trình quan trọng cấp bách, có tính kết nối tạo động lực cho phát triển. Cùng đó, tỉnh sẽ huy động từ nguồn vay tín dụng ưu đãi nước ngoài, nguồn vốn viện trợ để thực hiện đề án, dự án của địa phương trong phát triển cơ sở hạ tầng trọng điểm; cơ cấu lại chi ngân sách, tăng tỷ trọng chi đầu tư, giảm tỷ trọng chi thường xuyên; đổi mới cơ chế phân bổ, giao dự toán chi ngân sách theo hướng khoán chi, đặt hàng, đấu thầu,… đẩy nhanh tiến độ tự chủ trong các đơn vị sự nghiệp công và tinh giảm biên chế. Sóc Trăng tiếp tục thực hiện tốt cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, tạo thuận lợi cho các thành phần kinh tế, bảo đảm cạnh tranh minh bạch, nâng cao năng lực cạnh tranh của tỉnh với xu thế phát triển trong tình hình mới. Theo BNews/

Có thể bạn quan tâm