Trang chủ Công nghệ Xây dựng thành phố thông minh trên nền tảng kinh tế số

Xây dựng thành phố thông minh trên nền tảng kinh tế số

đăng bởi vietnamjournal

BNEWS Ông Nguyễn Văn Khoa, Chủ tịch Hiệp hội Phần mềm và Dịch vụ Công nghệ thông tin Việt Nam (VINASA) chia sẻ: Động lực để phát triển trong giai đoạn hiện nay là kinh tế số, kinh tế xanh và công nghệ mới.

Sáng 2/12, tại Hà Nội, Hiệp hội Phần mềm và Dịch vụ Công nghệ thông tin Việt Nam (VINASA) phối hợp cùng Sở Thông tin và Truyền thông thành phố Hà Nội khai mạc Hội nghị Thành phố thông minh Việt Nam – châu Á 2024. Đây là sự kiện thường niên được tổ chức với mục tiêu xây dựng các thành phố của Việt Nam theo hướng thông minh hơn, bền vững hơn, đem lại cuộc sống thịnh vượng, hạnh phúc cho người dân.Tham dự sự kiện có: Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Trần Sỹ Thanh, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Phan Tâm, đại diện các sở, ngành, địa phương cùng hơn 700 đại biểu trong nước và quốc tế. Theo thống kê, đến tháng 12/2023, Việt Nam có 902 đô thị với tỷ lệ đô thị hóa đạt khoảng 42,7%, ở mức ngang tầm của châu Á. Kinh tế đô thị đóng góp khoảng 70% GDP cả nước. Với tốc độ đô thị hóa đó, bài toán đặt ra là làm thế nào để tìm kiếm những động lực phát triển mới trong bối cảnh thế giới biến động không ngừng về chính trị, kinh tế, công nghệ… Ông Nguyễn Văn Khoa, Chủ tịch Hiệp hội Phần mềm và Dịch vụ Công nghệ thông tin Việt Nam (VINASA) chia sẻ: Động lực để phát triển trong giai đoạn hiện nay là kinh tế số, kinh tế xanh và công nghệ mới. Trong đó, kinh tế số đòi hỏi thúc đẩy chuyển đổi số các ngành kinh tế truyền thống. Kinh tế xanh là sự phát triển bền vững hướng tới môi trường và văn hóa. Yếu tố công nghệ mới đến từ những ngành công nghiệp mà Việt Nam đang có được sức hấp dẫn lớn như bán dẫn, trí tuệ nhân tạo (AI)… Ông Hà Minh Hải, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội cho biết, với chủ đề “Thành phố thông minh – Kinh tế số – Phát triển bền vững”, Hội nghị Thành phố Thông minh Việt Nam – châu Á 2024 gắn với những mục tiêu chiến lược, phản ánh những trụ cột chính trong tầm nhìn mới, tư duy mới toàn cầu trong phát triển của Thủ đô Hà Nội cũng như các địa phương trong khu vực. Sự kiện là cơ hội để các nhà lãnh đạo, các chuyên gia, các doanh nghiệp công nghệ số hàng đầu cùng nhau thảo luận, xây dựng những giải pháp đột phá trong các lĩnh vực như bán dẫn, trí tuệ nhân tạo, giao thông thông minh, năng lượng sạch và môi trường bền vững… Những kinh nghiệm và bài học thực tiễn được chia sẻ tại hội nghị sẽ là động lực quan trọng để Hà Nội và các địa phương trong khu vực nắm bắt cơ hội, vượt qua thách thức, hiện thực hóa mục tiêu xây dựng các đô thị xanh, thông minh và phát triển bền vững.Thành phố thông minh là một trong những xu thế phát triển chủ đạo của các đô thị trên thế giới cũng như trong khu vực. Là một trong những quốc gia đón đầu xu hướng đó, Việt Nam có nhiều chuyển biến tích cực cả về chính sách, môi trường đầu tư lẫn việc nghiên cứu, triển khai và ứng dụng thực tế tại các tỉnh, thành. Về chính sách, thời gian qua, Bộ Xây dựng, Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Giao thông vận tải đều đã ban hành nhiều văn bản pháp lý, khung hướng dẫn nhằm thúc đẩy triển khai đô thị thông minh tại các tỉnh thành phố, đô thị trên toàn quốc. Đến nay, Bộ Xây dựng đang hoàn thiện các khâu cuối cùng để ban hành Bộ tiêu chí Đô thị thông minh bền vững (phiên bản 1) với 4 mảng: Quy hoạch đô thị thông minh, quản lý hạ tầng đô thị thông minh, các tiện ích đô thị thông minh và nền tảng cơ sở dữ liệu đô thị thông minh. Các cấp độ thông minh của đô thị được xếp thành 4 cấp độ. Ông Nguyễn Việt Hùng, Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông Hà Nội cho biết: Trong quá trình xây dựng thành phố thông minh, Hà Nội sẽ ưu tiên các vấn đề như giao thông đô thị, bảo tồn và phát triển di sản, văn hóa, du lịch và bảo vệ môi trường nước, không khí. Để giải quyết các ưu tiên này, Đề án “Xây dựng thành phố Hà Nội thông minh đến năm 2025, định hướng đến năm 2030” sẽ đề ra các giải pháp trọng tâm cho từng ngành, từng lĩnh vực. Quan trọng nhất về dữ liệu, ông Nguyễn Việt Hùng nhấn mạnh: “Hà Nội sẽ xây dựng và phát triển hệ thống dữ liệu đồng bộ, hiện đại, an toàn và hiệu quả, đáp ứng nhu cầu quản lý đô thị thông minh, phục vụ người dân và doanh nghiệp, thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội của thành phố theo hướng bền vững. Hướng đến việc tối ưu hóa quá trình ra quyết định dựa trên dữ liệu, tăng cường hiệu quả của dịch vụ công và nâng cao chất lượng sống cho người dân, đồng thời tạo nền tảng vững chắc cho Hà Nội trở thành một thành phố tiên phong về chuyển đổi số và phát triển bền vững trong nước và khu vực.Trong khuôn khổ hội nghị, hơn 80 diễn giả, chuyên gia sẽ tham gia đóng góp ý kiến trong 7 phiên chuyên đề diễn ra trong 2 ngày (ngày 2 và 3/12) về chính sách, phương thức, công nghệ để các thành phố của Việt Nam nhanh chóng trở lên thông minh hơn, bền vững hơn, đem lại cuộc sống thịnh vượng, hạnh phúc cho người dân. Bên lề các hội thảo có khu triển lãm giới thiệu các giải pháp, nền tảng, dịch vụ có ứng dụng trí tuệ nhân tạo phục vụ cho việc xây dựng thành phố thông minh, quản lý năng lượng, quản lý môi trường thông minh, các hoạt động kết nối giao thương giữa các doanh nghiệp trong nước và quốc tế với các tỉnh, thành phố, doanh nghiệp, tổ chức ứng dụng công nghệ thông tin. Source: BNews

Có thể bạn quan tâm