Căn cứ không quân Bagram ở Afghanistan được xem như là ‘đại bản doanh’ của quân đội Mỹ tại quốc gia Trung Đông này trong suốt 20 năm qua. Với địa hình trải rộng, nơi đây là địa điểm hoạt động chính giúp Mỹ có điều kiện lên kế hoạch tác chiến cho các cuộc đột kích, đánh bom hay thực hiện các cuộc sơ tán khẩn cấp.
Tuy việc rời khỏi căn cứ Bagram của quân đội Mỹ đã được dự tính trước trong nhiều năm, nhưng khi sự kiện này diễn ra vào hồi tuần trước, dù khá phô trương, nó đã không diễn ra suôn sẻ mà có phần rời rạc, giống như kế hoạch của chính phủ Afghanistan cho những gì xảy ra tiếp theo.
Trong nhiều tuần, Taliban đã tiến hành các cuộc tấn công trên khắp cả nước, khiến cho nhiều binh sĩ Afghanistan thiệt mạng và buộc hàng trăm người khác phải đầu hàng. Trong khi đó, trên khắp đất nước, các thủ lĩnh dân quân – bao gồm những lực lượng khởi phát từ thời kỳ nội chiến những năm 1990 và cả những lực lượng mới nổi, cũng đang nỗ lực kêu gọi người dân Afghanistan tham gia vào hàng ngũ của họ để bảo vệ đất nước.
Sau hai thập kỷ, quân đội Mỹ đã bàn giao căn cứ Bagram cho người Afghanistan.
Những động thái này của quân đội chính phủ, lực lượng Taliban và các thủ lĩnh dân quân, dường như đang báo hiệu một điều rằng bạo lực tại Afghanistan gần như chắc chắn sẽ ngày càng trở nên tồi tệ hơn.
Quân đội Mỹ được dự kiến sẽ hoàn thành việc rút quân khỏi Afghanistan vào ngày 11/9 tới đây, theo cam kết của Tổng thống Mỹ Joe Biden khi tuyên bố về việc chấm dứt cuộc chiến tranh tại nước ngoài dài nhất trong lịch sử của quốc gia này.
Tại Bagram, lực lượng an ninh Afghanistan sẽ tiếp quản căn cứ không quân này từ phía Mỹ, và “kế thừa” cuộc xung đột mà Mỹ đã “khơi mào”. Ngoài ra, lực lượng này còn tiếp nhận các phương tiện, trang thiết bị, và vũ khí quân sự, những gì được coi là “di tích” đại diện cho cuộc chiến tranh nghiệt ngã và tương lai bất ổn của Afghanistan.
Bên cạnh đó, quân đội Mỹ cũng để lại những chiếc xe bán tải, những xe thiết giáp Humvee, và những rào chắn từng được sử dụng để bảo vệ các đơn vị tiền đồn cho phía Afghanistan, nhưng hầu hết đều không còn khả năng sử dụng.
Tuy nhiên, số lượng lớn vũ khí do Mỹ cung cấp đã bị quân nổi dậy chiếm đoạt, mua lại hay đánh cắp. Ngay cả tổng thanh tra đặc biệt của Mỹ, người giám sát cuộc chiến ở Afghanistan, cũng không nắm chắc được số lượng vũ khí mà Mỹ đã gửi tới nước này để viện trợ cho lực lượng an ninh trong suốt hai thập kỷ qua.
Những gì bị bỏ lại là lời nhắc nhở về những năm tháng mất mát, đau thương khi số người thiệt mạng của các bên nhiều vô số kể, đặc biệt là dân thường tại Afghanistan, và có lẽ rất lâu sau này, những vết thương ấy cũng khó có thể được hàn gắn.
Ngoài ra, nó cũng khắc sâu sự thất bại trong chiến lược của hàng loạt tướng lĩnh Mỹ, những người từng khẳng định một cách quả quyết rằng mọi thứ đều diễn ra đúng kế hoạch và rất “tốt đẹp”.
Cách căn cứ không quân Bagram khoảng 1,6 km là một dãy cửa hàng của người Afghanistan. Những món đồ ở các cửa tiệm này hầu như được “mót lại” từ các thùng hàng thất lạc hoặc bãi rác. Trong đó, có một món đồ là chiếc cốc cà phê có dòng chữ “Đã từng có mặt tại đây… từng thực hiện nhiệm vụ đó, Chiến dịch duy trì sự tự do”. Đó chỉ là một trong hàng nghìn vật phẩm chứa đựng câu chuyện tại nơi từng diễn ra “cuộc chiến tranh chính nghĩa”.
Cách đây một năm, ông Hashmatullah Gulzada đã mở một cửa tiệm bán đồ lính Mỹ, những kệ hàng tại đây chật kín bày bán các “di vật” thời chiến, đồ ăn nhẹ, túi xách và các nhu yếu phẩm khác.
Tuy nhiên, cửa tiệm nhỏ của ông phụ thuộc rất nhiều vào hoạt động của lính Mỹ. Đến giờ, ngay cả khi một số máy bay chở hàng cuối cùng của Mỹ rời đi vào cuối tháng 6, ông Gulzada vẫn hy vọng rằng quân đội Mỹ sẽ không hoàn toàn rút về nước.
“Nếu họ rời đi, công việc kinh doanh tại đây sẽ trở nên vô cùng tồi tệ”, ông Gulzada ngậm ngùi nói.
Cửa hàng của ông Gulzada bày bán các lon nước Rip It – loại nước tăng lực có hàm lượng đường và hàm lượng caffein cao giúp lính Mỹ tỉnh táo khi đi tuần tra hoặc tập luyện.
Một lon nước Rip It có giá 120 AFN (tương đương 1,5 USD) – một mức giá khá cao nhưng vẫn đắt “như tôm tươi” bởi nhiều người trẻ Afghanistan rất yêu thích thức uống này.
Ngoài một số đồ trang sức và dầu gội đầu, tiệm hàng của ông ấy còn bán băng garô chuyên dụng trong chiến đấu với giá 25 xu. Gần như mọi lính Mỹ tại Afghanistan đều mang theo một loại băng này và nhờ nó mà nhiều người đã được cứu sống. Trong cuộc chiến tại Afghanistan, hơn 20.000 lính Mỹ đã bị thương, chưa kể 1.897 người khác đã thiệt mạng.
Căn cứ không quân Bagram nằm trong một sân bay quân sự của Liên Xô cũ, đã bị phá hủy một phần, và được tái sử dụng khi người Mỹ phát động chiến tranh tại Afghanistan vào năm 2001. Đến năm 2011, căn cứ này dường như là một thành phố thu nhỏ khi có hàng chục nghìn người sinh sống, nơi đây có các cửa tiệm tạp hóa, một nhà tù quân sự và thậm chí là nhà hàng thức ăn nhanh.
Nhưng căn cứ Bagram sau đó cũng đã dần bị thu nhỏ quy mô kể từ khi sự hiện diện của quân đội Mỹ giảm sút. Khi rời đi, người Mỹ đã phá hủy nhiều xe thiết giáp và hơn 15.000 thiết bị khác được coi là tài sản thừa, vì không muốn người Afghanistan bán chác lại để kiếm lời.
Farid, một chủ cửa hàng khác tại Bagram, cho biết hầu hết các vật phẩm mà quân đội Mỹ coi là đồ thừa sẽ bị phá hủy. Điều này chỉ khiến những người buôn bán phế liệu mừng rỡ, còn với những chủ tiệm giống như Farid, điều này nghĩa là một món lời đã bị bỏ phí.
Dù vậy, không phải mọi thứ đều bị phá hủy. Tại một cửa hàng khác, người ta vẫn tìm được một đôi giày chiến đấu màu nâu của lính Mỹ để lại – một di vật gợi nhớ sự xuất hiện của gần 800.000 lính Mỹ tại Afghanistan trong hai thập kỷ qua.
Trước kia, dựa vào những phù hiệu đặc trưng được in trên những đôi giày như vậy bị bỏ lại, lực lượng Taliban đã có thể theo dõi các cuộc tuần tra của lính Mỹ ở phía nam sa mạc. Ở địa hình khắc nghiệt như Thung lũng Korengal, những chiếc giày này thường xuyên bị hỏng do quãng đường di chuyển kéo dài, những tuyến đường núi hiểm trở hoặc là những dòng suối lạnh như băng, và sau đó đều bị bỏ lại dọc đường.
Sau thời gian dài chiến đấu, nhiều khu vực mà quân đội Mỹ và binh lính quốc tế từng đóng quân giờ đây đều do lực lượng Taliban nắm giữ. Lực lượng nổi dậy đã tiến gần hơn đến thủ đô Kabul khi nhiều khu vực đã liên tục bị thất thủ. Lực lượng an ninh Afghanistan đã chiếm lại được một số khu vực, nhưng tình hình vẫn chưa thực sự được kiểm soát.
Hiện nay, lực lượng Taliban chỉ còn cách căn cứ Bagram khoảng 80 km. Những người dân sinh sống tại đây, bản thân họ cũng đang cảm nhận được sự nguy hiểm cận kề. “Ngày mai có thể sẽ xảy ra một cuộc chiến”, một người dân sống tại Bagram, bày tỏ lo ngại.
Bích Ngọc @ Ngày Nay